1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng DiGeorge
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng DiGeorge
2. Một số bài tập, massage hỗ trợ người bệnh mắc hội chứng DiGeorge
2.1 Bài tập thiền và hít thở sâu
2.2 Đi bộ chậm
2.3 Các trò chơi vận động nhẹ nhàng
2.4 Bài tập cho mắt và cơ mặt
2.5 Thổi bong bóng hoặc thổi ống mút
2.6 Liệu pháp massage cho người mắc hội chứng DiGeorge
3. Lưu ý khi tập vận động và massage đối với người mắc hội chứng DiGeorge
Hội chứng DiGeorge, hay còn gọi là hội chứng mất đoạn 22q11.2, là một rối loạn di truyền do thiếu hụt một đoạn nhỏ trên nhiễm sắc thể số 22.
Các bài tập vận động và liệu pháp massage có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người mắc hội chứng DiGeorge, cụ thể:
- Các bài tập thể chất giúp tăng cường sức khỏe tổng quát, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện khả năng vận động, hỗ trợ tâm lý…
- Liệu pháp massage có thể giúp người mắc hội chứng DiGeorge thư giãn và giảm đau, kích thích hệ miễn dịch, cải thiện giấc ngủ, tâm lý, hỗ trợ tăng cường chức năng hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…
Việc kết hợp các bài tập vận động và liệu pháp massage có thể tối ưu hóa các lợi ích kể trên, giúp người bệnh đạt được sức khỏe tốt hơn cả về thể chất và tinh thần.
Hội chứng DiGeorge, còn gọi là hội chứng mất đoạn 22q11.2, là rối loạn di truyền khá phổ biến trong cộng đồng.
2. Một số bài tập, massage hỗ trợ người bệnh mắc hội chứng DiGeorge
2.1 Bài tập thiền và hít thở sâu
Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái với hai mắt nhắm nhẹ, lưng thẳng, hai tay đặt lên đầu gối hoặc đầu. Tiến hành hít sâu, hít vào từ từ và cảm nhận không khí đi vào đầy bụng, giữ hơi thở một lát rồi thở ra từ từ. Lặp lại chu kỳ như vậy trong 5-10 phút.
Người bệnh có thể kết hợp việc ngồi hít thở với âm thanh thiên nhiên hoặc nhạc thiền nhẹ nhàng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, bài tập thiền và hít thở sâu không chỉ có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện chức năng hô hấp, mà còn có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm, tăng sản xuất bạch cầu, giảm viêm mạn tính trong các trường hợp suy giảm hệ miễn dịch. Chính vì vậy đây là bài tập rất thích hợp đối với người bệnh mắc hội chứng DiGeorge.
Thiền và hít thở sâu giảm căng thẳng, giảm viêm... tốt cho người mắc hội chứng DiGeorge (ảnh minh họa).
2.2 Đi bộ chậm
Người bệnh mắc hội chứng DiGeorge có thể thực hiện đi bộ chậm trong 10-15 phút mỗi ngày và có thể tăng dần thời gian, tùy vào thể trạng. Người bệnh nên chọn đi bộ trên địa hình bằng phẳng, tránh địa hình gồ ghề, tránh leo dốc. Bài tập này sẽ giúp người mắc hội chứng DiGeorge duy trì thể lực và tăng cường sức khỏe hệ tim mạch.
Đi bộ chậm giúp duy trì sức khỏe tim mạch cho người mắc hội chứng DiGeorge.
2.3 Các trò chơi vận động nhẹ nhàng
Để hỗ trợ người mắc hội chứng DiGeorge tăng hứng thú và tương tác xã hội, có thể khuyến khích người bệnh tham gia một số trò chơi vận động nhẹ nhàng như chơi bóng chuyền với bóng nhẹ hoặc bóng bay, tham gia các lớp tập bơi hoặc thể dục dưới nước…
Các bài tập dưới nước cũng giúp tăng cường sức khỏe toàn diện cho người bệnh mà không gây nhiều áp lực lên khớp.
2.4 Bài tập cho mắt và cơ mặt
Một số người mắc hội chứng DiGeorge gặp vấn đề về phát triển cơ mặt, các bài tập này có tác dụng hỗ trợ người bệnh trong việc kiểm soát cơ mặt và cải thiện khả năng giao tiếp.
Các bài tập mắt và cơ mặt có thể được thực hiện bằng cách tập nháy mắt và mỉm cười, luyện tập thể hiện các biểu cảm nhẹ nhàng trên khuôn mặt.
2.5 Thổi bong bóng hoặc thổi ống mút
Bài tập thổi bong bóng hoặc thổi ống mút giúp hỗ trợ tăng cường sức mạnh cơ miệng và cơ hàm, cải thiện khả năng điều chỉnh hơi thở, giúp hỗ trợ phát âm và nuốt.
Các bài tập này đặc biệt tốt cho người mắc hội chứng DiGeorge có tình trạng hở hàm ếch.
2.6 Liệu pháp massage cho người mắc hội chứng DiGeorge
Cách thực hiện:
Người bệnh nằm sấp, dùng lòng bài tay xoa nhẹ vùng lưng và vai để kích thích lưu thông máu, tạo cảm giác thư giãn. Người bệnh nằm ngửa, xoa nhẹ nhàng vùng ngực và bụng để hỗ trợ hô hấp và tiêu hóa. Massage nhẹ nhàng toàn bộ cơ thể.
Có thể kết hợp liệu pháp massage với việc day ấn một số huyệt vị có tác dụng toàn thân như huyệt dũng tuyền, huyệt túc tam lý, huyệt quan nguyên, huyệt khí hải…
Đây đều là các huyệt có tác dụng tăng cường sức khỏe, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, hỗ trợ các chức năng tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa cho cơ thể.
Massage toàn thân tăng cường miễn dịch cho người mắc hội chứng DiGeorge.
3. Lưu ý khi tập vận động và massage đối với người mắc hội chứng DiGeorge
- Các bài tập nên thực hiện đều đặn hằng ngày, thực hiện ở các không gian sạch sẽ, an toàn, tránh các nguy cơ không tốt cho sức khỏe người bệnh.
- Không nên tập vận động quá sức, nên cá nhân hóa chương trình tập luyện. Mỗi người bệnh mắc hội chứng DiGeorge lại có tình trạng bệnh lý, thể trạng khác nhau, do đó, các bài tập cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng người bệnh, dựa trên hướng dẫn của các chuyên gia y tế.
- Người bệnh mắc hội chứng DiGeorge nên tập các bài tập dưới sự theo dõi của chuyên gia y tế. Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các vấn đề bất thường, cần dừng lại ngay và có sự hỗ trợ y tế kịp thời cho người bệnh.
- Tránh bấm huyệt nếu người bệnh cảm thấy đau, mệt mỏi hoặc có vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
- Kết hợp các bài tập và liệu pháp massage với chế độ ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý và không được sử dụng các phương pháp này thay thế cho các phương pháp điều trị y tế.