Giữa năm 2022, khi được hỏi về sự so sánh giữa ngành sản xuất Trung Quốc và công nghệ của Tesla, ông Lian Yubo (một giám đốc BYD) nói rằng Elon Musk là tấm gương để tất cả hãng ô tô nước này học hỏi.
“Tesla là một công ty rất thành công dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. BYD tôn trọng và ngưỡng mộ Tesla”, Lian Yubo cho hay.
Thế nhưng chỉ ba năm sau, khoảng cách công nghệ giữa Tesla và các đối thủ Trung Quốc đã thu hẹp đáng kinh ngạc. Tesla đang chật vật duy trì vị trí dẫn đầu ở Trung Quốc (thị trường ô tô lớn nhất thế giới), khi doanh số sụt giảm tại nhiều quốc gia khác và nỗ lực phát triển ô tô tự lái hoàn toàn đang gặp phải nhiều rào cản pháp lý.
Từng cười nhạo ý tưởng BYD có thể trở thành đối thủ của Tesla, Elon Musk đã có một đánh giá đầy nghiêm túc sau chuyến thăm Trung Quốc vào năm ngoái.
“Ông ấy đã thấy các nhà máy BYD, chi phí sản xuất và công nghệ của họ”, một cựu giám đốc Tesla tiết lộ với trang FT, cho biết Elon Musk tin rằng Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc đua ô tô điện.
Khi doanh số Tesla sụt giảm do những động thái chính trị của Elon Musk ở Mỹ và việc thiếu mẫu xe mới, BYD đã vượt lên trở thành hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới. Doanh thu hàng năm của BYD lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD vào 2024.
Từ kẻ học hỏi, BYD đang soán ngôi Tesla trong cuộc đua ô tô điện - Ảnh: FT
“Lợi thế của Tesla về mặt công nghệ không còn rõ ràng”
Hiện nay, sự chuyển dịch của ngành công nghiệp sang xe tự hành và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra chương mới trong cuộc cạnh tranh không chỉ giữa hai hãng sản xuất ô tô điện hàng đầu, mà còn là một phần trung tâm trong cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung.
“Tại phương Tây, Tesla vẫn thống trị thị trường ô tô điện, dẫn đầu rõ ràng về loại xe được kiểm soát, nâng cấp chủ yếu qua phần mềm, và mọi người vẫn đang cố gắng bắt kịp. Còn ở Trung Quốc thì khác. Về mặt công nghệ, lợi thế của Tesla không còn rõ ràng nữa, nếu có thì cũng rất nhỏ”, chuyên gia phân tích Dan Levy của tập đoàn dịch vụ tài chính Barclays (Anh) nhận định.
Trước đây, lợi thế chính của các hãng ô tô điện Trung Quốc so với Tesla là giá thành rẻ hơn nhiều. Song đến tháng 2, ông Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc), nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành BYD, đã giới thiệu God’s Eye - hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến mở đường cho ô tô tự hành hoàn toàn.
Wang Chuanfu giám sát giai đoạn tăng trưởng thần tốc của BYD - Ảnh: FT
Chỉ một tháng sau, ông Lian Yubo (nay là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật ô tô của BYD) cùng Wang Chuanfu công bố một hệ thống sạc pin mới có thể tăng phạm vi di chuyển 470km chỉ trong 5 phút, nhanh hơn nhiều so với thời gian sạc của Tesla.
Những bước tiến công nghệ nhanh chóng của BYD và các hãng khác đã khiến nhiều hãng ô tô truyền thống lo ngại, buộc họ phải hợp tác với các công ty Trung Quốc để học cách chế tạo xe nhanh hơn, rẻ hơn, với phần mềm tốt hơn.
Mark Greeven, giáo sư tại Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (Thụy Sĩ) chuyên về chiến lược đổi mới ở Trung Quốc, nhận định Elon Musk “mất tập trung đúng lúc Wang Chuanfu tiến từ công nghệ pin sang phần mềm và chip”.
“Tesla đã chậm lại, còn BYD tận dụng thời gian đó để bắt kịp và đầu tư vào những năng lực then chốt để cạnh tranh lâu dài”, Mark Greeven bình luận.
Thế nhưng, người từng buộc cả ngành công nghiệp toàn cầu phải xem xét nghiêm túc công nghệ động cơ điện không có ý định từ bỏ. Cuối tháng 5, Elon Musk rút khỏi vai trò lãnh đạo Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) trong chính quyền Trump để tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới của Tesla: Ô tô điện tự hành, AI, dịch vụ robotaxi và robot hình người có tên Optimus.
Tỷ phú 54 tuổi người Mỹ cho rằng những sản phẩm mới này sẽ đưa Tesla trở thành công ty giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường hàng chục nghìn tỉ USD.
“Musk lập luận: Liệu các hãng ô tô có tồn tại được trong 10 năm nữa nếu không có xe tự hành? Có lẽ không, giống điện thoại gập so với iPhone. Cuộc đua thương mại hóa ô tô điện gần kết thúc rồi, giờ Tesla phải thắng trong mảng AI và xe tự hành”, một cựu giám đốc Tesla chia sẻ với trang FT.
Tại BYD, Wang Chuanfu (59 tuổi) bắt đầu tham gia ngành sản xuất ô tô đầu những năm 2000 nhờ niềm đam mê với pin.
Sau khi nhận được khoản đầu tư từ tập đoàn Berkshire Hathaway (Mỹ) của tỷ phú Warren Buffett vào năm 2008, Wang Chuanfu giám sát giai đoạn tăng trưởng thần tốc của BYD: Bán được 4,27 triệu ô tô vào năm ngoái, gần gấp 10 lần so với năm 2020, trong đó 1,76 triệu là xe thuần điện.
Trong cùng khoảng thời gian đó, doanh số ô tô điện của Tesla tăng từ dưới 500.000 lên 1,79 triệu chiếc. Thế nhưng, BYD đang ở vị trí hàng đầu để vượt Tesla về doanh số ô tô điện toàn cầu trong năm 2025 nhờ chiến lược mở rộng ra quốc tế.
Tại Trung Quốc, BYD đang chiếm 21% thị phần, theo hãng tư vấn Automobility ở thành phố Thượng Hải. Từng khơi dậy sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc với mẫu ô tô điện đầu tiên vào năm 2013, Tesla hiện chỉ chiếm 8% thị phần ở cường quốc châu Á này.
"Học hỏi Tesla quá nhanh"
BYD trỗi dậy tượng trưng cho sự vươn lên của ngành ô tô Trung Quốc, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài như Volkswagen (Đức), Toyota (Nhật Bản) và General Motors (Mỹ). Trong khi các hãng xe phương Tây phải lập liên doanh, Trung Quốc cho phép Tesla sở hữu 100% công ty con tại nước này vì lý do: Sự hiện diện của Tesla, với hai nhà máy khổng lồ sản xuất ô tô điện Model Y và pin ở Thượng Hải, sẽ giúp chuỗi cung ứng trong nước học hỏi và hiện đại hóa.
Tesla chấp nhận rủi ro bị chuyển giao phần cứng và sở hữu trí tuệ, đổi lại quyền tiếp cận một thị trường lớn. Thế nhưng, các hãng ô tô Trung Quốc học hỏi quá nhanh, thậm chí vượt một số đối thủ châu Âu và Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi sang ô tô điện.
Gigacasting, công nghệ đúc nguyên khung gầm xe thay vì hàn các phần nhỏ, là một ví dụ điển hình. Công nghệ này giảm trọng lượng, rút ngắn thời gian sản xuất ô tô điện và giảm chi phí nhân công. Gigacasting sử dụng hợp kim nhôm đặc biệt do SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk điều hành, phát triển.
Tesla áp dụng gigacasting cho Model Y được sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2021. Song khi Xpeng ra mắt mẫu SUV G6 năm 2023, hệ thống gigacasting của hãng ô tô Trung Quốc này đã nhẹ hơn và cứng hơn cả Tesla.
Xpeng và nhiều thương hiệu Trung Quốc khác cũng đã cải tiến các loại cáp nhẹ làm từ nhôm của Tesla, vốn được sử dụng cho hệ thống sạc và bơm làm mát bên trong ô tô điện. Tại triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4, BYD giới thiệu mẫu concept cao cấp Denza Z với công nghệ steer-by-wire, từng được Tesla áp dụng đầu tiên trên xe bán tải điện Cybertruck.
Steer-by-wire (hệ thống lái điện tử) là công nghệ thay thế hoàn toàn kết nối cơ học truyền thống giữa vô lăng và bánh xe bằng tín hiệu điện tử.
Trong ô tô truyền thống, khi bạn xoay vô lăng, nó tác động lên trục lái, bánh răng, trục lái chéo... để điều khiển góc quay bánh trước.
Với steer-by-wire, các bộ phận cơ khí này bị loại bỏ. Khi bạn xoay vô lăng, cảm biến ghi nhận chuyển động, gửi tín hiệu điện đến bộ điều khiển trung tâm, rồi truyền lệnh đến mô-tơ điện điều chỉnh góc quay bánh xe.
Theo hãng Caresoft, BYD đã giới thiệu khoảng 100 phương pháp tiết kiệm chi phí cho hàng loạt các linh kiện và vật liệu ô tô mà nếu Tesla áp dụng, thì sẽ tiết kiệm được từ 350 đến 885 USD cho mỗi xe điện. Ngược lại, BYD có thể tiết kiệm tới 1.860 USD cho mỗi xe nếu áp dụng một số ý tưởng của Tesla từng được sử dụng trong hệ thống phanh và thiết bị trao đổi nhiệt.
Có trụ sở chính ở Mỹ, Caresoft là công ty tư vấn và kỹ thuật chuyên sâu trong ngành ô tô.
(còn nữa)
Sơn Vân