Bài tập phục hồi chức năng cho người liệt dây thần kinh số 6

Bài tập phục hồi chức năng cho người liệt dây thần kinh số 6
3 ngày trướcBài gốc
1. Vai trò của tập luyện đối với người liệt dây thần kinh số 6
Liệt dây thần kinh số 6 (hay còn gọi là dây thần kinh vận nhãn ngoài) là tình trạng suy giảm hoặc mất chức năng của dây thần kinh sọ số 6, dây thần kinh này có nhiệm vụ điều khiển cơ thẳng ngoài mắt. Cơ này giúp mắt chuyển động ra phía ngoài.
NỘI DUNG:
1. Vai trò của tập luyện đối với người liệt dây thần kinh số 6
2. Một số bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh liệt dây thần kinh số 6
3. Những lưu ý khi thực hiện các bài tập mắt
Triệu chứng phổ biến nhất của liệt dây thần kinh số 6 là song thị (nhìn đôi), đặc biệt khi người bệnh nhìn về phía bên bị ảnh hưởng.
Đồng thời, mắt bên tổn thương thường bị lệch vào trong (lé trong) khi nhìn thẳng.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 6 có thể bao gồm chấn thương sọ não, u não, nhiễm trùng, đột quỵ, phình mạch não hoặc các bệnh lý như đái tháo đường và tăng huyết áp….
Chẩn đoán bệnh dựa trên lâm sàng, cùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI để tìm nguyên nhân.
Điều trị bao gồm thuốc, phẫu thuật hoặc các biện pháp hỗ trợ như đeo kính để giảm song thị. Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế các biến chứng.
Bên cạnh các biện pháp điều trị cơ bản, các bài tập mắt, cũng như các bài tập massage vùng mắt đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh liệt dây thần kinh số 6.
Các bài tập vận động mắt như di chuyển mắt sang hai bên, nhìn lên xuống hoặc tập trung vào các điểm ở khoảng cách khác nhau sẽ giúp kích thích cơ thẳng ngoài hoạt động tốt hơn.
Các bài tập hỗ trợ cải thiện chức năng phối hợp giữa mắt yếu và mắt lành, tăng khả năng đồng bộ khi nhìn, qua đó khắc phục hiện tượng song thị (nhìn đôi) và tăng khả năng tập trung thị giác.
Việc tập luyện đều đặn cũng giúp tăng cường khả năng phối hợp giữa hai mắt, từ đó cải thiện tầm nhìn.
Bên cạnh đó, các bài tập massage nhẹ nhàng quanh vùng mắt và thái dương có thể kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm tình trạng căng cơ và mỏi mắt, thư giãn cơ, tăng cường trao đổi chất ở khu vực xung quanh.
2. Một số bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh liệt dây thần kinh số 6
2.1. Bài tập nhìn gần và nhìn xa
- Cách thực hiện:
+ Ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên đùi, vai thả lỏng, tinh thần thoải mái.
+ Đầu cổ thẳng, mắt nhìn về phía trước.
+ Người bệnh ngồi thẳng, chọn hai điểm, một điểm cách khoảng 20-30 cm trước mắt, một điểm xa khoảng 3-5m, sau đó tiến hành chuyển ánh nhìn giữa hai điểm gần và xa. Thực hiện bài tập trong khoảng 10-15 phút.
- Tác dụng: Đây là bài tập giúp tăng khả năng phối hợp giữa hai mắt và cải thiện khả năng tập trung của hai mắt. Bài tập này kích thích cơ thẳng ngoài mắt hoạt động, hỗ trợ cải thiện khả năng đưa mắt ra ngoài.
Đồng thời việc tập luyện còn giúp làm quen với công việc chuyển đổi tiêu điểm từ gần đến xa, hỗ trợ cải thiện thị giác hiệu quả.
2. 2. Bài tập nhìn theo hình xoắn ốc
- Cách thực hiện:
+ Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên đùi, vai thả lỏng, tinh thần thoải mái.
+ Đầu cổ thẳng, mắt nhìn về phía trước.
+ Người bệnh thực hiện đảo mắt nhìn theo một hình xoắn ốc tưởng tượng từ trong ra ngoài và ngược lại. Nếu khó tưởng tượng có thể sử dụng một hình xoắn ốc để trước mặt, thực hiện bài tập trong 5-10 phút.
- Tác dụng: Đây là bài tập giúp tăng khả năng phối hợp giữa hai mắt, đồng thời kích thích hoạt động đồng đều của các cơ vận nhãn. Chuyển động theo hình xoắn ốc buộc mắt phải phối hợp nhiều hướng khác nhau, giúp kích thích cơ thẳng ngoài hoạt động. Đồng thời bài tập làm cho mắt tăng dần khả năng điều chỉnh, hỗ trợ cải thiện thị giác ở các góc nhìn khác nhau.
Bài tập đưa mắt sang hai bên tăng cường khả năng vận động mắt ra bên ngoài.
2. 3. Bài tập đưa mắt sang hai bên
- Cách thực hiện:
+ Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, tinh thần thoải mái, toàn bộ cơ thể thả lỏng.
+ Giữ yên đầu cổ, mắt nhìn về phía trước.
+ Đưa mắt nhìn sang phải hết mức có thể, rồi từ từ đưa mắt sang trái tối đa và ngược lại. Lặp lại bài tập 3 lần, rồi đưa mắt trở lại vị trí nhìn thẳng.
+ Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây và lặp lại chu trình trên 2-3 lần nữa.
- Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường khả năng vận động mắt ra bên ngoài. Chuyển động lặp đi lặp lại giúp cơ mắt thư giãn, giảm căng thẳng và kích thích tuần hoàn máu ở vùng mắt, hỗ trợ phục hồi chức năng dây thần kinh.
2.4. Đưa mắt theo ngón trỏ
- Cách thực hiện:
+ Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, tinh thần thoải mái, toàn bộ cơ thể thả lỏng.
+ Giữ yên đầu cổ, mắt nhìn về phía trước.
+ Đặt một ngón trỏ lên đầu mũi, từ từ đưa ngón trỏ hướng ra xa, mắt nhìn theo tay, rồi từ từ đưa ngón trỏ về đặt lại trên đầu mũi. Lưu ý, mắt luôn luôn nhìn theo ngón tay trỏ. Thực hiện bài tập 3 lần.
+ Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây rồi lặp lại chu trình trên 2-3 lần nữa.
- Tác dụng: Bài tập đưa mắt theo ngón trỏ này sẽ giúp người bệnh tăng cường cơ mắt, cải thiện khả năng điều chỉnh của cơ mắt, tăng cường sự linh hoạt và phối hợp hai mắt.
Massage mắt tăng cường lưu thông máu.
2.5. Bài tập massage mắt
- Cách thực hiện:
+ Ngồi thả lỏng người, nhắm hai mắt lại.
+ Dùng hai ngón tay (trỏ và giữa) đặt nhẹ lên mi mắt, sau đó nhấc lên đặt xuống luân phiên nhau như đang gõ phím đàn piano.
+ Thực hiện trong khoảng 1 - 2 phút.
- Tác dụng: Massage giúp tăng cường lưu thông máu, cung cấp nhiều dưỡng chất và oxy hơn đến vùng mắt, hỗ trợ quá trình phục hồi dây thần kinh. Các động tác xoa bóp nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các cơ xung quanh mắt, giảm cảm giác mệt mỏi và căng cơ do phải cố gắng điều chỉnh tầm nhìn.
Vị trí huyệt tình minh, toản trúc.
2.6. Bài tập day ấn huyệt vùng mắt
- Ấn huyệt tình minh:
+ Vị trí huyệt tình minh: Nằm gần khóe mắt trong, cách khóe mắt trong 0,1 thốn (1 thốn bằng bề rộng đốt khớp thứ 3 ngón tay cái, trai tay trái, gái tay phải).
+ Cách thực hiện: Người bệnh nhắm mắt, dùng ngón cái tay trái hoặc tay phải, cùng với ngón trỏ ở gốc mũi, ấn huyệt tình minh sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vừa ấn vừa day nhẹ vào huyệt. Ấn day huyệt tình minh 1-2 phút.
- Ấn huyệt toản trúc:
+ Vị trí huyệt: Huyệt nằm ở chỗ lõm phía đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong, phía trên huyệt tình minh.
+ Cách thực hiện: Dùng ngón tay giữa cả hai bên day đồng thời hai huyệt toản trúc từ nhẹ đến nặng sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Ấn day huyệt trong vòng 1-2 phút.
Vị trí huyệt thái dương.
- Day ấn huyệt thái dương
+ Vị trí huyệt: Nằm khoảng giữa của đuôi mắt và đuôi chân mày đo ra 1 thốn, ở chỗ lõm xuống.
+ Cách thực hiện: Bốn ngón tay nắm thành quyền (quả đấm). Dùng mặt hoa văn hai ngón cái ấn vào huyệt thái dương. Trước ấn từ đầu lông mày tới cuối lông mày, sau ấn dưới, từ góc trong mắt đến góc ngoài mắt. Luân chuyển trên dưới một vòng. Day ấn huyệt thái dương từ 1-2 phút.
- Tác dụng: Khi day ấn các huyệt này có tác dụng làm sáng mắt, chuyên trị các bệnh về mắt như suy giảm thị lực, viêm kết mạc mắt, mộng mắt…Ngoài ra, còn dùng điều trị liệt dây thần kinh số 6, số 7 ngoại biên gây méo miệng, mắt nhắm không kín… đồng thời còn có công dụng dưỡng gan bổ thận. Trong y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt là do can khí tích tụ, can thận âm hư gây ra.
3. Những lưu ý khi thực hiện các bài tập mắt
- Nên thực hiện các bài tập này vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
- Trong khi tập luyện cần phải giữ tinh thần thoải mái, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
- Rửa tay sạch sẽ, không chạm tay trực tiếp vào mắt khi đang mở mắt.
- Không thực hiện các bài tập khi đang có các tình trạng viêm nhiễm tại mắt như: Đau mắt đỏ, viêm kết mạc, viêm giác mạc…
- Khi thực hiện các bài tập day ấn huyệt, móng tay nên cắt ngắn, tay cần rửa sạch, ấn nắn nhẹ nhàng và chậm rãi sao cho lực thấm sâu từ nhẹ tới mạnh, cảm thấy hơi tức ở vị trí huyệt là được. Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn day các huyệt, tránh trầy xước và tổn thương da. Nên thực hiện kiên trì hằng ngày, mỗi ngày làm 1-2 lần.
BSNT. Phan Bích Hằng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-phuc-hoi-chuc-nang-cho-nguoi-liet-day-than-kinh-so-6-169241231181034492.htm