Mới đây, một ông bố ở Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến dân mạng bàn tán xôn xao khi chia sẻ bài toán tiểu học của con gái mình lên Threads. Kèm theo đó là câu hỏi đầy thắc mắc: "Con tôi làm đúng mà cô giáo vẫn sửa, là sao nhỉ?".
Câu chuyện bắt đầu từ một bài tập đơn giản: “Trên sườn đồi có 7 con bò. Vậy tổng số chân của chúng là bao nhiêu?”. Cô bé đã tính đúng: 7 con bò × 4 chân = 28 chân. Tuy nhiên, điều gây khó hiểu là giáo viên đã đánh dấu sai và yêu cầu đổi lại thành 4×7 = 28.
Học trò đưa ra phép tính "7x4=28" bị chấm sai, cô giáo đưa ra đáp án đúng là: 4x7=28.
Việc này khiến ông bố hoang mang và đăng tải để xin ý kiến cư dân mạng, không ngờ lại làm bùng lên một cuộc tranh cãi lớn. Một bộ phận cho rằng giáo viên làm vậy là có lý do, bởi theo họ, việc đặt thứ tự đúng trong phép nhân phản ánh cách tư duy logic:
Đề bài hỏi về “bao nhiêu cái chân”, vậy phải lấy số chân mỗi con (4) nhân với số lượng bò (7). Tức là: đơn vị (chân) × số lượng (bò) = tổng số chân.
Dù phép nhân có tính chất giao hoán, nhưng trong thực tế giảng dạy, cách sắp xếp thứ tự lại mang giá trị truyền đạt khác nhau. 4×7 giúp học sinh hiểu rõ hơn bản chất đơn vị cần tìm.
Nhiều người còn gợi ý mẹo để trẻ không nhầm lẫn:
Hãy đưa cái cố định lên trước. 4 chân là đặc điểm cố định của mỗi con bò, nên nên viết 4×7.
Tuy vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng cách sửa của cô giáo là không cần thiết, nhất là với học sinh tiểu học. Miễn là học sinh hiểu được bản chất phép toán và cho ra kết quả đúng thì cả 7×4 hay 4×7 đều chấp nhận được, vì bản thân phép nhân vốn dĩ có thể đổi vị trí các thừa số.
Phụ huynh cần nhìn thấy gì đằng sau bài toán gây tranh cãi này?
Từ câu chuyện “7 con bò có bao nhiêu cái chân”, điều khiến người lớn nên suy ngẫm không nằm ở kết quả đúng hay sai, mà ở cách tiếp cận và khuyến khích tư duy của trẻ.
Khi một bài toán đơn giản lại gây tranh cãi vì thứ tự phép nhân, chúng ta thấy rõ: đôi khi người lớn quá coi trọng khuôn mẫu, mà quên rằng mục tiêu của việc học không phải là học thuộc, mà là hiểu bản chất.
Trẻ đã tư duy đúng, giải đúng thì thay vì bắt bẻ hình thức, người lớn nên khen ngợi quá trình suy nghĩ logic ấy. Học toán tư duy nghĩa là dạy trẻ lý do đằng sau mỗi phép tính, chứ không phải ép trẻ ghi nhớ thứ tự rập khuôn.
Tôn trọng cách nghĩ độc lập của con trẻ, đó mới là khởi đầu đúng đắn cho một tư duy linh hoạt và sáng tạo sau này.
Yến Nguyễn