Phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt xung quanh vấn đề này.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt.
Nhiều môn thể thao chưa vận hành theo cơ chế thị trường
Xin ông cho biết bức tranh khái quát về phát triển kinh tế thể thao tại Việt Nam hiện nay?
- Hoạt động thể dục thể thao không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện, mang lại những ý nghĩa xã hội khác, mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Hiện nay, thể dục thể thao ở nhiều quốc gia là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ví như ngành công nghiệp thể thao.
Tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực thể thao đã được xã hội hóa, thu hút các DN đầu tư. Những nguồn tài trợ và quảng cáo trong thể thao là không nhỏ nhưng vẫn cần phải có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này cùng bài toán kinh tế.
Tuy chưa có sự thống kê, điều tra đầy đủ trên quy mô quốc gia, song có thể nhận định rằng quy mô của thị trường kinh tế thể thao ở Việt Nam chưa lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thiết bị thể thao khá phát triển, song chủ yếu là gia công trang phục, giày, thiết bị thể thao cho các hãng nước ngoài. Các thiết bị sản xuất hoàn toàn trong nước có chất lượng chưa cao, chưa cạnh tranh được với thiết bị nhập ngoại.
Hoạt động dịch vụ thể thao có sự phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây, tuy nhiên chủ yếu là các dịch vụ liên quan đến tập luyện thể thao. Thị trường thể thao nhà nghề (thể thao chuyên nghiệp) quy mô còn rất khiêm tốn. Các hoạt động về chuyển nhượng vận động viên, khai thác bản quyền, tài trợ, quảng cáo trong thể thao… còn có giá trị thấp.
Hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược thể thao hầu như chưa được triển khai ở nước ta do vướng mắc về cơ chế. Rất nhiều môn thể thao ở nước ta chưa vận hành với cơ chế thị trường. Công tác đào tạo vận động viên, tổ chức thi đấu, tham gia các hoạt động quốc tế chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước.
Bóng đá đang thu hút đông đảo khán giả. Ảnh: Ngọc Tú
Đánh giá chung có thể nhận định rằng kinh tế thể thao ở nước ta đang phát triển ở giai đoạn đầu - giai đoạn tiền công nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng để phát triển kinh tế thể thao ở nước ta là rất lớn và triển vọng.
Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về tiềm năng phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam?
- Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng và tham gia các hoạt động thể thao của người dân tăng mạnh là tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế thể thao ở nước ta. Trong thời gian qua có thể thấy rất nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh tế thể thao, như việc bùng nổ các giải thể thao quy mô đông người do DN đứng ra tổ chức, đặc biệt là các giải chạy marathon, hay như sự bùng nổ của các cơ sở cung ứng dịch vụ tập luyện thể thao tư nhân (gym & fitness, yoga, billiard, bóng đá mini, bơi, pickleball…).
Cùng với bóng đá, nhiều môn thể thao ở nước ta đã bắt đầu vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp như bóng rổ, golf, quần vợt, bóng chuyền, billiard & snooker, MMA, quyền Anh, kickboxing… Với quy mô dân số gần 100 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thị trường Việt Nam cũng đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tên tuổi lớn đã có mặt trên thị trường Việt Nam. Đó là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy trong thể thao đã có “hơi hướng” của một ngành kinh tế.
Theo ông, kinh tế thể thao Việt Nam chưa thực sự khởi sắc là do đâu?
- Theo tôi vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh tế thể thao. Trong thời gian trước đây, chúng ta chưa xác định kinh tế thể thao là một ngành kinh tế, vì vậy còn thiếu các cơ chế, chính sách, thiếu hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hoạt động này. Qua sơ bộ rà soát, có thể nhận thấy nhiều quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh tế thể thao còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, như các quy định về thể thao chuyên nghiệp, sở hữu, khai thác bản quyền trong tổ chức sự kiện thể thao.
Hay việc thành lập và hoạt động của các cơ sở kinh doanh, vụ thể thao, việc quản lý, sử dụng đất dành cho thể dục thể thao, việc khai thác hiệu quả các công trình thể thao công lập… Một số hoạt động có thể đem lại nguồn thu rất lớn, song khó triển khai vì thiếu cơ chế, như đặt cược thể thao, hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thể thao.
Cần một cuộc "cách mạng" về tư duy
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho phát triển thể dục thể thao trong đó có kinh tế thể thao. Ngành thể dục thể thao cần có lộ trình và giải pháp đột phá như thế nào trong thời gian tới?
- Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các quan điểm, mục tiêu và đặc biệt là có riêng một nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế thể thao. Cụ thể, Điều 9 quy định về “Phát triển kinh tế thể thao” nêu rõ yêu cầu, rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực thể dục thể thao; tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng khung pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trang thiết bị, hàng hóa thể thao trong nước; có chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa, thiết bị thể thao nội địa để kích thích sản xuất trong nước; rà soát, kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong một số loại hình thể dục thể thao.
Cùng với đó, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ thể thao; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực thể dục thể thao làm cơ sở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đặc biệt, cũng đưa ra yêu cầu xây dựng khung pháp lý, triển khai thí điểm hoạt động đặt cược thể thao, xổ số thể thao, tạo nguồn thu phát triển thể dục thể thao. Thí điểm và tiến tới mở rộng cơ chế chuyển giao công trình thể thao do Nhà nước xây dựng cho các hội thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, DN đầu tư khai thác theo quy định pháp luật. Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao xây dựng đề án phát triển kinh tế thể thao trong năm 2025.
Để có những giải pháp đột phá như trên, chúng ta cần một cuộc “cách mạng” trong tư duy về kinh tế thể thao, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào cơ sở vật chất mà cần xây dụng một hệ sinh thái thể thao toàn diện, thưa ông?
- Đúng vậy, để thể thao Việt Nam phải trở thành một lĩnh vực kinh tế một cách toàn diện với nhiều yếu tố cấu thành cần có tư duy và chính sách toàn diện để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao, từ việc sản xuất hàng hóa, trang thiết bị thể thao đến các hoạt động thương mại, dịch vụ thể thao.
Chúng ta phải nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thể thao, cái gì có thể kinh doanh được thì các cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác dịch vụ hiệu quả.
Rõ ràng việc phối hợp giữa các đơn vị công và tư, giữa T.Ư và địa phương, mô hình “ tam giác vàng”: Nhà nước - DN - xã hội cần vận hành một cách linh hoạt và hiệu quả. Vậy theo ông, ngành thể dục thể thao cần có định hướng và giải pháp như thế nào để mô hình phát huy hiệu quả hơn?
- Vai trò của Nhà nước là định hướng, hỗ trợ và quản lý, điều tiết các hoạt động kinh tế thể thao. Về phía ngành thể dục thể thao, trước hết cần tập trung để hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế thể thao phát triển.
Đồng thời, phải tổ chức lại bộ máy để thực thi chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động kinh tế thể thao, tăng cường công tác thống kê, phân tích, dự báo thị trường, hỗ trợ tư vấn pháp lý, hỗ trợ thông tin cho DN, hỗ trợ khởi nghiệp và hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) trong sản xuất hàng hóa thể thao. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh liên kết ngành để phát triển các sản phẩm có tính chất đa ngành, như du lịch thể thao, thể thao giải trí, đặt cược và xổ số thể thao…
Hiện nay, các liên đoàn, hiệp hội thể thao chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chủ động tìm kiếm nguồn đầu tư xã hội hóa. Vậy cần giải pháp như thế nào để các liên đoàn, hiệp hội phối hợp tối đa và đóng vai trò lớn góp phần vào phát triển kinh tế thể thao, thưa ông?
- Hiện nay, các liên đoàn, hiệp hội thể thao được trao quyền rất lớn trong quản lý, phát triển môn thể thao trong phạm vi phụ trách. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều đơn vị thể thao cấp quốc gia, cấp tỉnh, TP chưa thực hiện đầy đủ các quyền được pháp luật quy định.
Để phát huy vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao trong phát triển kinh tế thể thao, trước hết các tổ chức này cần phải tự đổi mới tổ chức, bộ máy và tăng cường ban hành các quy định chuyên môn để có cơ sở quản lý; chủ động xây dựng các “sản phẩm” thể thao thuộc phạm vi quản lý của liên đoàn, như các giải thể thao do liên đoàn đứng ra tổ chức, hoặc các hoạt động đào tạo, cấp chứng nhận chuyên môn.
Cùng với đó, các liên đoàn cũng cần sớm kiện toàn bộ máy cán bộ có năng lực về hoạt động marketing, quản lý tài chính, vận động tài trợ và truyền thông, tổ chức sự kiện. Về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các liên đoàn, hiệp hội thể thao, kiên quyết giải thể hoặc kiện toàn, tổ chức lại đối với những liên đoàn hoạt động kém hiệu quả, không tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức hội.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trong năm 2025, ngành thể dục thể thao sẽ rà soát, đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Thể dục thể thao, trong đó tập trung đánh giá những vấn đề bất cập về mặt pháp lý đối với hoạt động kinh tế thể thao được quy định tại luật chuyên ngành để làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật.
Đồng thời, ngành sẽ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan khác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta.
Trước mắt, ngành thể dục thể thao đẩy mạnh việc chuyển giao việc tổ chức các giải thể thao có yếu tố chuyên nghiệp hoặc có tính xã hội hóa cao cho các hội thể thao, DN, tổ chức cá nhân có năng lực để vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa tăng tính hấp dẫn của giải, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt
Ngọc Tú