Bài cuối: Xây dựng văn hóa, bồi đắp lối sống tiết kiệm

Bài cuối: Xây dựng văn hóa, bồi đắp lối sống tiết kiệm
16 giờ trướcBài gốc
Xây dựng văn hóa, CLP trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước… Đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh để tạo ra đột phá về phòng, chống lãng phí.
Phải trở thành ý thức của mỗi cá nhân
Như đánh giá của các chuyên gia, trong khi, sự lãng phí còn hiện hữu, việc thực hành tiết kiệm, CLP trở thành việc thường xuyên, liên tục ở mọi cơ quan, ban ngành và ở mọi tầng lớp Nhân dân. Trong khu vực công, CLP không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Cùng với đó là phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình để xảy ra tình trạng lãng phí, không có ý thức CLP, sẽ là một giải pháp đặc biệt coi trọng, để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sự phát triển.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện rất rõ tầm quan trọng tăng cường thực hiện chống lãng phí để tạo ra các nguồn lực của xã hội. Bởi lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, do vậy chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa…
Tại cuộc thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (chiều 30/10), Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Hữu Đông đã thông tin về việc phòng, chống lãng phí vừa được bổ sung vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Nhiều chỉ đạo cụ thể để triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí đã được đưa ra.
Trong những việc cần làm ngay, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực yêu cầu phải ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về phòng, chống lãng phí. Trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện của lãng phí cũng như trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác này.
"Không chỉ lãng phí trong tài sản công, đầu tư công mà còn nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lãng phí về thời gian. Nếu không đôn đốc thời gian hoàn thành và thời gian phải đưa vào triển khai thực hiện thì hết nhiệm kỳ này không làm, sang nhiệm kỳ sau lại không làm thì các công trình, dự án đang lãng phí sẽ không thể đưa vào sử dụng. Cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám làm chứ bây giờ vô cảm, thờ ơ, vô trách nhiệm, không dám làm thì lãng phí cả thời gian và nguồn nhân lực” – Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư cho biết.
Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội đã hình thành một danh mục các dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng, đây là cơ sở hết sức quan trọng. Trước khi chúng ta hình thành văn hóa CLP trong người dân, trong DN, cần xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra, để vừa cảnh tỉnh, vừa làm gương, cũng vừa cắt đi những phần lãng phí lâu nay tồn tại.
ĐB Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn ĐB tỉnh Đồng Nai)
Trong các phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu (ĐB) Quốc hội cũng chỉ ra, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử các vi phạm, cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người. Các ĐB đề xuất Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, bởi làm rõ, chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc CLP.
Nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra, trong không ít trường hợp không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay lãng phí mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào, cũng không phải cứ làm nhiều là hiệu quả, vì nếu chúng ta làm cả những việc không có ích, không tích cực hoặc là chồng chéo thì đây còn là nguyên nhân gây lãng phí. Theo ĐB Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐB tỉnh Đồng Tháp), giải pháp dài hạn cần đặc biệt quan tâm là thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, ý thức tốt, trách nhiệm cao thì mới tránh được tình trạng thực hiện CLP hình thức.
Chỉ ra một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân, ĐB Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn ĐB tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, CLP không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống, ý thức của mỗi cá nhân, đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, CLP có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm.
Tạo ra động lực mới
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống lãng phí, cụ thể như, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…
Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước… Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, CLP trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, CLP, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, CLP là nhiệm vụ hàng ngày…
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), những định hướng trong bài viết quan trọng “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư đó thật sự là khởi động lại, tạo ra động lực mới trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài. CLP thành công góp phần tăng thêm nguồn lực để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Bài viết đã thống nhất nhận thức trong toàn Đảng với quan điểm coi CLP là chống “giặc nội xâm”, đặt CLP ngang với chống tham nhũng. Tổng Bí thư đã đề ra 4 giải pháp căn bản và cấp thiết trong CLP. Mỗi ngành, lĩnh vực công tác, địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa để có giải pháp thích hợp và thực hiện có hiệu quả. CLP gắn liền với thực hành tiết kiệm. Những việc đó được thực hiện tốt sẽ tạo nguồn lực lớn trong xây dựng, phát triển đất nước, phát triển các ngành, địa phương và từng gia đình, làm cho dân giàu nước mạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là CLP tiền bạc, của cải, tài sản công, cần, kiệm xây dựng đất nước. Đồng thời, cần mở rộng nhận thức CLP về thời gian, nguồn lực, nhất là nhân lực, lãng phí tài nguyên và nhiều lĩnh vực, nguồn lực khác. “Cần CLP thời gian, biết quý từng giây, từng phút, từng giờ để lao động, làm việc, học tập có hiệu quả, năng suất cao. Tranh thủ thời gian để phát triển đất nước nhanh, bền vững, thúc đẩy nhanh quy mô, tốc độ, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế, tránh chủ quan, thỏa mãn, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, so với các nước trong khu vực và trên thế giới”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định.
Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã yêu cầu: quán triệt, nâng cao nhận thức; thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, CLP là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác CLP, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP”.
Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí. Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về CLP đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Nếu chúng ta CLP thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Tại Hà Nội, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, CLP, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 223-KH/TU ngày 12/3/2024 về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, CLP" trên địa bàn TP. Theo đó, công tác này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, tập trung chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị từ TP tới cơ sở. Đồng thời, khuyến khích, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác này; tăng cường quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, CLP…
Nguyễn Vũ
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-xay-dung-van-hoa-boi-dap-loi-song-tiet-kiem.html