Bài tập phục hồi chức năng cho người sau hôn mê

Bài tập phục hồi chức năng cho người sau hôn mê
7 giờ trướcBài gốc
1. Vai trò của phục hồi chức năng sau hôn mê
Dù bệnh nhân tỉnh lại sau hôn mê, quá trình hồi phục không chỉ đơn thuần là "tỉnh dậy" mà còn đối mặt với hàng loạt di chứng về vận động, nhận thức, hành vi và cảm xúc. Phục hồi chức năng cho người bệnh sau hôn mê có nhiều lợi ích:
1.1. Phục hồi vận động và phòng ngừa biến chứng
Nội dung
1. Vai trò của phục hồi chức năng sau hôn mê
1.1. Phục hồi vận động và phòng ngừa biến chứng
1.2. Khôi phục chức năng nhận thức
1.3. Hỗ trợ tâm lý và điều chỉnh hành vi
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh sau hôn mê
2.1. Bài tập vật lý trị liệu ngồi trên bóng tập (Therapy Ball Exercises)
2.2. Bài tập thở sâu
2.3. Bài tập vận động thụ động (Passive Range of Motion - PROM)
2.4. Bài tập kéo giãn nhẹ nhàng
3. Lưu ý khi tập luyện
Sau thời gian dài bất động, bệnh nhân có nguy cơ cao bị teo cơ, cứng khớp, loét tỳ đè và các biến chứng hô hấp, tuần hoàn.
Phục hồi chức năng sớm - bao gồm các kỹ thuật vật lý trị liệu như vận động thụ động, tập luyện có hỗ trợ - giúp duy trì tầm vận động khớp, sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa các biến chứng.
Các bài tập vật lý trị liệu còn hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường hô hấp, từ đó nâng cao thể trạng cho người bệnh.
1.2. Khôi phục chức năng nhận thức
Nhiều bệnh nhân sau hôn mê gặp phải rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ, khó khăn trong giao tiếp và xử lý thông tin. Các chương trình phục hồi chức năng nhận thức nhằm cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung, giải quyết vấn đề và giao tiếp.
1.3. Hỗ trợ tâm lý và điều chỉnh hành vi
Hôn mê và quá trình hồi phục sau đó có thể gây rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, hoặc thay đổi nhân cách. Hỗ trợ tâm lý, tư vấn và trị liệu hành vi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân và gia đình thích ứng với thực tế mới. Việc đánh giá và can thiệp sớm hỗ trợ ngăn ngừa các vấn đề tâm thần kéo dài, đồng thời cải thiện động lực phục hồi.
Gia đình không chỉ là nguồn hỗ trợ tinh thần mà còn đóng vai trò tích cực trong các chương trình phục hồi chức năng. Việc đào tạo, hướng dẫn người thân cách chăm sóc, vận động, giao tiếp và hỗ trợ bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày là một phần thiết yếu của quá trình phục hồi.
Phục hồi chức năng sau hôn mê không đơn thuần là quá trình y học, mà còn là hành trình tái thiết lập lại cuộc sống cho bệnh nhân. Một chương trình phục hồi bài bản, toàn diện và cá nhân hóa sẽ giúp tối ưu hóa khả năng hồi phục, giảm thiểu di chứng và nâng cao chất lượng sống.
Các chuyên gia khuyến cáo, phục hồi chức năng nên được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay từ khi bệnh nhân còn nằm viện và tiếp tục lâu dài tại cộng đồng.
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh sau hôn mê
2.1. Bài tập vật lý trị liệu ngồi trên bóng tập (Therapy Ball Exercises)
Bài tập ngồi trên bóng tập giúp rèn luyện khả năng phối hợp giữa các nhóm cơ và hệ thần kinh.
- Cách thực hiện:
Đặt bệnh nhân ngồi lên bóng, hai chân đặt trên sàn, người chăm sóc đứng phía sau để hỗ trợ.
Nhẹ nhàng đung đưa bóng từ trước ra sau, từ bên này sang bên kia để kích thích sự cân bằng.
Người chăm sóc nên giữ tay ở hông bệnh nhân để hỗ trợ duy trì thăng bằng.
Thực hiện động tác trong 3-5 phút, tùy thuộc vào khả năng của bệnh nhân.
Điều chỉnh lực đung đưa bóng nhẹ nhàng, không quá mạnh.
- Tác dụng: Khi ngồi trên bóng tập, cơ thể phải liên tục điều chỉnh để duy trì thăng bằng, bài tập này giúp rèn luyện khả năng phối hợp giữa các nhóm cơ và hệ thần kinh. Bóng tập hỗ trợ kích thích sự phát triển của các giác quan và hệ thần kinh thông qua việc cảm nhận áp lực, thăng bằng và cử động. Từ đó, cải thiện khả năng thăng bằng và kiểm soát cơ thể, chuẩn bị cho giai đoạn tập đứng và đi.
2.2.Bài tập thở sâu
- Cách thực hiện:
Đặt bệnh nhân nằm ngửa hoặc ngồi thoải mái trong một không gian yên tĩnh, có thể sử dụng gối để hỗ trợ vùng lưng và cổ để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.
Khuyến khích bệnh nhân thư giãn toàn bộ cơ thể trước khi bắt đầu bài tập.
Hướng dẫn bệnh nhân hít vào qua mũi thật sâu, đồng thời cảm nhận sự phồng lên của vùng bụng hoặc ngực.
Hít vào trong khoảng 3-4 giây, đảm bảo luồng không khí đi sâu vào phổi.
Sau khi hít vào, bệnh nhân nên giữ hơi thở trong khoảng 2-3 giây, giúp phổi có thời gian tối ưu để trao đổi oxy.
Hướng dẫn bệnh nhân thở ra từ từ qua miệng, thả lỏng toàn bộ cơ thể. Thở ra trong khoảng 4-5 giây, giúp thải hết khí carbon dioxide ra ngoài.
Thực hiện bài tập thở sâu từ 5-10 lần, đảm bảo bệnh nhân thở đều và không quá sức.
- Tác dụng: Bài tập thở sâu giúp làm giãn nở phổi và tăng cường khả năng trao đổi khí. Đối với bệnh nhân nằm lâu, nguy cơ ứ đọng dịch trong phổi có thể cao hơn, dẫn đến viêm phổi. Bài tập thở sâu giúp mở rộng các phế nang, ngăn ngừa sự tích tụ chất nhầy, giảm nguy cơ viêm phổi. Điều này đặc biệt quan trọng với người bệnh sau hôn mê, khi họ có thể gặp khó khăn trong việc thở sâu hoặc duy trì chức năng hô hấp bình thường.
2.3. Bài tập vận động thụ động (Passive Range of Motion - PROM)
- Cách thực hiện:
Nhẹ nhàng di chuyển các khớp tay, chân của bệnh nhân qua các hướng khác nhau như gập, duỗi, xoay khớp mà không cần bệnh nhân thực hiện động tác.
Thực hiện trong 5-10 phút mỗi ngày, mỗi khớp di chuyển 10-15 lần.
- Tác dụng: Giúp duy trì và cải thiện độ linh hoạt của khớp, ngăn ngừa cứng khớp, co rút và teo cơ do không vận động; đồng thời góp phần cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ loét do nằm lâu.
Bài tập vận động thụ động Giúp duy trì và cải thiện độ linh hoạt của khớp ở người bệnh sau hôn mê.
2.4. Bài tập kéo giãn nhẹ nhàng
- Cách thực hiện:
+ Kéo giãn chân:
Bước 1: Người chăm sóc nhẹ nhàng nâng một chân của bệnh nhân lên từ từ, giữ đầu gối thẳng và nâng đến khi cảm thấy có độ căng nhẹ ở cơ chân.
Bước 2: Giữ vị trí kéo giãn trong khoảng 10-20 giây.
Bước 3: Hạ chân xuống từ từ và lặp lại cho chân còn lại. Thực hiện động tác này 2-3 lần cho mỗi chân, với áp lực nhẹ nhàng để không gây đau.
+ Kéo giãn tay:
Bước 1: Nắm nhẹ cổ tay của bệnh nhân và từ từ kéo tay về phía trên đầu, giữ thẳng cánh tay.
Bước 2: Khi tay được nâng cao, giữ vị trí này trong 10-20 giây.
Bước 3: Từ từ đưa tay về vị trí ban đầu và lặp lại với tay kia, tránh kéo quá mạnh để không làm tổn thương khớp vai và khuỷu tay.
+ Kéo giãn cổ
Bước 1: Nhẹ nhàng xoay đầu của bệnh nhân sang một bên cho đến khi cảm thấy sự căng nhẹ ở vùng cổ.
Bước 2: Giữ vị trí này trong 10 giây, sau đó từ từ đưa đầu về vị trí trung tâm.
Bước 3: Lặp lại cho phía đối diện, thực hiện từ 2-3 lần cho mỗi bên. Thực hiện động tác này rất nhẹ nhàng vì vùng cổ dễ bị tổn thương.
- Tác dụng: Các bài tập kéo giãn giúp ngăn ngừa cứng khớp, đặc biệt ở người bệnh hôn mê ít vận động hoặc nằm nhiều. Điều này hỗ trợ duy trì sự linh hoạt của khớp và cơ, ngăn ngừa teo cơ. Đối với những bệnh nhân hôn mê thường gặp đau nhức cơ bắp hoặc cứng khớp sau hôn mê, việc kéo giãn cơ thể giúp giảm các cơn đau liên quan đến căng cơ và cứng khớp.
Bài tập kéo giãn cổ giúp ngăn ngừa cứng khớp ở bệnh nhân sau hôn mê.
3. Lưu ý khi tập luyện
- Phục hồi chức năng nên bắt đầu càng sớm càng tốt (khi bệnh nhân còn nằm viện) để hạn chế teo cơ, loét tỳ đè. Tuy nhiên, phải tùy vào mức độ tỉnh táo, hợp tác và khả năng chịu đựng của bệnh nhân. Không được tập gắng sức khi bệnh nhân chưa sẵn sàng.
- Mỗi bệnh nhân cần có chương trình phục hồi cá nhân hóa, tùy theo mức độ tổn thương thần kinh, thể trạng và tiến trình phục hồi.
- Cần theo dõi sát các dấu hiệu bất thường như đau tăng, co cứng mạnh, mệt mỏi, thay đổi tri giác trong quá trình tập.
- Các bài tập phải được tăng dần độ khó, tuyệt đối không vội vàng. Ban đầu chỉ thực hiện các vận động thụ động nhẹ nhàng, sau đó mới tiến tới vận động chủ động có hỗ trợ, rồi chủ động hoàn toàn.
- Cố định tốt giường, xe lăn, thiết bị hỗ trợ trong quá trình tập. Luôn có người giám sát khi bệnh nhân ngồi, đứng dậy hoặc đi tập để phòng ngừa té ngã. Khi tập thăng bằng hoặc tập đứng, nên có dây đai an toàn.
- Phục hồi sau hôn mê thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, cần kiên trì, không nóng vội và điều chỉnh kế hoạch tập theo tiến triển thực tế của bệnh nhân.
- Các bài tập cần được thực hiện bởi kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc dưới sự giám sát của họ. Người nhà tuyệt đối không tự tập cho bệnh nhân, bởi nếu tập sai có thể gây tổn thương cho bệnh nhân.
BSNT. Phan Bích Hằng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-phuc-hoi-chuc-nang-cho-nguoi-sau-hon-me-169250429091026219.htm