'Bài toán khó' mang tên 'an toàn thực phẩm'

'Bài toán khó' mang tên 'an toàn thực phẩm'
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh: minh họa
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng tháng 1/2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và thu giữ hơn 50 tấn thực phẩm bẩn, trong đó, điển hình là vụ 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh bao gồm tràng lợn, kê gà bị phát hiện trong tình trạng không đầy đủ giấy tờ hợp pháp xảy ra tại Hà Nội. Tương tự, tại Huế, cơ quan chức năng đã thu giữ 1,8 tấn thịt gia cầm đã hỏng, bốc mùi hôi thối...
Những vụ việc này không chỉ làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc ở quy mô không nhỏ. Báo cáo từ Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024, đã có 354.820 cơ sở được kiểm tra, trong đó, 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ vi phạm, tăng gần 88% so với năm trước, với 97 bị can, tăng hơn 185%.
Thực tế có thấy, tình trạng thực phẩm không an toàn phần lớn xuất phát từ lỗ hổng trong hệ thống giám sát. Thực phẩm hiện nay được luân chuyển qua nhiều khâu trung gian, khiến việc kiểm soát nguồn gốc trở nên khó khăn. Ở các vùng nông thôn, nơi tự cung ứng phần lớn nguồn thực phẩm, công tác thanh tra còn rất hạn chế và ít khi được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý tại một số địa phương đã tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm. Theo thống kê, tỷ lệ kiểm tra định kỳ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chỉ đạt khoảng 30%, trong khi phần lớn các cơ sở này không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ khi xảy ra ngộ độc hoặc bị truyền thông “đạt đỉnh”, cơ quan chức năng mới bắt đầu xử lý.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân ngắn hạn dẫn đến ngộ độc thực phẩm là các vấn đề như lưu trữ sai cách, bảo quản không đúng quy định và sử dụng hóa chất độc hại. Điều này gây ra tình trạng nguy kịch như suy gan, suy thận. Về lâu dài, thực phẩm bẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh mãn tính như ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều thế hệ.
Trước tình hình báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm, một loạt giải pháp đã được đề xuất: Truyền thông về an toàn thực phẩm cần được triển khai rộng rãi hơn, nhất là ở vùng nông thôn, nơi thiếu thông tin và kiến thức về các tiêu chuẩn an toàn. Các địa phương phải được giao rõ trách nhiệm và kiên quyết trong xử phạt. Tham khảo các nước phát triển về mức phạt nghiêm khắc, như xử lý hình sự với những vi phạm nghiêm trọng, là cần thiết để tạo tác động răn đe. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, bổ sung các quy định cụ thể về kiểm soát giết mổ, phân phối thực phẩm và đảm bảo thực thi nghiêm minh...
An toàn thực phẩm không chỉ là mối quan ngại trước mắt, mà còn là bài toán cho tương lai. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng cường thanh tra giám sát và hoàn thiện cơ chế pháp lý sẽ là chìa khóa giải quyết tình trạng nghiêm trọng này. Với các biện pháp đồng bộ, hy vọng rằng “bài toán khó” về thực phẩm bẩn sẽ dần được kiểm soát, mang lại sự an tâm cho người dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/bai-toan-kho-mang-ten-an-toan-thuc-pham-post486163.html