Mặc dù điều trị Hội chứng Dumping chủ yếu dựa vào chế độ ăn uống và thay đổi lối sống, song một số bài tập thể chất cũng góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Dumping
2. Bài tập cho người mắc Hội chứng Dumping
1. Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn
2. Bài tập hít thở sâu
4. Bài tập tăng sức bền
5. Bài tập giãn cơ toàn thân
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Dumping
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping hay còn gọi là hội chứng "dạ dày rỗng nhanh", là một rối loạn tiêu hóa xảy ra khi thức ăn từ dạ dày di chuyển quá nhanh xuống ruột non.
Tình trạng này thường gặp ở những người đã từng phẫu thuật cắt dạ dày một phần hoặc toàn phần, đặc biệt là trong điều trị loét dạ dày, ung thư dạ dày hay béo phì.
Hội chứng Dumping chia thành hai loại chính: Giai đoạn sớm (xảy ra trong vòng 30 - 60 phút sau ăn, do thức ăn di chuyển nhanh xuống ruột) và giai đoạn muộn (xảy ra sau ăn 2 -3 giờ, liên quan đến hạ đường huyết do tăng insulin đột ngột).
Các triệu chứng điển hình của Hội chứng Dumping như: Buồn nôn, đau bụng quặn, tiêu chảy, cảm giác đói cồn cào, người mệt, hạ huyết áp, chóng mặt, tim đập nhanh, vã mồ hôi,…
Một số bài tập thể chất góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh:
Tập luyện thường xuyên giúp điều hòa nhu động ruột, làm chậm tốc độ tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Giúp ổn định đường huyết, giảm nguy cơ tụt đường huyết ở giai đoạn muộn.
Giảm căng thẳng tâm lý, vốn làm trầm trọng thêm triệu chứng tiêu hóa.
Tập luyện còn giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ chức năng tiêu hóa và toàn thân.
Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng phù hợp, đặc biệt là trong thời điểm sau ăn - dễ xảy ra các triệu chứng của Hội chứng Dumping nhất.
2. Bài tập cho người mắc Hội chứng Dumping
Dưới đây là các dạng bài tập được đánh giá là an toàn và hiệu quả nếu thực hiện đúng cách và đúng thời điểm:
1. Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn
Việc đi bộ nhẹ nhàng sau ăn giúp làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày ở người mắc Hội chứng Dumping. Đi bộ giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn, tăng cường lưu thông máu mà không kích thích dạ dày co bóp quá mức.
Đi bộ nhẹ nhàng sau ăn giúp giảm các triệu chứng của Hội chứng Dumping (ảnh minh họa).
Cách thực hiện:
Bạn nên đi bộ với cường độ vừa phải, chậm, nhịp nhàng, giữ hơi thở đều.
Đi bộ vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối sau ăn.
Không đi khi trời quá nắng hoặc quá lạnh.
Thời gian từ 10 - 20 phút mỗi ngày.
2. Bài tập hít thở sâu
Bài tập hít thở sâu không chỉ giúp thư giãn, giảm stress mà còn hỗ trợ điều hòa thần kinh tự chủ thường bị rối loạn ở người mắc Hội chứng Dumping (gây ra các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, chóng mặt…); đồng thời, hít thở sâu còn làm chậm lại tốc độ thở, giảm co thắt dạ dày.
Cách thực hiện:
Người bệnh ở tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái.
Đặt tay lên bụng, hít sâu qua mũi, bụng phình lên.
Thở chậm qua miệng, bụng xẹp xuống.
Mỗi lần tập từ 5 - 10 phút, lặp lại 2 - 3 lần/ngày.
3. Bài tập Yoga
Yoga mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người mắc Hội chứng Dumping, giúp cân bằng hệ thần kinh tự chủ, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn và chức năng hô hấp. Yoga cũng làm giảm căng thẳng, lo âu, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Một số tư thế phù hợp:
Tư thế em bé (Balasana)
Tư thế quỳ gối, ngồi lên gót chân, mở rộng đầu gối.
Từ từ gập người về phía trước, trán chạm sàn, tay duỗi về phía trước hoặc đặt dọc theo thân.
Hít thở sâu và đều, giữ tư thế từ 30 giây đến 1 phút.
Từ từ nâng người lên và trở lại tư thế ban đầu.
Lặp lại động tác từ 10 - 15 lần.
Tư thế em bé cải thiện tuần hoàn máu (ảnh minh họa).
Tư thế con mèo - con bò (Cat-Cow)
Người bệnh bắt đầu ở tư thế quỳ gối, tay chống xuống thảm, đảm bảo cổ tay thẳng dưới vai và đầu gối thẳng dưới hông.
Tư thế con bò (Cow): Hít vào và hạ bụng xuống, nâng ngực và đầu lên, đồng thời lưng võng xuống hết mức có thể.
Tư thế con mèo (Cat): Thở ra và cong lưng lên, kéo rốn về phía cột sống, đầu hạ xuống, tạo thành hình vòng cung lưng.
Lặp lại chuỗi động tác này từ 5 - 10 lần, hít thở đều và chú ý chuyển động từ từ, nhẹ nhàng.
Tư thế ngồi xoay cột sống nhẹ (Spinal Twist)
Bắt đầu ở tư thế ngồi thẳng, hai chân duỗi ra trước mặt.
Tiến hành gập một chân, đặt bàn chân của chân gập gần với mông đối diện.
Chân còn lại giữ thẳng và xoay thân người về phía chân đã gập.
Đặt tay trái lên gối phải, tay phải đặt phía sau lưng để tạo điểm tựa.
Xoay thân người từ từ, đưa đầu nhìn về phía sau, giữ lưng thẳng và thở đều.
Giữ tư thế từ 20 - 30 giây, sau đó quay lại vị trí ban đầu và thực hiện lại với bên còn lại.
4. Bài tập tăng sức bền
Các bài tập tăng sức bền ở cường độ vừa phải sẽ giúp người mắc Hội chứng Dumping tăng cường thể chất, cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ kiểm soát đường huyết (đặc biệt quan trọng với Dumping muộn). Bạn có thể tập luyện với các bài tập như:
Đạp xe: Đạp xe với cường độ nhẹ trong vòng 20 - 30 phút có thể đạp xe ngoài trời hoặc sử dụng xe đạp trong nhà.
Nhảy dây: Nhảy dây là một bài tập đơn giản nhưng rất hiệu quả giúp tăng sức bền và cải thiện sự dẻo dai. Bắt đầu với thời gian ngắn (1 - 2 phút), sau đó tăng dần khi cơ thể quen dần với bài tập.
Nhảy dây giúp tăng sức bền cho người mắc Hội chứng Dumping (ảnh minh họa).
Tập aerobic: Tham gia các lớp thể dục nhẹ nhàng hoặc tập nhóm có thể giúp tăng động lực và cải thiện sức bền tổng thể.
5. Bài tập giãn cơ toàn thân
Tập giãn cơ giúp thư giãn hệ thần kinh, cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ chức năng tiêu hóa gián tiếp thông qua giảm căng thẳng.
Cách thực hiện:
Giãn cơ cổ: Tư thế ngồi thẳng, nghiêng đầu sang một bên và giữ trong 15 - 30 giây, lặp lại 2 - 3 lần mỗi bên.
Giãn cơ cổ giúp giảm căng thẳng (ảnh minh họa).
Giãn cơ vai và lưng trên: Đưa hai tay ra trước, giữ 15 - 30 giây, lặp lại 2 - 3 lần.
Giãn cơ chân: Ngồi thẳng, cúi người về phía trước, giữ trong 20 - 30 giây, lặp lại 2 - 3 lần.
Giãn cơ đùi: Tư thế đứng, kéo một chân lên phía mông, giữ 20 - 30 giây, đổi chân.
Giãn cơ hông: Bước một chân lên trước, giữ 20 - 30 giây, lặp lại 2 - 3 lần mỗi bên.
Giãn cơ toàn thân: Nằm thẳng, giơ tay qua đầu, kéo dài cơ thể, giữ trong 20 - 30 giây, lặp lại 2-3 lần.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Dumping
- Không nên tập luyện ngay sau khi ăn, cần nghỉ ngơi sau ăn tối thiểu 60 - 90 phút để tránh làm tăng nhu động ruột.
- Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ chậm, yoga, thở sâu, giãn cơ nhẹ; tránh các bài tập nặng, vận động gắng sức hay động tác cúi gập người vì dễ làm tăng áp lực ổ bụng và thúc đẩy làm rỗng dạ dày nhanh hơn.
- Luôn khởi động nhẹ nhàng trước khi tập và giãn cơ sau tập.
- Không nên tập luyện quá sức mà có thể chia nhỏ thời gian tập trong ngày.
- Bổ sung dinh dưỡng, uống đủ nước, điện giải cho cơ thể khi tập luyện.
- Nếu đang sốt, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt hoặc có triệu chứng hạ đường huyết… nên ngừng tập hoàn toàn và nghỉ ngơi; chỉ tập trở lại khi thể trạng đã ổn định.
- Khi tập nếu xuất hiện tim đập nhanh, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp, cần ngừng tập ngay, nghỉ ngơi và bổ sung nước, năng lượng nếu cần.
- Các bài tập luyện được áp dụng đúng cách sẽ hỗ trợ quản lý Hội chứng Dumping, giúp giảm triệu chứng, đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và bác sĩ phục hồi chức năng trước khi bắt đầu tập luyện.
BSNT. Hương Trà