Theo chính quyền địa phương, giải tỏa vi phạm thì dễ, những để duy trì trật tự là bài toán khó bởi lẽ từ lâu vỉa hè đã trở thành nguồn mưu sinh của nhiều người dân, đặc biệt cư dân phố cổ vẫn còn chen chúc trong những ngôi nhà chật hẹp, nhiều hộ gia đình trong một con ngõ nhỏ cùng bám vào vỉa hè kiếm kế sinh nhai…
Đã từng có ý tưởng cho thuê vỉa hè để hạn chế lấn chiếm nhưng phương án này không khả thi. Làm sao để giải được bài toán vỉa hè là một câu hỏi lớn cho chính quyền các cấp?
3-5 nhà chung nhau một góc vỉa hè kinh doanh
Là địa bàn trung tâm của Thủ đô Hà Nội, phường Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều cơ quan Trung ương, cơ quan Đảng, chính quyền của TP Hà Nội. Các cơ quan nằm hầu hết trong phố cổ, ít có chỗ đỗ xe. Các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn, đặc biệt khu vực phường Tràng Tiền (cũ), mỗi khi có hội họp đều gửi văn bản tới Công an phường nhờ giúp đỡ bố trí chỗ để xe…
Do một số bãi xe trông giữ bị cắt giảm, một số bãi điều chỉnh, lượng xe lại quá tải, lượng người đến phường Hoàn Kiếm rất lớn, nhiều cơ quan, tổ chức thường xuyên có hội nghị… đặt ra áp lực lớn về điểm trông giữ xe với chính quyền cơ sở.
Vỉa hè phố cổ Hà Nội bị lấn chiếm kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm cũng là nơi có các tuyến phố cổ Hà Nội, với đặc thù là đường hẹp, vỉa hè chật, người dân chủ yếu sống bám vào vỉa hè, nên việc lấn chiếm diễn ra phổ biến. Công tác đảm bảo trật tự đô thị, lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn phường đang là bài toán khó.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Đặng Văn Chiêu, Trưởng Công an phường Hoàn Kiếm cho biết, với vị trí “đặc biệt” của phường Hoàn Kiếm, Ban chỉ huy Công an phường luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ việc đảm bảo tuyệt đối không để hàng rong, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các khu vực có các cơ quan Trung ương, cơ quan Đảng, chính quyền của TP Hà Nội. Đối với các tình trạng lấn chiếm lòng đường để kinh doanh buôn bán ảnh hưởng đến đi lại của người dân phải xử lý quyết liệt, dứt điểm.
Từ 1/7, khi thực hiện chính quyền hai cấp, Công an phường Hoàn Kiếm đã bắt tay ngay vào việc rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng, đã xử phạt 38 trường hợp vi phạm trật tự đô thị và 222 trường hợp vi phạm khác. Đồng thời, Công an phường có phương án tham mưu cho UBND phường, TP để xử lý dứt điểm những vi phạm lấn chiếm nghiêm trọng, cũng như tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tại khu vực phố cổ, với đặc thù là các nhà san sát nhau với diện tích nhỏ hẹp, có nơi trong một con ngõ nhỏ có 3-5 nhà sinh sống, họ bám vào vỉa hè chia nhau để bán nước mưu sinh. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, họ dọn vào, khi không có người lại bày ra tranh thủ buôn bán. Với những trường hợp này, ngoài xử lý, Công an phường còn tuyên truyền, vận động, bởi đây là kế sinh nhai, nên họ vẫn “bám” vỉa hè để mưu sinh.
Theo Trưởng Công an phường Hoàn Kiếm, thời gian vừa qua, đã có biết bao đề án, rất nhiều kế hoạch ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đặc biệt khu vực phố cổ, nhưng mỗi lần lực lượng chức năng ra quân mạnh thì người dân chấp hành, khi hết đợt ra quân hay khi công tác này “chững” lại là người dân lại tràn ra vỉa hè kinh doanh buôn bán.
Có thể nói, đây thực sự là một bài toán khó. Hà Nội cũng đã từng đề xuất cho các hộ kinh doanh thuê vỉa hè. Tuy nhiên, nếu cho thuê vỉa hè thì người đi bộ sẽ không còn chỗ để đi trên vỉa hè. Còn nếu làm các điểm trông giữ xe thì sẽ lại nảy sinh bất cập là việc đi lại từ điểm trông giữ xe quá xa nên người dân không đồng thuận.
Nếu bố trí nhiều điểm trông giữ xe sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, Hoàn Kiếm không còn nhiều quỹ đất để bố trí nhiều điểm trông giữ xe. Đất chật, người đông - ai cũng muốn được hưởng các tiện ích, lợi ích từ kinh doanh nên sẽ xảy ra những mâu thuẫn khó kiểm soát”, Thượng tá Đặng Văn Chiêu cho biết.
Về mặt chủ trương, định hướng, Thượng tá Chiêu nêu quan điểm những vi phạm trật tự đô thị ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân phải xử lý dứt điểm như việc lấn chiếm lòng đường bán hàng. “Các cơ quan chức năng đã nhận định được tình hình khi cho thuê vỉa hè là xảy ra xung đột lợi ích. Rõ ràng, thuận lợi mang lại là cơ quan nhà nước thu được thuế, vỉa hè được cho thuê nhưng lại phát sinh những mâu thuẫn tiềm ẩn nên việc cho thuê vỉa hè khó triển khai”.
Nhiều ý kiến cũng đưa ra việc cho thuê vỉa hè phố cổ không khả thì khi hạ tầng giao thông từ lịch sử để lại, có những tuyến phố hè không đảm bảo, có chỗ hè dưới 3m, không sắp xếp trông giữ xe đạp, xe máy. Phường Hoàn Kiếm đã có nhiều giải pháp giúp dân có chỗ để phương tiện, nhưng do các tuyến phố quá chật chội so với nhu cầu của nhân dân, vì vậy kiến nghị TP cần có thêm điểm đỗ xe tĩnh, ít nhất cần 4 điểm mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Trước đây, khi còn chính quyền 3 cấp, cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm (cũ) đã tính đến việc đưa hàng rong, hộ nghèo bán nước vào một khu trong ngõ rộng, nhưng phương án này không khả thi khi khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài đến phố cổ lại thích ngồi vỉa hè, nếu đưa vào trong ngõ không thu hút được khách du lịch nên phương án này vẫn chưa thực hiện được. Về lâu dài, muốn thực hiện bền vững lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, cần phải có giải pháp phù hợp hơn. Theo nhiều chuyên gia, giải pháp giãn dân mới có hiệu quả, khu vực phố cổ chỉ dành cho làm kinh tế, không có người ở thì sẽ giảm tải xe đi lại, để xe trước nhà.
Trưởng Công an phường Hoàn Kiếm cho rằng, các tuyến phố cổ, động viên truyên truyền người dân như thế nào, tham mưu cho UBND như thế nào để người dân nghe và thực hiện đúng quy định, không lấn chiếm, vi phạm - không dễ gì thực hiện trong ngày một ngày hai vì liên quan đến quyền lợi mưu sinh của người dân. Chính vì vậy, phải tính toán, giải quyết được nhu cầu cuộc sống của người dân thì mới có thể tính đến việc người dân không vi phạm. Đây là bài toán khó chưa có lời giải.
Bố trí lực lượng duy trì trật tự đô thị
Trước những lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nghiêm trọng, từ 1/7, khi thực hiện chính quyền hai cấp, Công an các phường trên địa bàn Hà Nội đã bố trí lực lượng ra quân xử lý và duy trì giữ vững trật tự đô thị.
Theo Thiếu tá Ngô Minh Đức, Phó Trưởng Công an phường Tây Hồ, ngay sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, Công an phường đã triển khai tổ công tác tuần tra, xử lý các hàng quán, ra quân xử lý vi phạm trật tự ven Hồ Tây. Kết quả đến nay đã xử lý 123 trường hợp bán hàng rong, 58 trường hợp đỗ xe trên vỉa hè, 28 trường hợp sử dụng trái phép trên hè phố, 1 trường hợp sử dụng vỉa hè vào mục đích khác.
Để duy trì trật tự đô thị sau khi ra quân, Thiếu tá Ngô Minh Đức cho biết, Công an phường phân công 3 tổ tuần tra hàng ngày đi xử lý trên địa bàn. Đường ven Hồ Tây đến nay gần như không còn tình trạng kê bán ghế lấn chiếm vỉa hè bán hàng. Do đặc thù của đường ven hồ, người dân đến vui chơi đông, nhất là vào các ngày cuối tuần, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, thiếu chỗ để xe nên nhiều khi quá tải. Công an phường đã ký cam kết với các hộ kinh doanh, nếu hộ nào vi phạm thì xử lý, đặc biệt tái phạm sẽ có chế tài xử lý cao hơn.
Tương tự, tại địa bàn phường Từ Liêm, nhiều tuyến đường bị lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe, để duy trì trật tự đô thị, Trung tá Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Công an phường cho biết: “Ngoài duy trì 1 tổ công tác ở khu vực Bến xe Mỹ Đình, 4 tổ còn lại thường xuyên tuần tra, xử lý ở các tuyến đường gom, một số tuyến đường xuyên tâm như Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu; đường gom đại lộ Thăng Long, Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo và những tuyến phố có chợ truyền thông kinh doanh lấn chiếm vỉa hè”.
Theo lãnh đạo Công an phường Tây Hồ và Từ Liêm, ngoài ra quân xử lý và bố trí lực lượng duy trì gồm Công an phối hợp với các đoàn thể của phường. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề lấn chiếm vỉa hè là khó khăn vì vỉa hè là nhu cầu mưu sinh của nhiều người lao động, khi có lực lượng chức năng thì họ chấp hành, khi không có lại lén lút bày bán.
Ngay như việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để kinh doanh tại phố cà phê đường tàu kéo dài từ ngã tư Lê Duẩn đến phố Phùng Hưng, bất chấp lệnh cấm và cảnh báo nguy hiểm, nhiều du khách vẫn kéo đến phố cafe đường tàu ở Hà Nội để trải nghiệm, check-in khi đoàn tàu vụt qua, cũng chưa có giải pháp để xử lý triệt để được. Một số cơ sở kinh doanh cafe kê những hàng ghế dài để đón khách, trong khi khoảng cách từ chỗ ngồi đến đường ray không đảm bảo an toàn. Tình trạng này tồn tại nhiều năm qua, lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần ra quân xử lý tuy nhiên sau đó đâu lại... nguyên đó.
“Cố định hàng ngày 10 chuyến tàu chạy qua một ngày, Công an phường Hoàn Kiếm tổ chức 6 chốt/ngày để nhắc nhở người dân cũng như các hàng quán kinh doanh chấp hành quy định về trật tự an toàn đường sắt. Đồng thời căng dây phản quang đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu cho người dân”, Thượng tá Đặng Văn Chiêu cho biết.
Để giải quyết được vấn đề lấn chiếm hành lang ATTG ở khu vực "cà phê đường tàu", tới đây, Công an phường sẽ báo cáo UBND phường Hoàn Kiếm mời ngành đường sắt và các hộ dân để động viên thuyết phục người dân chấp hành quy định về an toàn hành lang đường sắt.
Giải quyết dứt điểm lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội, ngoài tăng cường xử lý vi phạm, không để tạo thành điểm nóng, bức xúc của dư luận như vụ người phụ nữ trung niên thu tiền để xe của người dân trái phép trước số nhà 133 Phùng Hưng khi hôm trước vừa xử phạt, hôm sau lại tái phạm, TP Hà Nội cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và mang lại hiệu quả trong quản lý.
Trần Hằng – Nguyễn Hương