Bài học từ E5 và giải pháp cho E10: Cần sự quyết liệt và đồng bộ

Bài học từ E5 và giải pháp cho E10: Cần sự quyết liệt và đồng bộ
8 giờ trướcBài gốc
Bài học từ E5
Lộ trình áp dụng xăng sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành từ năm 2012 với Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg. Theo đó, xăng E5 được kỳ vọng sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2015. Tiếp đến, xăng E10 cũng được đặt ra lộ trình sử dụng từ năm 2016 tại 7 tỉnh thành và áp dụng trên toàn quốc từ năm 2017.
Thế nhưng, thực tế không như kỳ vọng. Dù đã có mặt trên thị trường từ đầu năm 2018, xăng E5 RON92 không ngừng gặp khó khăn trong tiêu thụ, thậm chí hiện nay nhiều cửa hàng đã ngừng bán. Đối với xăng E10, đến nay vẫn chưa được đưa ra thị trường, chậm gần 9 năm so với lộ trình ban đầu.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học nhưng việc tiêu thụ xăng E5 RON92 trên thị trường gặp nhiều khó khăn
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của E5 được đánh giá là do tâm lý e ngại của người tiêu dùng cùng với việc thiếu các giải pháp mạnh mẽ cũng như chính sách khuyến khích chưa đủ hấp dẫn. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, vì không bán được hàng nên 5 cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp này hiện đã không còn bán xăng E5 RON92.
Từ thực tế triển khai, Bộ Công Thương nhận định Quyết định số 53 đã bộc lộ nhiều bất cập khi bước vào giai đoạn phát triển sâu rộng. Được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Quyết định mới thay cho Quyết định số 53, với dự kiến từ 1/1/2026 sẽ triển khai sử dụng xăng E10 đồng loạt, bắt buộc cho các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Giải pháp cho lộ trình xăng E10
Lộ trình dự kiến của Bộ Công Thương về triển khai xăng E10 nhận được sự đồng thuận cao từ phía doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp cốt yếu nhằm tránh lặp lại những hạn chế đã gặp phải trong quá trình triển khai xăng E5 trước đây, đảm bảo lộ trình xăng E10 sẽ hiệu quả và thành công.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Giang Chấn Tây, doanh nghiệp hoàn toàn đồng thuận với chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E10 để giảm khí thải, bảo vệ môi trường và góp phần thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, cách triển khai cần phải quyết liệt ngay từ đầu. Vì không thể ép buộc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải ưu tiên bán hàng hoặc ép buộc người tiêu dùng sử dụng E10 trong khi trên thị trường vẫn song song tồn tại các loại xăng khoáng như RON95. Bởi khi người tiêu dùng vẫn còn quyền lựa chọn, thì không thể trách khi họ chọn loại xăng đã quen dùng, bất kể nó có thân thiện với môi trường hơn hay không.
Do đó, ông Giang Chấn Tây cho rằng, nếu thật sự muốn E10 đi vào cuộc sống, Chính phủ cần triển khai một chính sách dứt khoát và nhất quán: Chỉ cho phép lưu hành một loại xăng duy nhất là xăng E10 trên thị trường; Tất cả các nhà máy lọc, hóa dầu trong nước, cũng như nguồn xăng nhập khẩu vào các tổng kho, phải được pha chế thành xăng E10. Khi thị trường không còn sản phẩm thay thế, người tiêu dùng sẽ tự động sử dụng E10, không phải vì bị ép buộc, mà vì đó là tiêu chuẩn nhiên liệu mới của quốc gia. Giải pháp này cũng giúp doanh nghiệp không phải mua sắm thêm bồn xăng dầu và trụ bơm, không cần thiết kế hay thẩm duyệt lại về PCCC của cửa hàng.
Nếu không áp dụng các giải pháp trên mà triển khai thực hiện theo kiểu bắt buộc doanh nghiệp xăng dầu phải bán xăng E10 là không khả thi và sẽ đi vào “vết xe đổ” giống như triển khai bán xăng E5 trước đây, vì doanh nghiệp bán hàng nhưng người tiêu dùng không mua, trong khi doanh nghiệp không thể tồn trữ lâu được do hao hụt và giảm chất lượng khi xăng dầu dự trữ quá lâu. Và một khi kinh doanh không hiệu quả thì doanh nghiệp buộc phải thu xếp lại những mặt hàng tiêu thụ chậm, kém hiệu quả, đó là điều chắc chắn. Nếu việc này diễn ra thì đồng nghĩa với việc triển khai sử dụng xăng E10 thất bại.
“Cũng như câu chuyện đã từng xảy ra với bóng đèn trước đây, chỉ khi ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu bóng đèn theo công nghệ cũ thì người dân mới dần quen với đèn LED, dù ban đầu cũng có sự phản đối. Nhưng một khi thói quen mới hình thành, người dân sẽ không còn thấy khó chịu hay lo lắng như giai đoạn đầu. Xăng E10 cũng vậy, cần chính sách rõ ràng, nhất quán, quyết liệt từ ban đầu, loại bỏ lựa chọn, thị trường sẽ tự điều chỉnh thay vì gây áp lực cho doanh nghiệp bán lẻ hay tạo ra sự chia rẽ trong lựa chọn của người tiêu dùng”, ông Giang Chấn Tây lý giải.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang E10 đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các nhà máy sản xuất và doanh nghiệp có khả năng chế biến, pha chế ethanol; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp hạ tầng pha chế, phân phối xăng E10; truyền thông và nâng cao nhận thức… để người dân hiểu rõ lợi ích, an tâm sử dụng và hình thành thói quen tiêu dùng nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường.
PVOIL cho biết sẽ thí điểm bán xăng sinh học E10 RON95 từ ngày 1/8/2025
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết: Là doanh nghiệp đầu mối hàng đầu trên thị trường có hạ tầng, kinh nghiệm trong pha chế, kinh doanh xăng sinh học, PVOIL đã có bước chuẩn bị, lên phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng và tăng công suất các trạm pha chế để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang xăng E10. Cùng với việc triển khai thí điểm kinh doanh xăng E10 từ ngày 1/8/2025, PVOIL cũng định hướng đầu tư không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại và khách hàng hiện hữu mà còn sẵn sàng gia công chế biến, pha chế cho các đầu mối nhỏ khác, góp phần đảm bảo nguồn cung E10 ổn định cho thị trường.
Ông Dương nhấn mạnh, Việt Nam không phải "chuột bạch" trong việc triển khai nhiên liệu sinh học. Thế giới đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của xăng sinh học. Hiện nay, nhiều quốc gia đã sử dụng xăng với tỷ lệ pha trộn ít nhất là E10, thậm chí E20 và lên đến E85, cho thấy việc sử dụng nhiên liệu sinh học đã được kiểm chứng rộng rãi. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang E10 nhằm góp phần giảm phát thải, chống ô nhiễm môi trường và hướng tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ. Do đó, việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng xăng E10 là để đảm bảo chuyển đổi thành công, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng mới. Ông Dương phân tích thêm, nếu bán song song E10 và các sản phẩm xăng dầu như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm bồn chứa, trụ bơm mới, trong khi rủi ro không bán được hàng như trường hợp E5 là rất cao.
Xăng sinh học đã được nghiên cứu và chứng minh có nhiều ưu điểm vượt trội cho môi trường, động cơ, sức khỏe và kinh tế. Brazil đã áp dụng ethanol bắt buộc từ những năm 1970 (hiện tỷ lệ pha trộn ethanol khoảng 27% hoặc cao hơn). E10 hiện phổ biến ở nhiều quốc gia như Úc, New Zealand, Mỹ, Pháp,... Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nhà sản xuất ethanol lớn và đi đầu trong sử dụng xăng sinh học (chủ yếu E10, một phần E20 và E85); Philippines cũng bắt buộc sử dụng E5 từ 2009 và E10 từ 2011.
Với gần 100 triệu dân và khoảng 79 triệu phương tiện giao thông, việc chuyển sang các nguồn nhiên liệu bền vững như xăng ethanol là cần thiết để phát triển hệ thống giao thông xanh và giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Bài học từ E5 cho thấy cần sự quyết liệt và đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc chuyển đổi sang sử dụng xăng sinh học.
Mai Phương
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-hoc-tu-e5-va-giai-phap-cho-e10-can-su-quyet-liet-va-dong-bo-730549.html