Thừa kế sau khi cha mẹ đã chết?
Bà Phạm Thị Thanh Nga (53 tuổi, ngụ khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) vừa có đơn gửi đến Báo Bình Thuận phản ánh về việc Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam (tòa án) chậm giải quyết vụ việc mà bà là nguyên đơn trong vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản” và “tranh chấp về chia tài sản chung” được tòa án thụ lý giải quyết.
Bà Nga gửi đơn đến Báo Bình Thuận.
Theo bà Nga, cha mẹ bà sinh thời sinh được 6 người con và có tạo lập được thửa đất diện tích 9.717m2, trong đó có 300m2 đất ở nông thôn, tọa lạc tại thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam và đã được UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N901969 ngày 30/8/1999 cho mẹ bà đứng tên. Khi cha mẹ bà Nga chết không để lại di chúc, các anh chị em trong gia đình cũng chưa họp gia đình để phân chia tài sản do cha mẹ để lại. Đến tháng 12/2010, ông PVL là con trai út của cha mẹ bà Nga đã tự lập văn bản phân chia tài sản thừa kế, đề ngày 13/12/2019 với nội dung mẹ bà để lại tài sản thừa kế là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N901969 cho PVL. Trong văn bản phân chia tài sản thừa kế không có chữ ký của mẹ bà. Một điều vô lý là mẹ bà đã chết vào năm 2015 mà văn bản phân chia tài sản thừa kế lập vào tháng 12/2019?
Nội dung sự việc như vậy, nhưng bà Nga không hiểu được lý do gì và căn cứ vào đâu mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền của UBND huyện Hàm Thuận Nam lại đăng ký biến động mà sang tên cho ông PVL. Hiện nay toàn bộ diện tích đất trên ông L đang quản lý và sử dụng.
Với các nội dung và tình tiết nêu trên gia đình bà Nga bức xúc, do đó đã làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu giải quyết và được tòa án thụ lý số 138 ngày 18/11/2021 và thụ lý bổ sung số 138A ngày 14/10/2024. Từ khi thụ lý tới nay đã gần 5 năm, đã nhiều lần mời làm việc và hòa giải. Nhưng đến nay tòa án không giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.
Hòa giải không thành
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ việc sau khi khởi kiện, tòa án cũng đã tổ chức nhiều phiên hòa giải, nhưng không đạt kết quả. Theo biên bản hòa giải của tòa án ngày 6/5/2024, bà Nga vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về chia tài sản thừa kế diện tích đất nói trên cho bà và các đồng thừa kế. Trong đó phần của bà và bà đại diện cho 2 người khác nếu được phân chia bà Nga yêu cầu có thể nhận giá trị di sản thừa kế bằng tiền và đồng ý để lại quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế khác. Riêng ông L và 2 người khác không đồng ý chia thừa kế như yêu cầu của bà Nga, trường hợp tòa chia di sản thừa kế thì yêu cầu tòa chia di sản là quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế. Ông L xác định tài sản tranh chấp là cấp cho hộ gia đình gồm cha, mẹ ông, vợ chồng ông và con ông cư trú cùng địa chỉ, nên ông yêu cầu tòa chia tài sản chung cho những thành viên trong hộ gia đình để làm căn cứ giải quyết vụ án. Đồng thời xem xét công sức đóng góp của vợ chồng ông trong khối tài sản chung, vì vợ chồng ông có công sức lớn trong tạo lập và tôn tạo hình thành nên giá trị tài sản như hiện nay. Đối với yêu cầu khởi kiện chia tài sản của bà Nga, ông L không đồng ý chia và yêu cầu sử dụng tài sản của cha mẹ để thờ cúng và trùng tu mồ, mả ông bà, cha mẹ… Trong biên bản hòa giải còn có ý kiến của thành viên khác về việc tòa xem xét với văn bản chứng thực phân chia di sản thừa kế ngày 3/12/2019 theo quy định pháp luật.
Qua trao đổi, thẩm phán thụ lý vụ án cho biết, vừa qua tòa án đã tiếp tục đưa vụ việc ra giải quyết, nhưng bị đơn là ông L có đơn xin tạm hoãn. “Chúng tôi đang củng cố các hồ sơ có liên quan đến vụ việc và sẽ sớm đưa ra giải quyết dứt điểm trong thời gian tới theo quy định pháp luật”, vị thẩm phán này cho biết.
Có thể nói vụ việc khởi kiện của bà Nga đã kéo dài nhiều năm và đã có nhiều phiên hòa giải nhưng không thành. Quan điểm của bà Nga hiện nay là yêu cầu tòa đưa vụ việc ra xét xử theo quy định của pháp luật. Do vậy tòa án cần sớm giải quyết dứt điểm vụ án để đảm bảo quyền lợi của những người có liên quan, tránh phát sinh những vấn đề về an ninh trật tự về sau. Qua vụ việc cũng là bài học kinh nghiệm chung cho các gia đình trong việc phân chia di sản thừa kế...
TRẦN HUỲNH