Bài cuối: Xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau

Bài cuối: Xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau
3 giờ trướcBài gốc
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau.
PV: Thời gian qua, địa danh thu hút khách du lịch tìm đến Cà Mau là mũi Cà Mau. Do đó, không ít người chỉ khám phá nơi cuối miền cực Nam của Tổ quốc rồi quay về khi tỉnh có nhiều địa điểm về du lịch, theo ông có đúng vậy không?
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: Thực tế, địa danh mũi Cà Mau thu hút khá nhiều du khách lịch. Có nhiều người thú thật rằng, trong đời, họ đi mũi Cà Mau một lần cảm thấy toại nguyện. Tuy nhiên, Cà Mau còn nhiều điểm du lịch khác không chỉ riêng mũi Cà Mau.
Với vị thế ba mặt giáp biển, Cà Mau được xem là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước. Cà Mau cũng là một trong bốn tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch đặc biệt như: Điểm cực Nam Tổ quốc; Tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của hai Vườn Quốc gia mũi Cà Mau và U Minh hạ; Tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh,… Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia mũi Cà Mau đến năm 2030 theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018; đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, nhất là việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
PV: Thưa ông, ngoài tiềm năng, lợi thế để thu hút khách, cơ sở vật chất phục vụ ngành Du lịch tại địa phương ra sao?
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: Nhìn chung, du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng định hướng, thông qua việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; có 84 cơ sở lưu trú du lịch với 2.683 phòng (trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 947 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng). Toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 02 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành (trong đó có 06 công ty lữ hành nội địa, 01 công ty lữ hành quốc tế đã được cấp giấy phép kinh doanh; 01 Văn phòng đại diện; 02 chi nhánh).
Du khách trải nghiệm bắt cá tại mũi Cà Mau.
PV: Thưa ông, địa phương đang gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện?
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về phát triển du lịch chưa toàn diện và chưa đi vào chiều sâu; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và cộng đồng về phát triển du lịch chưa đầy đủ. Một số địa phương còn thiếu chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong việc xúc tiến quảng bá, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, phù hợp với tiềm năng hiện có.
Việc thu hút đầu tư du lịch vào các điểm du lịch trọng điểm còn chậm. Chưa phát huy được lợi thế, điểm mạnh của tỉnh trong lĩnh vực du lịch; sản phẩm du lịch đặc trưng ít chưa tạo dấu ấn để thu hút khách du lịch lưu lại và trở lại. Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ các thành phần tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Nguồn nhân lực ngành Du lịch Cà Mau về số lượng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, chất lượng chưa được như mong muốn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới phương thức và nội dung (chủ yếu tập trung vào tham dự hội nghị, hội thảo).
PV: Để phát triển ngành Du lịch bền vững, ngành có giải pháp gì?
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Cà Mau tập trung phát triển du lịch phù hợp với các quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan trong tỉnh, trong vùng, trên cả nước cũng như trong khu vực. Phát triển du lịch bền vững, mang lại hiệu quả toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường; chú trọng phát triển du lịch xanh; gắn với giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hỗ trợ nhanh chóng, thuận tiện về thủ tục đầu tư; giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là tại thành phố Cà Mau. Mong muốn và kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển phát triển giao thông đồng bộ cả đường bộ, hàng không và đường biển; bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận nơi có tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch.
Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mới, ưu đãi đầu tư những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống. Luôn quan tâm và tích cực tham gia liên kết liên vùng, quốc tế; đặc biệt là Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; tam giác du lịch Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau; các tỉnh, thành là trung tâm trung chuyển khách du lịch như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Nẵng;…
Những khu rừng đước nối nhau thu hút du khách khi đến cuối miền cực Nam của Tổ quốc.
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Xây dựng Cà Mau là điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách. Trong đó sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập nước. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong du lịch; tiến tới số hóa, nâng tầm chất lượng, giá trị các điểm đến trọng điểm của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động. Phát triển nguồn nhân lực du lịch hợp lý về số lượng, chất lượng và có cơ cấu phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khu, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành.
Phát triển ý thức cộng đồng, tạo điều kiện và nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cho cộng đồng địa phương; khuyến khích cộng đồng đầu tư trực tiếp, tạo ra sản phẩm du lịch…
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Năm 2020-2021 và quý I/2022 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đó ảnh hưởng đến lượng khách du lịch không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Từ quý II/2022 tình hình dịch COVID-19 dần ổn định, lượng khách du lịch đã có sự tăng trưởng trở lại. Theo đó, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2.078.399 lượt, tăng 23,5% so 2022 (1.683.492 lượt), vượt 19% kế hoạch năm 2023 (1.750.000 lượt); tổng thu đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022 (2.415 tỷ đồng), vượt 9% kế hoạch năm 2023 (2.670 tỷ đồng). Năm 2024, ngành Du lịch Cà Mau phấn đấu đạt: Tổng số khách du lịch: 2.350.000 lượt (khách trong nước: 2.337.000 lượt; Khách quốc tế: 13.000 lượt). Tổng thu du lịch: 3.480 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng lượt khách đạt 1.665.106 lượt, đạt 71% so kế hoạch năm 2024. Tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024. Công suất sử dụng phòng đạt 60%.
Đào Văn (thực hiện)
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/bai-cuoi-xay-dung-thuong-hieu-du-lich-ca-mau-386286.html