Bài học từ những cường quốc đi qua 'siêu bão' thương mại

Bài học từ những cường quốc đi qua 'siêu bão' thương mại
19 giờ trướcBài gốc
Gian nan thử sức
Trong các cuộc đối đầu trên trận tuyến thương mại toàn cầu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đối diện với những rào cản khắc nghiệt từ thuế, cấm vận, điều tra chống bán phá giá cho đến các biện pháp phi thuế quan tinh vi. Song chính trong gian nan, họ đã lựa chọn những con đường khôn ngoan để không làm tổn hại đến cốt lõi kinh tế. Việt Nam không ngoại lệ, và trong lúc này, những bài học từ bạn bè quốc tế càng đáng để sát sao suy ngẫm.
Trung Quốc lần đầu tiên bị áp thuế trực diện với quy mô hàng trăm tỷ USD. Hàng loạt ngành hàng từ điện tử, dệt may, đồ chơi cho đến thiết bị công nghệ cao đều bị đánh thuế. Nhưng Trung Quốc đã âm thầm chuyển đổi cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh "Made in China 2025".
Họ xác định: nếu không làm chủ được công nghệ, sẽ mãi đứng sau trong trận định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu. Các đòn bẩy chính sách như thiết lập chuỗi cung ứng song song, đa dạng hóa thị trường sang ASEAN, châu Phi, Đông Âu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư R&D trong nước đã giúp Trung Quốc vực dậy nhanh chóng.
Năm 2019, khi Nhật Bản hạn chế ba nguyên liệu chiến lược dùng sản xuất chip và màn hình, trái tim của nền kinh tế Hàn Quốc, nhiều người dự đoán nền kinh tế này sẽ bị hụt đà phát triển. Song điều ngược lại đã diễn ra.
Chính phủ Moon Jae-in lập tức phê duyệt chương trình tự chủ nguyên vật liệu với gói đầu tư hàng tỷ won. Doanh nghiệp được khuyến khích liên kết để đầu tư nội địa, các hợp tác mới với EU, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và các trung tâm R&D toàn cầu được triển khai mạnh mẽ. Chìa khóa nằm ở sự đồng bộ giữa chính sách và doanh nghiệp – giúp Hàn Quốc không chỉ vượt khó mà còn bứt phá ngoạn mục.
Bài học từ những cường quốc đi qua ‘'siêu bão’' thương mại. Ảnh minh họa
Đàm phán và chuẩn hóa
Mexico năm 2019 từng bị nguy cơ áp thuế 25% vào toàn bộ hàng hóa xuất khẩu nếu không kiểm soát dòng người nhập cư bằng đường bộ. Trong khi dư luận lo lắng về một cuộc đối đầu, nhà lãnh đạo Mexico lại lựa chọn con đường đằng sau cánh cửa ngoại giao để không làm tổn hại đến nền xuất khẩu. Kết quả, cả hai bên cùng tránh được một cuộc chiến thương mại mới.
Không bị áp thuế, Brazil lại từng trải qua đợt cấm vận nhập khẩu thịt gia cầm và bò do EU lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Thay vì đáp trả gay gắt, Brazil chấp nhận quy chuẩn và chuẩn hóa hệ thống kiểm định.
Họ đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng, mở rộng thị trường sang Đông Nam Á và châu Phi, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản. Chiến lược "đi vòng" rào cản bằng chất lượng đã giúp Brazil lập lại được niềm tin trên thị trường quốc tế.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ khi đối diện với nguy cơ hoảng loạn tài chính do biến động ngoại thương, Ngân hàng Trung ương lập tức can thiệp tỷ giá, ổn định dòng tiền, đồng thời phát động chiến dịch "ủng hộ hàng nội" nhằm tạo điểm tựa tinh thần cho người dân. Báo chí được định hướng thông tin khéo léo, tránh tạo hiệu ứng tiêu cực lan rộng. Bài học ở đây là: trong mọi khủng hoảng thương mại, ổn định niềm tin thị trường là nhiệm vụ quan trọng không kém các gói hỗ trợ tài chính.
Việt Nam cần chủ động, học nhanh, hành động sớm
Chúng ta đang đứng trước những thách thức tương tự trong suốt thời gian qua và hiện nay. Chúng ta cũng đã có nhiều ứng phó thành công. Tình hình hiện nay đòi hỏi một chiến lược truyền thông và phản ứng chính sách đa tầng, từ đối thoại cấp cao, hỗ trợ doanh nghiệp, đến ổn định tâm lý thị trường nội địa.
Học hỏi quốc tế không phải để bắt chước, mà để hành động linh hoạt theo thực tiễn Việt Nam. Truyền thông báo chí lúc này không đơn thuần là phản ánh mà phải góp phần kiến tạo niềm tin, dẫn dắt dư luận và hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão.
Bởi lẽ, trên bản đồ thương mại toàn cầu, chỉ có quốc gia nào giữ được bản lĩnh, quốc gia đó mới có thể đi đường dài.
Đại Bàng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bai-hoc-tu-nhung-cuong-quoc-di-qua-sieu-bao-thuong-mai-381340.html