Bài tập cho người mắc hội chứng đầu cổ

Bài tập cho người mắc hội chứng đầu cổ
2 ngày trướcBài gốc
NỘI DUNG:
1. Lợi ích của tập luyện với người mắc hội chứng đầu cổ
2. Một số bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt tốt cho người mắc hội chứng đầu cổ
2.1 Bài tập gập - ngửa cổ
2.2 Bài tập quay cổ
2.3 Bài tập nghiêng đầu sang hai bên
2.4 Bài tập nâng vai và thả lỏng vai
2.5 Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ vai gáy cho người mắc hội chứng đầu cổ
3. Một số lưu ý khi tập vận động và xoa bóp bấm huyệt
1. Lợi ích của tập luyện với người mắc hội chứng đầu cổ
Hội chứng đầu cổ là một bệnh lý phổ biến thường gặp liên quan đến cột sống cổ, biểu hiện qua nhiều triệu chứng đa dạng. Hội chứng đầu cổ nếu được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp thường có hiệu quả và tiên lượng tốt.
Thực hiện các bài tập vận động giúp giãn cơ vùng cổ, vai và lưng, làm giảm co thắt cơ, cải thiện tuần hoàn máu, qua đó giúp người bệnh giảm đau hay căng cứng cơ.
Nhiều người mắc hội chứng đầu cổ do sai tư thế khi làm việc, ngồi lâu, các bài tập giúp cải thiện tư thể, giảm áp lực lên cột sống cổ; tăng cường sức mạnh cơ cổ, giúp cơ cổ khỏe hơn, từ đó nâng đỡ cột sống tốt hơn, giảm áp lực lên các dây thần kinh và mạch máu. Ngoài ra các bài tập còn giúp tăng cường tuần hoàn máu não, cải thiện lưu thông máu lên não, giảm các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt.
Xoa bóp bấm huyệt nhẹ nhàng cũng là một phương pháp hữu ích của Đông y giúp giảm triệu chứng của hội chứng đầu cổ thông qua việc thư giãn cơ, cải thiện lưu thông khí huyết, tăng cường chức năng hệ thần kinh và hỗ trợ điều chỉnh lại cột sống cổ.
2. Một số bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt tốt cho người mắc hội chứng đầu cổ
2.1 Bài tập gập - ngửa cổ
Tác dụng: Giúp thư giãn và kéo giãn các cơ vùng cổ gáy.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi thẳng lưng, mắt nhìn về phía trước, từ từ gập đầu xuống sao cho cằm chạm ngực và giữ trong khoảng 5-10 giây.
Ngửa cổ ra sau để mắt nhìn lên trần nhà và giữ khoảng 5-10 giây.
Lặp lại động tác 10 lần.
Động tác gập- ngửa cổ giúp thư giãn cho người mắc hội chứng đầu cổ.
2.2 Bài tập quay cổ
Tác dụng: Tăng sự linh hoạt của cột sống cổ.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi thoải mái, từ từ quay đầu sang bên phải hết mức có thể, giữ trong 5-10 giây.
Sau đó từ từ quay sang trái rồi lại giữ trong 5-10 giây. Lặp lại động tác 10 lần.
Lưu ý: Không xoay cổ đột ngột hoặc xoay theo vòng tròn vì có thể làm tăng áp lực lên cột sống.
Cách thực hiện tư thế quay cổ cho người mắc hội chứng đầu cổ.
2.3 Bài tập nghiêng đầu sang hai bên
Tác dụng: Kéo giãn và giảm căng cứng các cơ vùng cổ.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi thẳng, hai vai để ngay ngắn, không nhún vai, nghiêng đầu sang phải sao cho tai tiến sát vào vai, giữ trong khoảng 5-10 giây rồi đổi bên.
Lặp lại động tác 10 lần; có thể dùng tay kéo nhẹ đầu để tăng tác dụng kéo giãn.
Cách thực hiện tư thế nghiêng đầu.
2.4 Bài tập nâng vai và thả lỏng vai
Tác dụng: Thư giãn cơ vai, giảm đau vùng cổ vai gáy.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi hoặc đứng thẳng, thả lỏng hai vai.
Nâng hai vai lên cao nhất có thể, giữ tư thế trong khoảng 5-10 giây.
Thả hai vai xuống và thư giãn. Lặp lại động tác 10 lần.
Nâng và hạ vai giúp người mắc hội chứng đầu cổ giảm đau vùng cổ vai gáy.
2.5 Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ vai gáy
Cách thực hiện:
- Xoa xát nhẹ nhàng toàn bộ vùng cổ vai gáy, có thể dùng thêm một số loại tinh dầu, dầu bôi trơn để hỗ trợ và tăng thêm tác dụng của quá trình xoa bóp.
- Tiến hành day ấn nhẹ nhàng vùng cổ vai gáy, có thể kết hợp việc xoa bóp với việc vận động nhẹ nhàng vùng cổ, vai và cánh tay.
Day ấn một số huyệt tại chỗ:
- A thị huyệt: Các điểm đau phát sinh do hội chứng đầu cổ gây ra.
- Huyệt phong trì: Ở hõm sau gáy, giữa xương chẩm và cơ ức đòn chũm.
- Huyệt đại chùy: Ở chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai đốt sống cổ 7.
- Huyệt kiên tỉnh: Ở chỗ lõm trên vai, giao giữa đường ngang nối đốt sống cổ thứ 7 và đường giữa xương bả vai.
Xoa bóp nhẹ nhàng toàn bộ vùng cổ vai gáy giúp người bệnh thư giãn, giảm đau.
3. Một số lưu ý khi tập vận động và xoa bóp bấm huyệt
Tập luyện và xoa bóp bấm huyệt là phương pháp hỗ trợ hiệu quả giúp cải thiện triệu chứng, giúp cổ vai gáy linh hoạt hơn nhưng không thay thế hoàn toàn việc thăm khám và điều trị y khoa khi cần thiết. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng như đau lan xuống tay, tê yếu tay chân, chóng mặt, mất thăng bằng nhiều… cần báo ngay cho bác sĩ để loại trừ bệnh lý cột sống nặng.
Các bài tập nên thực hiện nhẹ nhàng, không tập quá sức, không thực hiện các động tác xoay cổ mạnh, tránh kéo giãn quá mức trong quá trình tập và xoa bóp bấm huyệt. Mỗi bài tập nên thực hiện 5-10 phút/lần, nên chia thành nhiều lần tập trong ngày, tránh làm tăng áp lực quá mức lên cột sống cổ.
Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập quay cổ nhẹ nhàng, kéo giãn cơ cổ, vai kết hợp với hít thở sâu vào buổi sáng sau khi đã khởi động. Các bài tập này sẽ giúp giãn cơ, giảm căng cứng cơ, cải thiện tuần hoàn não, giảm đau đầu và có một tinh thần tỉnh táo hơn.
Vào buổi chiều, người mắc hội chứng cổ gáy có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt nhẹ nhàng, tập một số động tác yoga giúp thư giãn và giảm căng cơ, đặc biệt hiệu quả đối với những người thường bị đau mỏi trong ngày.
Người bệnh không nên thực hiện bài tập sau khi ăn no dễ ảnh hưởng đến tiêu hóa và gây cảm giác khó chịu; không nên tập các bài tập vận động mạnh trước khi đi ngủ do có thể kích thích thần kinh gây khó ngủ hơn.
Duy trì tư thế đúng, luôn giữ thẳng lưng, không gù hoặc ngửa quá mức. Khi bệnh ở giai đoạn cấp có các triệu chứng như đau dữ dội, chóng mặt, tê bì tay chân thì không nên tập mà cần nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ ngay.
Trong quá trình xoa bóp bấm huyệt nên thao tác nhẹ nhàng, không day ấn quá mạnh vì có thể gây thêm tổn thương cho người bệnh. Cần theo dõi phản ứng cơ thể, nếu các triệu chứng bệnh nặng hơn sau khi tập hoặc xoa bóp bấm huyệt cần dừng lại và báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
BS. Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-mac-hoi-chung-dau-co-169250326134023906.htm