Đó là năm 2013, đơn vị sở hữu nhà máy là Google – tập đoàn vừa mua lại Motorola, muốn tận dụng sức mạnh công nghệ hiện đại cùng nguồn lực khổng lồ của mình để biến Moto X thành mẫu điện thoại thành công bậc nhất.
Nhưng tất cả đã kết thúc chỉ sau 1 năm. Google bán Motorola cũng như ngừng nỗ lực gia công tại Mỹ, đánh dấu lần cuối cùng một “ông lớn” cố gắng sản xuất điện thoại thông minh “Made in USA”. Câu chuyện dần chìm vào quên lãng trong hơn 30 năm phát triển với đầy sáng kiến lẫn dự án kinh doanh của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Đến năm 2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Apple chuyển hoạt động sản xuất từ châu Á về nước nếu không, họ sẽ hứng chịu mức thuế ít nhất 25%. Lúc này nỗ lực bất thành của Google có thể cung cấp cho nhà sản xuất iPhone nhiều bài học quan trọng vẫn vô cùng giá trị.
Để xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện năm đó, tạp chí Fortune đã trò chuyện với 5 cựu nhân viên Motorola từng tham gia nỗ lực sản xuất điện thoại “Made in USA”, cũng như nhiều chuyên gia và nhà phân tích trong ngành.
Cựu giám đốc thông tin Motorola Steve Mills nhớ lại: “Chúng tôi thấy mình rất quyết tâm. Chúng tôi nghĩ bản thân có thể tạo ra chỗ đứng cho riêng mình”. Một số cựu nhân viên Google tiết lộ nỗ lực được bắt đầu với kỳ vọng rất cao nhưng thực tế chỉ ra vài quyết định mà họ đưa ra là sai lầm. Mặc dù tập trung sản xuất, doanh số vẫn chẳng đủ sức đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng từ ban lãnh đạo.
Tìm kiếm lợi thế cạnh tranh
Moto X nổi bật so với các đối thủ không chỉ vì nơi sản xuất. Motorola cho phép người đặt mua qua trang web của hãng tùy chỉnh thiết bị, tự do lựa chọn màu sắc, vật liệu thậm chí điểm nhấn cá nhân (chẳng hạn khắc tên). Họ mong rằng dịch vụ này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh trước Apple hay Samsung - vốn chỉ bán dòng sản phẩm tiêu chuẩn sản xuất công nghiệp. Chiến lược như vậy rất phù hợp với kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất về nước: Khách hàng tại Mỹ không cần chờ đợi lâu mà trong vòng 4 ngày sẽ có điện thoại, Motorola lại tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển.
Motorola cho phép người đặt mua qua trang web của hãng tùy chỉnh Moto X - Ảnh: Mike Fuentes/Bloomberg
Hãng đánh vào lòng yêu nước lúc quảng bá sản phẩm, tung hô Moto X như sản phẩm “nội địa” thay thế cho điện thoại sản xuất ở nước ngoài. Lễ khai trương nhà máy Fort Wort long trọng đến mức Thống đốc Texas Rick Perry cùng tỉ phú đầu tư nổi tiếng Tank Mark Cuban đều xuất hiện.
Nhà máy do Công ty Flextronics vận hành. Để tiết kiệm chi phí, đội ngũ công nhân tại đây chỉ phụ trách khâu lắp ráp cuối cùng. Tất cả linh kiện đều được nhập khẩu từ châu Á.
Chi phí lao động Mỹ cao hơn chi phí lao động Trung Quốc, mức lương theo giờ gấp khoảng 3 lần. Tuy nhiên, sự đánh đổi này chấp nhận được khi xét đến các lợi thế khác. Cựu giám đốc điều hành Motorola Dennis Woodside cho biết Moto X bản tùy chỉnh được bán với giá có lời. Ngoài bản tùy chỉnh, hãng còn bán bản tiêu chuẩn cho nhiều nhà mạng di động – giúp đảm bảo mức nhu cầu và sản lượng cơ bản cho nhà máy.
Apple trước sức ép từ Tổng thống Trump
Apple không sản xuất iPhone bản tùy chỉnh nhưng sẽ đối mặt với thách thức tương tự, cộng thêm thách thức mới nếu đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump. Chi phí lao động nay còn cao hơn và nguồn cung linh kiện trong nước thì hạn chế. Giới chuyên gia nhận định Apple phải tăng giá iPhone lên rất nhiều để có lời. Nhà phân tích Dan Ives (công ty Wedbush Securities) ước tính: thay vì 1.000 USD, giá điện thoại “Made in USA” sẽ lên đến 3.500 USD. Do đó việc Apple về nước sản xuất là “chuyện cổ tích”.
Trong 6 tháng qua, nhà sản xuất iPhone đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng. Tập đoàn hiện chủ yếu lấy điện thoại sản xuất ở Ấn Độ (quốc gia chịu thuế nhập khẩu thấp hơn Trung Quốc).
Tình hình cuộc chiến thương mại vẫn khá mơ hồ. Kế hoạch áp thuế nhập khẩu đang bị tạm hoãn chờ đàm phán. Tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn kiên quyết đòi iPhone phải được sản xuất tại Mỹ, không phải Ấn Độ hay nước nào khác.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook xem châu Á là địa điểm sản xuất tốt hơn Mỹ. Ưu thế không hoàn toàn nằm ở chi phí lao động. Trung Quốc không còn nắm giữ ưu thế lao động giá rẻ nữa mà thay vào đó cung cấp lượng lớn lao động lành nghề, chẳng hạn kỹ sư gia công tạo ra thiết kế hay khuôn mẫu linh kiện.
Tập đoàn cam kết chi 500 tỉ USD tại Mỹ trong 4 năm tới, một phần trong số đó cho hoạt động sản xuất máy chủ trên địa bàn thành phố Houston. Apple chưa đề cập đến chuyện sản xuất iPhone “made in USA”.
Nhập khẩu lao động và thiết bị
Với Moto X, Flextronics ngay từ đầu đã tính đến tình trạng thiếu hụt kỹ sư lành nghề tại Mỹ. Công ty tuyển dụng nhân tài từ Hungary, Israel, Malaysia, Brazil, Trung Quốc và "chi" mạnh tay để đưa nhân sự đến Fort Worth, đảm bảo nhà máy đi vào hoạt động nhanh nhất có thể.
Công nhân lắp ráp cơ bản, quản đốc, quản lý cơ sở dễ tuyển dụng tại chỗ hơn. Phần lớn gần 3.800 nhân viên làm việc ở nhà máy thời kì đỉnh cao đều không cần đào tạo chuyên sâu.
Hoạt động sản xuất bắt đầu vào mùa hè năm 2013. Cơ sở nằm trong khu công nghiệp được chỉ định là khu thương mại nước ngoài, có sân bay riêng phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa. Số linh kiện mà Motorola nhập khẩu chịu thuế thấp hơn mức thông thường. Texas rất thân thiện với doanh nghiệp sản xuất, bang giảm thuế cho Motorola để đào tạo công nhân.
Nhà máy cũng cần lượng lớn thiết bị, một số được nhập từ Trung Quốc. Công nhân mặc áo khoác và đeo găng tay để bảo vệ linh kiện khỏi bụi bẩn, họ thực hiện từng bước lắp ráp trên những chiếc bàn màu xanh xếp ngay ngắn. Màn hình máy tính đặt phía trên mỗi trạm lắp ráp.
Lao động con người phụ trách lắp bộ phận nhựa (chẳng hạn nắp lưng) còn robot lắp thành phần như màn hình cảm ứng, kiểm tra một số linh kiện lúc lắp ráp.
Khi sản xuất tăng tốc, đội ngũ kỹ sư quy trình tìm kiếm điểm nghẽn và sắp xếp lại dây chuyền. Trọng tâm luôn là tăng năng suất.
Nhà máy Fort Worth - Ảnh: Mike Fuentes/Bloomberg
Là mẫu điện thoại Motorola đầu tiên ra mắt sau khi được Google mua lại, Moto X tạo nên tiếng vang lớn. Thiết bị có giá 579 USD cho phiên bản mở khóa, thiết kế bo tròn và sở hữu tính năng điều khiển bằng giọng nói mang tính tiên phong. Người dùng chỉ cần nói “Ok, Google now” để kích hoạt, thiết lập lời nhắc và nhận chỉ đường lái xe.
Không chỉ người dùng mà các nhà mạng di động cũng rất thích Moto X. Nếu thiết bị bán chạy, họ sẽ dễ đàm phán lại phần giá bán mà họ phải trả cho mỗi chiếc iPhone bán ra hơn.
Giới chuyên gia ca ngợi dịch vụ thiết bị cùng thiết kế tổng thể, nhưng lại "chê" dung lượng lưu trữ (chỉ 16 GB) và chất lượng màn hình thua kém nhiều đối thủ cạnh tranh.
“Made in USA” không đủ thu hút
Nhà máy Fort Worth nhanh chóng đạt sản lượng 100.000 điện thoại mỗi tuần. Ban đầu, đội ngũ công nhân bị quá tải nên Motorola phải rút lại cam kết giao hàng trong vòng 4 ngày. Nhưng sản lượng giảm đáng kể theo thời gian. Công ty Strategy Analytics xác định trong quý 1/2014, Motorola bán được 900.000 điện thoại Moto X trên toàn thế giới, trong khi đó Apple bán đến 26 triệu iPhone 5s.
5 tháng sau thời điểm ra mắt, giá Moto X giảm còn 399 USD. Sau 9 tháng nhà máy còn 700 công nhân – chưa bằng 1/5 trước đó. Ban lãnh đạo đành giảm số lượng sản xuất.
Chiếc điện thoại này không phải thất bại hoàn toàn về doanh số nhưng cũng không phải thành công lớn. Sau khi cải tiến thiết kế, các nhân viên hy vọng mẫu thiết bị tron tương lai sẽ thành công hơn. Nhiều người đổ lỗi Motorola không mạnh tay quảng bá như Apple hay Samsung, một mẫu hoàn toàn mới cần chiến dịch quảng cáo hấp dẫn hơn.
Một trong số giả định ban đầu là sai lầm. Sau khi đặt cược vào nhà máy sản xuất ngay trên lãnh thổ Mỹ và quảng bá đánh vào lòng yêu nước, công ty nhận ra hầu hết người tiêu dùng không quan tâm nơi sản xuất điện thoại. Cựu giám đốc quản lý sản phẩm cao cấp Motorola Mark Rose cho biết bài học họ rút ra được là việc sản xuất tại Mỹ không phải là yếu tố thu hút người tiêu dùng.
Trong khi đó, Apple không phải đối mặt với thách thức tương tự, do quy mô sản xuất lớn của họ khác biệt. Nhu cầu chậm chạp khiến Motorola khó đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí khi sản xuất Moto X số lượng lớn. Còn Apple đã đạt doanh số tại Mỹ lên đến hàng chục triệu chiếc nên dễ có lời hơn.
Trao quyền cho người dùng tùy chỉnh thiết bị còn đem lại thách thức lớn hơn nữa. Nhà máy Fort Worth không thể lắp ráp hoàn chỉnh trước thời hạn, dẫn đến tỉ lệ trả hàng cao gây tốn kém. Apple chỉ cung cấp sản phẩm tiêu chuẩn nên không phải lo lắng vấn đề này.
Dựa vào vị thế của mình, Apple nắm giữ ưu thế lớn khi đàm phán với nhà cung cấp linh kiện. Motorola năm 2013 đã tụt hậu, mức độ thành công của Moto X khá mơ hồ nên khó đàm phán được giá tốt.
Hơn nữa cạnh tranh trong thị trường Android gay gắt hơn dẫn đến biên lợi nhuận thấp. Bất cứ chi phí bổ sung nào (chẳng hạn chi phí sản xuất tại Mỹ) đều đem lại tổn thất về mặt tài chính. Còn iPhone được bán với biên lợi nhuận cao, Apple dễ dàng gánh chịu chi phí bổ sung.
Không lâu sau Google thay đổi ưu tiên nên bán Motorola cho Lenovo vào tháng 1.2014, tiếp theo thông báo đóng cửa nhà máy Fort Worth và chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Brazil và Trung Quốc. Motorola sau khi về tay chủ mới tập trung sản xuất điện thoại giá rẻ cho khách hàng ở các thị trường đang phát triển. Nỗ lực sản xuất điện thoại tại Mỹ thất bại.
12 năm sau
Rất nhiều thứ đã thay đổi sau 12 năm và chưa chắc Apple sẽ đi vào vết xe đổ của Motorola. Chẳng hạn, tự động hóa nhà máy đã phát triển mạnh, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.
Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn không đổi. Việc bổ sung hàng nghìn công nhân trong thời gian ngắn để tăng tốc sản xuất một thiết bị có doanh số bán vượt dự kiến gần như bất khả thi tại Mỹ. Nước này không có đủ nhà cung cấp linh kiện cho hàng triệu chiếc điện thoại, và việc mở rộng số lượng nhà cung cấp sẽ mất nhiều năm. Nhập khẩu linh kiện cũng có thể tốn kém do chịu mức thuế cao. Bên cạnh đó, các quyết định thuế thay đổi thường xuyên dưới thời Tổng thống Trump khiến doanh nghiệp khó lập kế hoạch đầu tư dài hạn.
Theo cựu giám đốc Mills, Tổng thống Trump nên hạ thấp yêu cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp như Apple. Thay vì yêu cầu sản xuất toàn bộ điện thoại trong nước, Apple có thể được phép thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng tại Mỹ, tương tự như Motorola trước đây. Nhà phân tích Ross Rubin thuộc công ty Reticle Research thì đề xuất Apple xây dựng một nhà máy quy mô nhỏ trong nước, chuyên sản xuất các phiên bản iPhone giới hạn với giá cao, chẳng hạn 2.000 USD.
Cẩm Bình