Bài học về sự đoàn kết Kinh - Thượng của Hoàng đế Quang Trung

Bài học về sự đoàn kết Kinh - Thượng của Hoàng đế Quang Trung
11 giờ trướcBài gốc
Cảnh vua Quang Trung xông trận đánh 28 vạn quân Thanh xâm lược. Ảnh minh họa
Đến nay tuy chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ hoặc tài liệu nào tổng kết cụ thể về sự đóng góp của người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên vào công cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, nhưng qua sử sách và những di sản còn lại đến hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng sự nghiệp chống ngoại xâm và các tập đoàn phong kiến, để thống nhất đất nước của nhà Tây Sơn có sự chung sức, chung lòng của đồng bào Tây Nguyên (bấy giờ gọi là người Thượng miền sơn cước).
Để làm tốt các công tác dân vận, hơn ai hết Nguyễn Nhạc hiểu rằng đối với đồng bào dân tộc thì nói và làm phải đi đôi với nhau, kết quả phải thật cụ thể. Để lo cái ăn, giải quyết lương thực cho nghĩa quân, Nguyễn Nhạc đã huy động đồng bào khai phá nương rẫy, và trồng lúa nước nhằm tạo một hậu phương vững chắc về nguồn lương thực, nhằm bồi dưỡng sức dân và chi viện cho tiền tuyến. Bằng chứng ngày nay còn một di tích thời Tây Sơn là cánh đồng Cô Hầu, nơi xưa kia là khu rừng Mộ Điển rộng hàng ngàn mẫu, Nguyễn Nhạc đã cho khai phá, đưa người Kinh lên hướng dẫn cho người dân tộc kỹ thuật làm lúa nước, và giao cho người vợ thứ người Bahnar của mình cai quản, tạo dựng nên một vùng đất lúa phì nhiêu.
Ngoài ra Nguyễn Nhạc còn cử người em út là Nguyễn Lữ đi xuống tận các buôn làng vận động nhân dân ủng hộ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nguyễn Lữ vốn là một thầy thuốc nên đã tự mình chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhiều người và được nhân dân Tây Nguyên mến mộ.
Theo truyền thuyết và sử sách còn để lại thì bấy giờ có bộ tộc Xà dàng (dân tộc Sêđăng ngày nay) do tù trưởng Bok Kiơm cầm đầu không phục tùng nhà Tây Sơn. Nguyễn Nhạc đã làm hết cách nhưng Bok Kiơm vẫn bất tuân, Nguyễn Nhạc đành phải giao cho người em thứ hai là Nguyễn Huệ tìm cách xâm nhập, tiếp cận với bộ tộc này, nhất là người tù trưởng. Khi Nguyễn Huệ tiếp xúc được với người Xà dàng, bằng thái độ chân tình, cởi mở đã làm mềm lòng vị tù trưởng. Nhưng Bok Kiơm vẫn ra một điều kiện để thứ tài anh em nhà Tây Sơn.
Lúc bấy giờ ở vùng núi Hãnh Hót (An Khê) có một đàn ngựa hoang hàng trăm con, có con bạch mã đầu đàn. Người Xà dàng gọi đây là đàn ngựa Trời và tin rằng không ai có thể chinh phục được chúng. Nếu Nguyễn Nhạc là “Vua Trời” thì phải thuần phục đàn ngựa này, người Xà dàng mới tin theo. Nguyễn Huệ đã nhận lời của Bok Kiơm. Bằng sự thông minh và kinh nghiệm của mình, ông đã thuần phục được bầy ngựa hoang và cả con bạch mã đầu đàn hung hãn nhất, trước sự chứng kiến của vị tù trưởng và dám thuộc hạ của Bok Kiơm.
Về sau khi anh em nhà Tây Sơn đem quân chinh Bắc, phạt Nam, họ đã tin tưởng giao việc sơn phòng cho tù trưởng Bok Kiơm. “Nguyễn Nhạc còn tặng cho Bok Kiơm một chiếc nón chiếc nón ngụa có chóp bạc, quai lụa điều, một con chiến mã và một cây mác bạc (sách Nhà Tây Sơn - NXB trẻ - XB năm 2000). Ngày nay ở một số buôn làng Sêđăng nằm dưới chân núi Ngok Linh, (Ngọc Linh) còn nhắc đến tên vị anh hùng Nguyễn Nhạc”, và ở An Khê (Tây Sơn Thượng Đạo) còn giữ truyền thống cúng tạ 3 anh em nhà Tây Sơn ở An Khê Đình (nơi thờ phụng anh em Tây Sơn - di tích văn hóa cấp quốc gia) vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm.
Hoạt cảnh tướng sỹ Tây Sơn ăn mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Người Bahnar, Jarai, Sêđăng từ trước đến nay vẫn nhớ đến ngày giổ các vị anh hùng Tây Sơn nên tụ tập về An Khê Đình, mang theo heo, gà, gạo nếp để cúng và múa hát cồng, chiêng cả ngày. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng sâu rộng của phong trào Tây Sơn hồi thế kỷ XVIII đến các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào Tây Nguyên.
Có thể nói đó là điểm khởi đẩu đẹp nhất cho sự đoàn kết Kinh - Thượng một nhà từ xa xưa đến thời Tây Sơn cho tới nay. Bài học quý báu này, trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống 2 đế quốc Mỹ và Pháp Đảng ta đã vận dụng truyền thống đó một cách linh hoạt và tài tình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đồng bào Tây Nguyên trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của thế kỷ XX đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, cùng với người kinh cả nước làm cuộc trường kỳ kháng chiến đầy chất anh hùng ca. Các thắng lợi vĩ đại do Đảng ta lãnh đạo đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và được phát huy đến đỉnh cao nhất.
Ngày nay khi nước nhà thống nhất, các dân tộc Tây Nguyên có đời sống tinh thần và vật chất ngày càng được nâng cao. Tình đoàn kết Kinh - Thượng cũng ngày càng bền chặt, thấm đượm hơn. Các dân tộc Kinh - Thượng đã thực sự bình đẳng và cùng nhau góp phần xây dựng xã hội Tây Nguyên giàu đẹp, tô thắm thêm truyền thống đoàn kết dân tộc trong một đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất.
Sông Hiếu
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/bai-hoc-ve-su-doan-ket-kinh-thuong-cua-hoang-de-quang-trung-a28653.html