Bài thơ 'Khúc ru quê' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

Bài thơ 'Khúc ru quê' vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn
5 giờ trướcBài gốc
Khúc ru quê. Minh họa: VP
Bàn về thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Hưng viết: "Khi nhà thơ thành thực đi đến tận lòng mình thì sẽ gặp trái tim nhân loại sẽ chạm tới nỗi lòng của bao người. Dường như thơ càng "riêng" thì lại càng dễ thành "của chung". (Lê Quang Hưng, Những quan niệm những thế giới nghệ thuật văn chương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 63).
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ "Khúc ru quê" (Vũ Tuấn).
KHÚC RU QUÊ
Con trở về tìm lại tiếng ru
Tiếng ầu ơ, những trưa hè mẹ hát
Tiếng mưa rơi trong những ngày giáp hạt
Đêm cồn cào, khắc khoải mãi trong con...
Con trở về, tìm kí ức dòng sông
Bến đò vắng, có thân cò lặn lội
Trong tim con, khúc ru quê mãi đợi
Dù đục trong, vẫn dòng nước ngọt ngào.
Cho con về! Về lại với trăng sao
Ở nơi ấy, những cánh đồng khắc khổ
Đêm mênh mông, dáng cha gầy bé nhỏ
Để quê nghèo hóa muối mặn gừng cay
Con trở về nơi khóe mắt nồng cay
Tuổi thơ con nướng lùi nơi gốc rạ
Để xa quê, mới hiểu quê vất vả
Thổn thức về, tìm lại khúc ru quê.
(Vũ Tuấn, "Khúc ru quê", Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam)
Gợi ý đáp án
* Giải thích, bàn luận ý kiến:
- "Thành thực đi đến tận lòng mình": là việc nhà thơ dũng cảm bộc lộ những xúc cảm sâu kín nhất, viết nên những điều xuất phát từ chính trái tim, trải nghiệm, và sự rung động của cá nhân.
- "Gặp trái tim nhân loại": Khi cảm xúc cá nhân được biểu đạt chân thực, chúng có khả năng chạm tới tâm hồn của nhiều người, bởi những nỗi niềm riêng trong thơ thường phản chiếu những giá trị phổ quát của con người.
- "Thơ càng "riêng" thì lại càng dễ thành "của chung": Thơ ca đậm chất cá nhân, dù viết về những điều rất riêng tư, lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, bởi nó khơi gợi những cảm xúc, ký ức tương đồng trong người đọc.
* Bàn luận:
- Ý kiến trên đúng đắn, bởi sức mạnh của thơ ca không chỉ nằm ở hình thức ngôn từ mà ở khả năng kết nối cảm xúc, biến trải nghiệm của một cá nhân thành tiếng lòng của cả cộng đồng.
- Những tác phẩm thơ giàu tính cá nhân nhưng chân thật và sâu sắc thường mang sức sống lâu bền, vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian.
* Chứng minh:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Luận điểm 1: Bài thơ "Khúc ru quê" của nhà thơ Vũ Tuấn đã bộc lộ tình cảm sâu kín với quê hương một cách chân thật, chạm tới tâm hồn của nhiều người.
+ Tình cảm sâu kín với quê hương: Bài thơ là tiếng lòng da diết của người con xa quê, mong muốn tìm lại những ký ức tuổi thơ qua hình ảnh "tiếng ru", "tiếng mưa", "bến đò vắng", "dáng cha gầy". Những hình ảnh này không chỉ phản ánh nỗi nhớ quê hương mà còn khắc họa sự gắn bó thiêng liêng giữa tác giả với nơi chôn rau cắt rốn.
+ "Con trở về tìm lại tiếng ru/ Tiếng ầu ơ, những trưa hè mẹ hát". Những câu thơ như lời thổn thức, tâm sự của một người con xa xứ, khắc khoải tìm về tiếng hát ru thân thuộc, tiếng lòng của người mẹ.
+ Sự chân thật trong cảm xúc cá nhân: Tác giả không cố làm cho cảm xúc trở nên phức tạp hay cầu kỳ mà để mọi thứ tuôn chảy tự nhiên, giản dị và gần gũi.
+ Hình ảnh quê hương hiện lên qua những chi tiết nhỏ nhặt nhưng giàu ý nghĩa: tiếng mưa rơi trong những ngày giáp hạt, dáng cha gầy, những cánh đồng khắc khổ.
+ "Cho con về! Về lại với trăng sao/ Ở nơi ấy, những cánh đồng khắc khổ". Những ký ức này không chỉ phản ánh cuộc sống quê nghèo mà còn chứa đựng tình yêu sâu sắc dành cho gia đình, quê hương.
+ Chạm tới tâm hồn của nhiều người: Những hình ảnh và cảm xúc chân thành ấy gợi lên ký ức quê hương trong lòng mỗi người đọc. Đó có thể là một tiếng ru quen thuộc, một dòng sông tuổi thơ hay bóng dáng tảo tần của mẹ cha.
- Luận điểm 2: Bài thơ "Khúc ru quê" dù viết về những ký ức và cảm xúc rất riêng tư, nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi gợi ký ức và cảm xúc chung nơi người đọc.
+ Ký ức và cảm xúc riêng tư: Tác giả viết về những điều gắn liền với riêng mình: giọng ru của mẹ, tiếng mưa ngày giáp hạt, bến đò quê, dáng cha tảo tần. Những hình ảnh ấy mang dấu ấn cá nhân sâu sắc, phản ánh cuộc sống và ký ức của tác giả.
+ "Con trở về, tìm kí ức dòng sông/ Bến đò vắng, có thân cò lặn lội". Dòng sông quê nhà, bóng dáng thân cò không chỉ là ký ức của riêng tác giả mà còn phản ánh bức tranh chung về quê hương Việt Nam.
+ Sức lan tỏa mạnh mẽ: Những điều "riêng" của tác giả lại chứa đựng những giá trị phổ quát, gợi lên cảm xúc quen thuộc trong lòng người đọc. Dù mỗi người có một quê hương khác nhau, nhưng tình cảm đối với quê hương, gia đình đều là sợi dây kết nối chung.
+ Hình ảnh "tiếng ru", "dáng cha", "cánh đồng khắc khổ" dễ dàng gợi lên ký ức tuổi thơ và lòng yêu quê hương ở bất kỳ ai.
+ "Để xa quê, mới hiểu quê vất vả/ Thổn thức về, tìm lại khúc ru quê". Nỗi nhớ và khát vọng trở về ấy không chỉ của riêng tác giả mà còn là nỗi niềm chung của những người con xa quê.
+ Tính "riêng" trở thành "của chung": Qua những chi tiết và cảm xúc cụ thể, tác giả đã biến nỗi lòng cá nhân thành tiếng lòng chung, tạo nên sự đồng cảm và lan tỏa trong lòng độc giả.
- Luận điểm 3: Bài thơ "Khúc ru quê" đã bộc lộ tình cảm sâu sắc và chân thật qua việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật giàu hình tượng và nhịp điệu.
+ Hình ảnh giàu sức gợi: Tác giả sử dụng hình ảnh giản dị nhưng thấm đượm tình cảm: "tiếng ru mẹ hát", "bến đò vắng", "thân cò lặn lội", "gốc rạ tuổi thơ"... Những hình ảnh này không chỉ miêu tả quê hương mà còn khơi dậy cảm xúc sâu sắc về tình yêu quê; Hình ảnh "quê nghèo hóa muối mặn gừng cay" mang tính biểu tượng cao, vừa gợi lên sự nhọc nhằn, vừa thể hiện sự gắn bó và yêu thương.
+ Biện pháp đối lập: Đối lập giữa "đục" và "trong" trong câu "Dù đục trong, vẫn dòng nước ngọt ngào". Biện pháp này làm nổi bật vẻ đẹp bền chặt, thủy chung của quê hương dù hoàn cảnh có khó khăn, vất vả.
+ Biện pháp điệp ngữ "con trở về" và "tìm" trong bài thơ gợi lên cảm giác thổn thức, da diết của tác giả – một người con xa quê đang khát khao trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Điệp ngữ "con trở về" và "tìm" không chỉ làm nổi bật nỗi nhớ quê hương sâu sắc của tác giả mà còn tạo nhịp điệu và sức lan tỏa cảm xúc mạnh mẽ trong bài thơ. Qua đó, người đọc dễ dàng cảm nhận được tiếng lòng chân thành và niềm khắc khoải muôn đời của những người con xa quê.
+ Nhịp điệu trữ tình: Nhịp thơ chậm rãi, hòa quyện giữa các cung bậc cảm xúc: nhớ nhung, day dứt, khắc khoải. Nhịp thơ như một khúc ru nhẹ nhàng, êm đềm, gợi nhắc về những ký ức tuổi thơ. "Con trở về nơi khóe mắt nồng cay/ Tuổi thơ con nướng lùi nơi gốc rạ".
+ Tác giả sử dụng các từ ngữ giản dị, gần gũi, tạo nên sự chân thật và dễ dàng chạm tới trái tim người đọc.
* Đánh giá, mở rộng
- Ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Hưng hoàn toàn đúng đắn, khẳng định vai trò của cảm xúc cá nhân trong sáng tác thơ ca. Thơ chỉ thực sự chạm tới trái tim người đọc khi được viết bằng những rung cảm chân thật nhất của người viết.
- Bài học cho người sáng tác và tiếp nhận:
+ Với người sáng tác: Nhà thơ cần dũng cảm bộc lộ cảm xúc riêng tư, chân thực, không chạy theo hình thức hay xu hướng.
+ Với người tiếp nhận: Đọc thơ bằng sự đồng cảm, biết trân trọng cảm xúc cá nhân của tác giả để từ đó tìm thấy những giá trị chung cho tâm hồn.
=> Câu nói của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Hưng và bài thơ "Khúc ru quê" của Vũ Tuấn cùng khẳng định rằng thơ ca chân thật, xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến những tầng sâu cảm xúc của người đọc, làm giàu tâm hồn và kết nối cộng đồng qua những giá trị nhân văn sâu sắc.
(Thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh (Thanh Hóa) gợi ý đáp án câu nghị luận văn học)
Phan Thế Hoài
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-khuc-ru-que-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-179250111151214617.htm