Bài cuối: Hướng tới thành phố Huế đặc sắc, hạnh phúc

Bài cuối: Hướng tới thành phố Huế đặc sắc, hạnh phúc
2 giờ trướcBài gốc
Hồi sinh và lan tỏa văn hóa Huế
Bài cuối:
Hướng tới thành phố Huế đặc sắc, hạnh phúc
Giữ những cái Huế đang có và biến thành lợi thế so sánh với các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các di sản, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch bền vững... Trong đó, phải tôn trọng tính chất đặc biệt của Huế là một đô thị lịch sử - văn hóa.
Tầm nhìn và kỳ vọng
Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; tầm nhìn đến năm 2045, là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Trong phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc, thành phố Festival của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival…
Việc xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám này cũng nêu rõ, quan điểm, nguyên tắc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương là bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh. Khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Bên cạnh đó, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế. Đặc biệt, việc xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, Thừa Thiên Huế xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc con người Huế là một nhiệm vụ trọng tâm, căn bản, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. “Thừa Thiên Huế luôn thận trọng, cân nhắc làm thế nào bảo đảm sự hài hòa để phát triển, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Bởi lẽ, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả quốc gia”.
Festival Huế - điểm hẹn của nghệ sĩ, người dân Huế và du khách. Ảnh: TTBTDTCĐH
Sức sống mới, tầm cao mới
Các giá trị kinh tế gắn với di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp duy trì di sản theo thời gian, theo cùng một cách mà các giá trị xã hội thực hiện. Trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang chuyển mình mạnh mẽ, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và hội nhập sâu rộng với thế giới, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng, Festival Huế cần một sức sống mới, một cách tiếp cận tinh tế và giàu cảm xúc hơn để không chỉ bảo tồn di sản mà còn thăng hoa trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
“Trong bối cảnh mới, Festival Huế không chỉ là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, mà còn là ngọn hải đăng dẫn dắt văn hóa Huế tiến vào tương lai với sự tự tin và sáng tạo không giới hạn. Đây sẽ là nơi mà mọi cảm xúc, từ lòng tự hào về di sản đến khát vọng vươn lên, hòa quyện trong từng khoảnh khắc của Festival, biến Huế thành một trung tâm văn hóa và sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới”.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Festival Huế, từ lâu, đã là biểu tượng văn hóa của Thừa Thiên Huế, nơi di sản của triều Nguyễn được tái hiện trong ánh sáng nghệ thuật và tâm hồn người dân xứ Huế. Nhưng giờ đây, Festival cần phát triển lên một tầm cao mới, nơi mà không gian di sản không chỉ là những hoài niệm quá khứ, mà còn phải là điểm tựa cho sự sáng tạo, là nơi mà văn hóa truyền thống hòa quyện với hơi thở của thời đại.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, phải làm cho Festival Huế trở thành một hành trình cảm xúc, không chỉ là nơi lưu giữ di sản mà còn là sân khấu lớn của nghệ thuật hiện đại, nơi văn hóa quốc tế có thể chạm vào tâm hồn của mỗi du khách. “Chúng ta hãy tưởng tượng Festival Huế không chỉ là những màn trình diễn cung đình, mà còn là một không gian sáng tạo rực rỡ, nơi các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến để tìm cảm hứng và trao gửi những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại. Huế sẽ không chỉ là di sản tĩnh, mà sẽ trở thành một trung tâm của văn hóa sáng tạo, nơi nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, và công nghệ được hòa quyện để tạo nên một bản giao hưởng độc đáo”.
Festival Huế phải trở thành nơi nghệ sĩ khắp thế giới đến tìm cảm hứng và trao gửi những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại. Ảnh: TTBTDTCĐH
Festival Huế cũng cần phải trở thành một phần của đời sống kinh tế văn hóa, nơi các sản phẩm văn hóa sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh tế, ẩm thực mang đậm chất Huế, thời trang kết hợp giữa truyền thống và hiện đại… tất cả sẽ là những dấu ấn khó quên mà Festival có thể mang lại, góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.
Hơn hết, PGS. TS Bùi Hoài Sơn mong muốn, Festival Huế cần trở thành một không gian nuôi dưỡng tài năng, nơi các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tỏa sáng, nơi những giấc mơ sáng tạo được chắp cánh. Với một tầm nhìn xa hơn, Festival là nơi khơi dậy sự đam mê, sáng tạo trong thế hệ trẻ, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại Huế.
Festival Huế cũng cần mở rộng hơn nữa cánh cửa đón nhận những luồng gió mới từ các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trên toàn thế giới, để từ đó, văn hóa Huế không chỉ là kho tàng di sản quốc gia mà còn là nguồn cảm hứng toàn cầu. PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Sự đa dạng này sẽ không chỉ mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho du khách mà còn là cơ hội để văn hóa Huế bước ra khỏi biên giới, khẳng định mình trên bản đồ văn hóa quốc tế”.
Hương Linh - Minh An
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-huong-toi-thanh-pho-hue-dac-sac-hanh-phuc-post394890.html