Bài tập cho trẻ mắc hội chứng Rett

Bài tập cho trẻ mắc hội chứng Rett
một ngày trướcBài gốc
1. Vai trò của tập luyện đối với trẻ mắc hội chứng Rett
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện đối với trẻ mắc hội chứng Rett
2. Một số bài tập phù hợp với trẻ mắc hội chứng Rett
3. Lưu ý khi tập luyện đối với trẻ mắc hội chứng Rett
Hội chứng Rett là một rối loạn thần kinh hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em gái và thường biểu hiện trong giai đoạn từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Trẻ mắc hội chứng này ban đầu phát triển bình thường, nhưng sau đó bắt đầu mất dần các kỹ năng vận động, giao tiếp và nhận thức đã đạt được. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơ thể, gặp các vấn đề về hô hấp, ăn uống và xuất hiện các hành vi lặp đi lặp lại.
Mặc dù trẻ mắc hội chứng Rett gặp nhiều hạn chế về vận động, song điều đó không có nghĩa là không thể tập luyện. Với sự hướng dẫn đúng cách từ các chuyên gia y tế, đặc biệt là vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, trẻ hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động vận động phù hợp với thể trạng. Việc tập luyện, dù ở mức độ nhẹ nhàng, cũng giúp duy trì chức năng cơ thể và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.
Tập luyện đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho trẻ mắc hội chứng Rett, bao gồm:
Cải thiện trương lực cơ, giữ vững khả năng vận động cơ bản và hạn chế tình trạng teo cơ do ít vận động.
Hỗ trợ hệ hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ cứng khớp và biến dạng tư thế.
Giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và nâng cao tinh thần cho trẻ.
Một lợi ích quan trọng khác của việc vận động là hỗ trợ sự gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc. Những hoạt động đơn giản như cùng nhau thực hiện bài tập kéo giãn hay chơi các trò chơi vận động nhẹ không chỉ có tác dụng về thể chất mà còn là cơ hội kết nối tình cảm, giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương.
Với các bài tập phù hợp, trẻ mắc hội chứng Rett có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì khả năng vận động cơ bản.
2. Một số bài tập phù hợp với trẻ mắc hội chứng Rett
- Bài tập kéo giãn thụ động: Các bài kéo giãn tay chân, cổ và lưng do người chăm sóc hoặc chuyên viên thực hiện giúp duy trì độ linh hoạt và giảm co cứng cơ.
- Bài tập vận động dưới nước: Các hoạt động dưới nước như vẫy tay, đá chân hoặc được hỗ trợ di chuyển trong hồ bơi giúp trẻ dễ vận động hơn nhờ áp lực nước nhẹ nhàng và giảm trọng lực lên khớp.
- Tập ngồi, đứng có hỗ trợ: Với sự trợ giúp của thiết bị hỗ trợ như ghế chuyên dụng hoặc nẹp, trẻ có thể tập luyện giữ thăng bằng ở tư thế ngồi hoặc đứng, tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện nhận thức về cơ thể.
- Bài tập thở: Các bài thở sâu, thở theo nhịp giúp cải thiện chức năng phổi, đặc biệt quan trọng đối với những trẻ có vấn đề về hô hấp.
- Bài tập vận động tinh: Thực hiện các động tác đơn giản như nắm – mở bàn tay, cầm nắm đồ vật lớn giúp duy trì khả năng điều khiển vận động bàn tay và phối hợp mắt – tay.
Với sự trợ giúp của thiết bị hỗ trợ, trẻ mắc hội chứng Rett có thể tập luyện giữ thăng bằng ở tư thế đứng.
3. Lưu ý khi tập luyện đối với trẻ mắc hội chứng Rett
Đối với trẻ mắc hội chứng Rett, điều quan trọng nhất là tập luyện an toàn và phù hợp với thể trạng. Mỗi trẻ có mức độ nặng nhẹ khác nhau nên cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi chuyên gia trước khi xây dựng chương trình tập. Việc tập luyện nên được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên viên vật lý trị liệu hoặc người chăm sóc được đào tạo về chuyên môn.
Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường tập luyện yên tĩnh, không gây kích thích quá mức, vì trẻ mắc hội chứng Rett thường nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng mạnh. Do đó, nên bắt đầu với các bài tập đơn giản, nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo khả năng của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện mệt, khó chịu hoặc đau, cần ngưng tập ngay và theo dõi tình trạng.
Không nên đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả tập luyện trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là duy trì sự đều đặn và kiên nhẫn. Dù tiến triển có thể chậm, nhưng mỗi bước tiến nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của trẻ.
Mời bạn đọc xem thêm:
BS. Ngô Đức Nhuân
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-tre-mac-hoi-chung-rett-169250404161632668.htm