Bài học về sự 'hồi sinh' ở Nhật Bản

Bài học về sự 'hồi sinh' ở Nhật Bản
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều ngôi nhà bỏ hoang được cải tạo thành nơi lưu trú tại Nhật Bản Ảnh: Kosuke Okahara/Bloomberg/Getty Images
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở, thì tại Nhật Bản nhà bỏ hoang nằm rải rác từ các thành phố sôi động đến vùng nông thôn yên tĩnh. Những ngôi nhà bỏ hoang (còn gọi là akiya) tại Nhật Bản đã gia tăng đáng kể gần đây.
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ, số lượng nhà bỏ hoang (akiya) ở Nhật Bản đã tăng khoảng 80% trong 20 năm qua, khiến các tỉnh ở Nhật Bản gặp khó khăn trong việc quản lý các căn nhà không có chủ nhân sinh sống. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã rất cân nhắc về việc nên giữ hay phá bỏ?
Một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã tìm đến và mua những ngôi nhà akiya ở Nhật Bản, đặc biệt là những căn nhà nằm ở vị trí đẹp và hấp dẫn.
Thông qua các website địa phương với tên gọi chung là “ngân hàng akiya”, nhiều căn nhà bị bỏ hoang đã được bán. Du khách nước ngoài muốn thay đổi môi trường sống, nhà akiya có lẽ là cơ hội tốt để mua bất động sản ở nước ngoài giá rẻ.
Vì vậy, sự xuất hiện “ngân hàng akiya” tại thành phố Tokyo hay tỉnh miền núi Kumamoto thuộc vùng Kyushu đã thúc đẩy kết nối giữa người mua nhà tiềm năng với các chủ nhà. “Ngân hàng akiya” cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng để cơ quan địa phương quản lý những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc bỏ trống.
Ngoài rao bán, Nhật Bản gần đây cũng tạo nên một số “cú hích mới” trong nỗ lực chuyển đổi những ngôi nhà cũ kỹ trở thành nơi lưu trú cho du khách. Chính phủ Nhật Bản đã công bố các gói trợ cấp tài chính nhằm khuyến khích người trẻ trở về quê hương và cải tạo nhà bỏ hoang.
Các nhà ga hay những ngôi nhà bỏ hoang cũ kỹ đã được chuyển đổi thành nơi lưu trú du lịch nghỉ ngơi thư giãn, nơi mà du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn cảm giác yên bình, trong lành của một làng quê.
Chẳng hạn như một phần nhà ga Futamata - Hommachi ở một vùng nông thôn yên tĩnh của tỉnh Shizuoka vốn đã ngừng hoạt động, vừa được cải tạo thành khách sạn một phòng mang tên Inn My Life.
“Để một nơi trở thành điểm đến du lịch, các nhà đầu tư cần phải tập trung vào chỗ ở và điểm đến tham quan. Nếu chúng ta tạo nên giá trị ý nghĩa thì người dân địa phương sẽ rất vui vẻ đón nhận và đưa khu vực này trở thành điểm đến du lịch khả thi”, ông Akihito Nakatani, chủ khách sạn Inn My Life nói.
Điều đó đã rất đúng với Inn My Life. Khi du khách đến lưu trú ở Inn My Life, người dân địa phương đã chào đón nhiệt tình và hướng dẫn khách du lịch tham gia hành trình khám phá cộng đồng.
“Tham gia dự án này là một cách để thắp sáng tương lai, thay vì ngồi nhìn mọi thứ tàn lụi”, bà Reiko Yamamiya, 79 tuổi, một cư dân địa phương chia sẻ sau khi đồng ý cải tạo ngôi nhà bỏ hoang của bà thành địa điểm lưu trú phục vụ khách du lịch.
Với cách tiếp cận này, chính phủ Nhật Bản không chỉ tạo điều kiện cho người nước ngoài muốn mua nhà ở đây, mà còn tham gia tốt vào quá trình bảo tồn và cải tạo những ngôi nhà cũ, đưa nơi đây trở thành điểm đến độc đáo với du khách.
Nhà phân tích Takuto Yasuda của Viện nghiên cứu NLI nhấn mạnh, việc chuyển hướng du khách đến những điểm du lịch mới là chìa khóa để giảm bớt áp lực cho khách sạn ở các thành phố nổi tiếng. Những chiến lược phát triển du lịch hợp lý như vậy đã góp phần mang lại thành công cho ngành du lịch Nhật Bản.
HỒNG NHUNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/du-lich/bai-hoc-ve-su-hoi-sinh-o-nhat-ban-136198.html