Hiện nay, toán học bậc tiểu học được các thầy cô giáo lồng ghép thêm các dạng đề bài dạng đánh đố nhằm kích thích tư duy phân tích, logic của học trò. Cũng chính vì vậy, nhiều bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không đọc kỳ đề, nhiều em học sinh đã đưa đáp án sai. Thậm chí, các phụ huynh cũng phải "bó tay" trước các bài toán tiểu học này.
Trước đó, chị Hồ (38 tuổi, ở Giang Tô, Trung Quốc) cũng từng thắc mắc về bài toán lớp 4 của con trai. Theo đó, đề bài toán này như sau: "Có 40 trẻ em phải vượt sông bằng cách đi thuyền. Mỗi lần thuyền có thể chở được 5 người. Vậy hỏi tổng cộng mọi người phải đi mấy lượt thuyền để tất cả trẻ em đều qua được sông?".
Trước những dữ liệu đã cho, con trai chị thực hiện phép tính: "40:5=8". Tuy nhiên, cô giáo đã chấm bài toán này bị sai.
Bài toán với phép tính '40:5=8' bị cô giáo chấm sai
Vừa khó hiểu vừa tức giận, chị liên lạc trực tiếp với cô giáo để hỏi xem cô đã chấm bài kiểu gì. Ngay lập tức, cô giáo giải thích rằng, bài toán này là bài toán mẹo, nhằm kiểm tra khả năng liên hệ với thực tế của học trò để suy luận và tìm ra cái “bẫy” trong đề bài.
Đáp án đúng phải là: Vì trên thuyền cần chừa lại một vị trí cho người lái đò nên mỗi lần chỉ có thể chở 4 trẻ em, chúng ta phải lấy 40 : 4 = 10. Như vậy, phải cần 10 lượt thuyền mới có thể đưa được toàn bộ 40 em học sinh qua sông, không phải 8 lượt như mọi người nghĩ.
Sau khi được giáo viên giải thích, chị Hồ chỉ biết im lặng và có chút xấu hổ vì chưa suy nghĩ kỹ về bài toán đã vội nghi giáo viên chấm sai.
Phương Linh