Bài cuối: Đảng ta ngày càng xứng đáng là người lãnh đạo, đảm đương trọng trách dẫn dắt đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, nhân văn trên con đường XHCN

Bài cuối: Đảng ta ngày càng xứng đáng là người lãnh đạo, đảm đương trọng trách dẫn dắt đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, nhân văn trên con đường XHCN
3 giờ trướcBài gốc
Bài 3: Đổi mới phương thức lãnh đạo - nhân tố quyết định thành công công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
03/10/2024 12:32
Bài 2: Năm phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
02/10/2024 15:30
Bài 1: Thách thức mới, yêu cầu phát triển mới
01/10/2024 10:12
Bảo đảm quyền lực được thực thi toàn diện, thống nhất, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả
Tiếp tục đổi mới mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ chính là Đảng lãnh đạo công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo đảm quyền lực được thực thi toàn diện, thống nhất và được kiểm soát một cách toàn diện, chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả theo Điều lệ Đảng và pháp luật, đúng vị thế và chức năng để Đảng không bao biện, làm thay, lấn sân Nhà nước và ngược lại Đảng cũng không "khoán trắng", buông lỏng lãnh đạo. Các tổ chức của Đảng và đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hành dân chủ, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trên cơ sở phân định, thể chế hóa nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trên từng lĩnh vực và cấp chính quyền, nhất là đối với quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hoàn thiện cơ chế của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được toàn dụng song hành, càng đặc biệt quan trọng đối với người đứng đầu cấp ủy và cấp ủy, trong bối cảnh đổi mới bộ máy đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, không trùng chéo, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Không định vị đúng quyền và phạm vi quyền được trao sẽ không thể định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cấp ủy; ngược lại, trách nhiệm phải trên cơ sở và tương dung thống nhất với quyền được trao. Không thể dung thứ tình trạng dùng quyền mà không chịu trách nhiệm về quyền được trao cũng như tình trạng quyền và trách nhiệm không cân xứng.
Vì vậy, nếu bảo đảm quyền phải gắn liền với trách nhiệm thì trao quyền tới đâu phải kiểm soát vô điều kiện quyền được trao theo trách nhiệm tới đó, không kể là ai hay bất cứ cấp nào. Càng phân cấp, phân quyền đối với người đứng đầu và cấp ủy càng phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát một cách đa diện, dân chủ. Không thể để bất cứ tình trạng quyền được trao ở bất cứ ai, ở bất cứ cấp nào nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng của Đảng, sự phản biện của MTTQ và sự giám sát của Nhân dân theo luật định. Điều đó cũng đồng nghĩa với không thể đểkhông dung thứ tình trạng lạm quyền, lộng quyền, mạo quyền, tiếm quyền, sở hữu quyền được trao (dưới mọi hình thức, tính chất và mức độ) ở bất cứ ai. Cần đặc biệt phòng ngừa và xử lý nghiêm khắc tệ “đạo vị” (ăn cắp chức vụ) - tham nhũng chính trị - nguồn gốc đẻ ra các tệ nạn khác nguy hiểm (mua bán chức vụ, ban phát quyền lực, nạn “chạy” chức vụ, thành tích, luân chuyển, bằng cấp...).
Đồng thời, đổi mới, thực thi cơ chế giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt về đạo đức của người đứng đầu cấp ủy ở mọi nơi, mọi lúc song hành với vận hành cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực nhằm chống tham nhũng quyền lực, tha hóa và thoái hóa quyền lực. Đạo đức chính trị và quyền lực chính trị phải trở thành đối tượng của công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát từ mọi phía Đảng, Nhà nước, Nhân dân, công luận. Vì, khi đạo đức bị suy thoái, sa đọa rất dễ dẫn tới tha hóa về chính trị, thậm chí thoái hóa về quyền lực chính trị.
Toàn cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Kỷ luật là sức mạnh của sự lãnh đạo của Đảng. Nếu buông lỏng công tác kiểm tra là xâm hại sự lãnh đạo của Đảng, coi nhẹ giám sát kỷ luật trong Đảng là vô hình trung dung túng cho nguy cơ sử dụng quyền được trao biến thành sở hữu quyền được trao và tác họa sẽ khôn lường; nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới suy thoái chính trị, lâm vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “Đảng hóa Nhà nước” hoặc “Nhà nước hóa Đảng”, vô hình tự đánh mất quyền và trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền.
Việc lâu dài nhưng cần kíp là, đổi mới hệ thống tổ chức, xác định rõ vị thế, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra và kỷ luật của Đảng ở các cấp theo hướng trao quyền ngang tầm, mạnh mẽ, tổ chức bộ máy gọn, tinh thông trong việc giữ nghiêm kỷ luật theo Điều lệ Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi những chứng bệnh của một đảng cầm quyền; đổi mới cơ quan thanh tra nhà nước. Đồng thời, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra của Đảng - thanh tra của Nhà nước - cơ quan giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt, củng cố đội ngũ những người làm công việc kiểm tra trong Đảng, thanh tra phía Nhà nước thật sự thạo việc, trung trực, liêm chính trên cơ sở trao quyền quyết định tương xứng cho ngành kiểm tra, thanh tra ngang tầm trọng sự được giao. Đồng thời, gắn chặt với sự giám sát của công luận, của Nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị đối với các tổ chức đảng và đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, dù trong nước hay công tác ở nước ngoài. Nghiêm ngặt kiểm tra, giám sát tổng thể, toàn diện, cụ thể đối với đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong công vụ và cuộc sống hàng ngày.
Mỗi quyết nghị bảo đảm "7 định"
Nội dung tiếp theo, đó là thể chế hóa thực thi quyền, trách nhiệm, phương pháp, lề lối, phong cách lãnh đạo, cầm quyền theo Điều lệ Đảng, thống nhất với pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống quy chế, quy định, chế độ một cách thống nhất, đồng bộ, cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả mọi phương diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cải cách xây dựng các ban tham mưu của Đảng gọn nhẹ, liên thông, tinh nhuệ, hành động, đặc biệt đạo đức chính trị ngang tầm trọng trách. Quy định và kiểm tra công việc cần có của người đứng đầu, cấp ủy, trước hết là việc chủ trì đổi mới quy trình ra và tổ chức thực thi nghị quyết. Mỗi quyết nghị của tập thể cấp ủy bảo đảm tối thiểu 7 yêu cầu, với 7 “định”: Định hướng, định tính, định lượng, định hình, định việc, định người định kiểm. Mỗi quyết nghị của cấp ủy phải là một chương trình hành động, chứ không phải là chương trình nghị luận "suông".
Như thế mới bảo đảm sự tập trung của các quyết sách trên cơ sở thực thi dân chủ, có tính khả thi, kiểm soát chủ động việc thi hành quyết nghị. Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và thiết thực; chú trọng điều tra, làm thử, rút kinh nghiệm và nhân rộng kinh nghiệm; phát huy trí tuệ cấp ủy, đội ngũ đảng viên thật sự dân chủ trong thực hiện nghị quyết, bảo đảm cho các quyết nghị được tuân thủ kịp thời, đúng đắn và hiệu quả; kiểm tra chặt chẽ việc thực thi nghị quyết, chống lối quyết nghị “suông”, chỉ đạo miệng, nói nhiều làm ít, nói nhưng không làm, nói một đường làm một nẻo, thậm chí chống lại nghị quyết… Đó là thước đo về sự trưởng thành chính trị, trí tuệ, uy tín, phương pháp, phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ; đồng thời là sự kiểm chứng giữa quyền và trách nhiệm theo nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy và tổ chức đảng.
Các cấp có thẩm quyền thể chế hóa nghị quyết của Đảng về vấn đề này thống nhất thành quy chế, chế độ tại các cơ quan (của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị) để các cơ quan này giám sát và phản biện. Quy chế hóa về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng thật cụ thể, thiết thực và hiệu quả; xác định đúng trọng tâm, trúng trọng điểm cần giải quyết; định tính, định lượng và định vị rõ ràng; dân chủ và minh bạch hóa; định lượng và thưởng phạt kịp thời, minh bạch…
Có thể hình dung gồm 10 phương diện định chế thống nhất. Một - Định chế đối thoại dân chủtrong Đảng,đối thoại với cơ sở và nhân dân song hành với định chế kỷ luật theo Điều lệ Đảng và pháp luật. Đó là con đường tiếp tục xây dựng nội bộ đảng vững mạnh và phát triển cơ sở xã hội - chính trị của Đảng vững chắc và rộng rãi ngay từ nền tảng, với tinh thần dân chủ, minh bạch, mà người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết và trực tiếp. Khuyến khích, cổ vũ và bảo vệ mọi sự tìm tòi, sáng tạo thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng ở tất cả các cấp ủy, các ngành, các địa bàn...
Hai - Định chế trách nhiệmtrước cấp trên, cùng cấp, cấp dưới và đảng viên. Đó là thước đo của việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy.
Ba- Định chế bầu cử, ứng cử, tiến cử, thi tuyển… một cách dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị, theo hướng tranh cử (nhiều ứng viên cho một chức vụ), bảo cử dân chủ (chịu trách nhiệm đồng thời với người được tiến cử) và đặc biệt thi tuyển minh bạch… Định lượng thời gian “khảo thí”, “khảo chức” sau giữ chức vụ.
Bốn - Định chế luân chuyển, điều động… đối với người đứng đầu các cấp ủy một cách phù hợp, thống nhất trong thế bố trí chiến lược đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Thể chế hóa công việc này. Chẳng hạn Luật Hồi tỵ thời Hồng Đức (1470 - 1497) để lại không ít kinh nghiệm có thể tham chiếu hiện nay về phương pháp bố trí, kiểm soát vĩ mô cán bộ các cấp.
Năm - Định chế về miễn nhiệm, từ chức của người đứng đầu, sửa đổi, bổ sung các hình thức, mức độ kỷ luật khác (huyền chức, hạ chức, cách chức, tước bỏ chức vụ…) đối với người giữ các chức vụ trong Đảng và hệ thống chính trị, trên cơ sở quyền gắn với trách nhiệm theo nhiệm vụ, không có vùng cấm, không trừ ngoại lệ, không đợi hết nhiệm kỳ, không vì bất cứ lý do nào khác.
Sáu -Định chế kiểm tra, thanh tra định kỳ và bất thường kết hợp của các cơ quan đảng với định chế giám sát của đảng viên, của nhân dân và công luận để sàng lọc, lựa chọn, bố trí thành viên cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp.
Bảy - Định chế báo cáo, giải trình trách nhiệm một cách công khai, minh bạch, dân chủ của cá nhân, tổ chức trong Đảng theo Điều lệ Đảng và tại cơ quan, đơn vị theo pháp luật của Nhà nước về các công việc lãnh đạo, mối quan hệ cộng đồng, thân nhân và mối quan hệ thân tộc, tài sản của cá nhân (trước và sau khi giữ chức vụ) và tổ chức mà các cơ quan của Đảng, cơ quan thanh tra của Nhà nước yêu cầu, công luận phát hiện…
Tám -Định chếsơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết một cách sát thực về hoạt động của tổ chức đảng cùng cấp và cấp dưới theo các quy chế, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu, không chỉ cơ quan đảng mà cả với tổ chức đảng trong các cơ quan chính quyền và tổ chức của hệ thống chính trị các cấp, các doanh nghiệp và những địa bàn trong nước và ở nước ngoài có tổ chức đảng.
Chín -Định chế độkhen thưởng, kỷ luật một cách dân chủ, nghiêm minh, kịp thời đối với công việc thực thi phương thức lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy nói riêng và công tác đảng nói chung theo Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả công việc, sự hài lòng của đảng viên, nhân dân là thước đo hiệu quả của đổi mới phương thức lãnh đạo, phẩm hạnh và tư cách của đảng viên. Lập Quỹ Dưỡng liêm để bảo vệ, cổ vũ đảng viên, cấp ủy các cấp.
Mười -Định chế đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện làm việc theo hướng hoàn thiện khung pháp lý và các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng trên nền tảng số và công nghệ hiện đại nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo từ truyền thống sang điện tử và dựa trên dữ liệu số, ở tất cả các cấp, các phương diện một cách đồng bộ, thống nhất, trực tiếp, ngang tầm, hiệu quả.
Trong thế giới hiện nay, trước yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới, theo quy mô, tốc độ, chiều sâu của công cuộc đổi mới, Đảng ta ngày càng xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân vừa là “đứa con nòi” của dân tộc, đảm đương trọng trách lịch sử dẫn dắt đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn trên con đường XHCN và đồng hành cùng nhân loại trong thế kỷ XXI.
Nhị Lê
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-dang-ta-ngay-cang-xung-dang-la-nguoi-lanh-dao-dam-duong-trong-trach-dan-dat-dat-nuoc-phat-trien-manh-me-ben-vung-nhan-van-tren-con-duong-xhcn-post392225.html