Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, đây là chủ đề nghiên cứu rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.
Những giải pháp cần làm ngay
Chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”, thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Vào ngày 23/12/2024, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết đây là chủ đề nghiên cứu rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Tình trạng lãng phí trong khai thác tài nguyên, đầu tư công, quản lý tài sản công và thực thi chính sách vẫn đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và trách nhiệm giải trình.
Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực hiện nay vẫn tiếp diễn một cách đáng báo động
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Theo những nghiên cứu và khuyến cáo từ nhiều chuyên gia, tình trạng lãng phí nguồn nhân lực hiện nay vẫn tiếp diễn một cách đáng báo động. Việc bổ nhiệm cán bộ thường dựa vào mối quan hệ cá nhân, sự bao che hoặc các yếu tố không khách quan khác thay vì căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm và phẩm chất của cá nhân. Điều này dẫn đến việc những người không đủ năng lực đảm nhiệm các vị trí quan trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc.
Để phòng chống lãng phí nguồn nhân lực, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: cần đặt việc phòng chống lãng phí nguồn nhân lực trong tổng thể cải cách thể chế, đi liền với việc tinh gọn bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương. “Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai là cần có bộ tiêu chí đánh giá toàn diện đối với nguồn nhân lực, bao gồm năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm làm việc và khả năng thích ứng với môi trường làm việc.
Ba là, cần đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và khách quan. Việc kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện những sai sót.
Bốn là, cần có chương trình đào tạo dài hạn, phù hợp với yêu cầu từng vị trí công tác. Đồng thời, cần khuyến khích cán bộ, công chức tham gia ý kiến trong quá trình đánh giá, bổ nhiệm.
Năm là, ứng dụng công nghệ trong quản lý nguồn nhân lực: việc hiện đại hóa quản lý nhân sự, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động sẽ giúp tăng cường hiệu quả, giảm thiểu lãng phí.
Cuối cùng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về quản lý, sử dụng cán bộ để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Xây dựng nền hành chính quốc gia đáp ứng yêu cầu chống lãng phí
TS. Trần Anh Tuấn - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp xây dựng nền hành chính quốc gia đáp ứng yêu cầu chống lãng phí.
Phải tiến hành xây dựng và cải cách nền hành chính quốc gia một cách đồng bộ, từ Trung ương cho tới các cấp chính quyền địa phương. Không chỉ trong bộ máy hành chính của Chính phủ và cơ quan hành chính của các cấp chính quyền địa phương mà phải tiến hành trong bộ máy hành chính của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, tư pháp và hội đồng nhân dân địa phương các cấp; bộ máy hành chính của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Cải cách hành chính không chỉ thực hiện trong mỗi bộ máy các cơ quan nhà nước mà cả trong hệ thống chính trị một cách đồng bộ sẽ giảm được lãng phí về thiếu ăn khớp, thiếu liên thông, tạo ra các khoảng trống và rào cản trong nền hành chính phục vụ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng của hệ thống các văn bản pháp luật về tính khả thi, tuổi thọ, ít phải sửa đổi, hạn chế phát sinh thêm các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Pháp luật ban hành được thực hiện ngay và không phải hướng dẫn là tốt nhất. Tránh lãng phí về thời gian, nhân lực trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật; người dân mất đi cơ hội trong sinh hoạt, trong kinh doanh, trong đầu tư, …
Đẩy mạnh phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng: “Những việc của địa phương thì giao cho địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm”. Điều này sẽ giảm được lãng phí về cơ hội phát triển, không mất thời gian, địa phương không có tính chủ động trong xử lý các công việc của địa phương. Giảm được cả tiêu cực, phiền hà.
Lãng phí tài nguyên khoáng sản ở nước ta đang ở mức rất cao
PGS.TS. Lưu Đức Hải - Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, lãng phí tài nguyên khoáng sản ở nước ta đang ở mức rất cao, dưới 3 dạng chủ yếu khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản thô do các nguyên nhân: khe hở luật pháp, thiều kiến thức khoa học công nghệ, năng lực quản lý yếu và ý thức chưa cao của doanh nghiệp khai thác.
Tránh lãng phí đòi hỏi kiến thức tốt, ý thức cao đối với tài nguyên khoáng sản của người quản lý và chủ doanh nghiệp thể hiện ở các khía cạnh sau: giấy phép khai thác và chế biến khoáng sản cần phải cấp đồng thời cho tất cả các khoáng sản có giá trị của mỏ khoáng sản khai thác hay loại khoáng sản chế biến; trong quá trình khai thác và chế biến nếu phát hiện khoáng sản hay thành phần có giá trị thu hồi cần bổ sung giấy phép theo một quy trình đơn giản; cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành giám sát hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thường xuyên và có giải pháp điều chỉnh.
Đối với khoáng sản, khó có mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ trong khai thác và chế biến khoáng sản vì việc khai thác hiệu quả và tận dụng tối đa giá trị tài nguyên chứa trong mỏ khoáng sản do sự hạn chế về công nghệ. Tuy nhiên, đối với một số khoáng sản như bô xít trong vỏ phong hóa đá bazan hay quặng sa khoáng có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách có hiệu quả.
Để làm việc này, trước khi cấp phép khai thác hay chế biến; cơ quan quản lý cần cùng với doanh nghiệp quy trình khai thác và chế biến trên cơ sở bài toán phân tích lợi ích và chi phí mở rộng của hoạt động khai thác và chế biến, bao giờ cả việc phục hồi môi trường sau khai thác và chế biến khoáng sản.
Cùng với đó,một số quy định quản lý tài nguyên khoáng sản cần được xem xét để điều chỉnh: xem xét đối tượng tính thuế tài nguyên trong khai thác là sản lượng khoáng sản khai thác được hay trữ lượng khoáng sản mỏ được cấp phép khai thác; ban hành quy chuẩn / tiêu chuẩn về chất thải mỏ đối với từng loại khoáng sản có thể tận dụng hay sử dụng cho các mục đích khác (phục hồi sau khai thác, tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng...).
Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu về phòng, chống lãng phí
PGS.TS.Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Nội chính Trung ương cho rằng, phòng, chống lãng phí là nhu cầu cấp bách từ thực tiễn, thể hiện rõ nét và được thừa nhận trong xã hội, song một thời gian dài chỉ tập trung vào lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, xử lý nhiều hơn phòng chống; chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng hơn là trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí.
Thứ hai, vấn đề lãng phí được xác định gắn với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, vai trò tuyên truyền, động viên, khuyến khích, cũng như trách nhiệm bắt buộc tổ chức chủ trương của Đảng vào cuộc sống, nhất là trong hoạt động quản lý, điều hành tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thực tiễn đang nhiều bức xúc nhất là người đứng đầu chịu trách nhiệm hình sự nhiều hơn giai đoạn trước song chưa tương xứng với sự lãng phí, thất thoát tài sản công…
Thứ ba, trách nhiệm cá nhân về chế tài đang mâu thuẫn với cá thể hóa lợi ích của người đứng đầu, từ chủ trương, đến quy định và tổ chức thực hiện. Tất cả đều đang thể hiện sự lãng phí lớn tiền của, công sức của xã hội.
Thứ tư, cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực còn bộc lộ tính hình thức, nhất là kiểm soát quyền lực trong quản lý tài sản công, tài chính công.
PGS.TS.Trương Thị Hồng Hà kiến nghị:
Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng đổi mới chủ trương cá thể hóa mạnh mẽ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cấp hiện nay. Điều này đòi hỏi đường lối, chủ trương, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng được thể chế hóa, không giáo điều, một chiều, chung chung mà cần cụ thể, đầy tính khoa học và tính thực tiễn; xác định tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ và đội ngũ cán bộ, những tiêu chí nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ: quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện tốt hơn chính sách cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Đây là biện pháp cần thiết, song vẫn cần phải chú ý trong quá trình lãnh đạo cần đề ra các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, người đứng đầu trên tư cách là một cán bộ, đảng viên trong hệ thống tổ chức đảng với các hình thức kỷ luật tương ứng với các vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, trách nhiệm được phát huy khi mà các chế tài xử phạt trong đảng được tiến hành nghiêm minh, khách quan, chặt chẽ, kịp thời và luôn cải tiến cách thức tiến hành khoa học hơn. trong công tác lãnh đạo cần phải có những biện pháp thiết thực nhằm phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể theo đúng tinh thần bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đáp ứng yêu cầu nâng cao trách nhiệm.
Thứ hai, đối với cá nhân người đứng đầu cần có quy định các nội dung được quyết định quan trọng ở những nhiệm vụ, công việc nào, phụ trách nhiệm vụ gì và tập thể quyết định những vấn đề gì; tăng cường những quyết định quan trọng của cá nhân, nhất là người đứng đầu ở những lĩnh vực quan trong như thẩm tra, quyết toán, phê duyệt ngân sách hay công tác giới thiệu nhân sự, tránh lãng phí nguồn lực và tài sản, thời gian…
Thứ ba, quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền giám sát để tăng cường hoạt động giám sát, thị sát, kiểm tra của cá nhân, nhất là người đứng đầu đối với các vấn đề lãng phí được người dân phản ánh nhiều nhất thì mới nâng cao được trách nhiệm cá nhân, nhất là việc xử lý các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Thứ tư, quy định chặt chẽ chế độ giải trình của người đứng đầu và chế độ trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công thuộc trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ năm, bổ sung trách nhiệm nêu gươngvà chế tài kỷ luật nghiêm khắc đối với người đứng đầu khi để xảy ra các hiện tượng lãng phí tài chính công, tài sản công do Nhân dân, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị phản ánh, kiến nghị, tố cáo, khiếu nại.
Thái Phương - Mộc Miên - An Nhiên