Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo Paris (AI) (hay còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh AI Paris) 2025, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng tổ chức, đã quy tụ nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các ông trùm công nghệ tại thủ đô nước Pháp trong tuần này.
Hội nghị có sự góp mặt của người đứng đầu các công ty AI lớn nhất của Mỹ như Sam Altman (OpenAI), Dario Amodei (Anthropic) và Demis Hassabis (Google DeepMind), cùng các học giả và nhóm xã hội dân sự. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện trong ngày 11/2.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và các lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh AI Paris 2025. Ảnh: Twitter/Narendra Modi
Khi sự “thức tỉnh” gặp rào cản pháp lý
Một trong những điểm nổi bật tại hội nghị năm nay là sự thay đổi trong cách tiếp cận của châu Âu về các quy định liên quan đến AI. Mặc dù là khu vực đi đầu trong việc ban hành các luật nghiêm ngặt về quyền riêng tư dữ liệu và mạng xã hội, châu Âu dường như đang xem xét lại lập trường của mình.
Tổng thống Emmanuel Macron, người vừa công bố khoản đầu tư tư nhân trị giá 112,5 tỷ USD vào hệ sinh thái AI của Pháp, tỏ ra đặc biệt lo ngại về nguy cơ tụt hậu và phản đối các quy định "trừng phạt" có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của Pháp trong các lĩnh vực công nghệ. Ông nhấn mạnh hội nghị không chỉ là dịp để công bố các khoản đầu tư vào Pháp, mà còn là "lời thức tỉnh” cho một chiến lược toàn cầu về phát triển AI một cách bền vững và an toàn, đảm bảo nó sẽ phục vụ cho lợi ích của con người và hành tinh.
Lãnh đạo các hãng công nghệ đều đánh giá cao nỗ lực thay đổi của tổng thống Pháp. Tuy nhiên, họ vẫn bày tỏ quan ngại về việc Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU), gồm nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển và sử dụng AI trong khối, dự kiến sẽ có hiệu lực theo từng giai đoạn trong năm tới.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance là một trong những người công khai bày tỏ quan ngại đối với Đạo luật AI của EU. Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Vance phản đối cách quản lý chặt chẽ của châu Âu đối với AI, gọi đó là "sự kiểm duyệt theo kiểu độc tài". Ông cũng cảnh báo "quy định quá mức" đối với AI có thể làm giảm tốc độ phát triển của ngành công nghệ đầy tiềm năng này.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh AI Paris 2025. Ảnh: Twitter/Cat Zakrzewski
Một số giám đốc điều hành các công ty AI của Mỹ tiết lộ với báo New York Times rằng họ vẫn xem châu Âu là một môi trường khó kinh doanh nếu so với các thị trường lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ, nơi những quy định về AI tương đối lỏng lẻo hơn.
Gian nan tìm “dây an toàn” cho “siêu xe AI”
Khác với 2 hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu trước đó ở Anh và Hàn Quốc, sự kiện tại Paris năm nay mang một bầu không khí lạc quan hơn về tiềm năng của công nghệ này. Thay vì tập trung vào các rủi ro và tác hại tiềm ẩn, các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh khả năng của AI trong việc thúc đẩy tiến bộ trong y học và khoa học khí hậu.
DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc, trở thành tâm điểm chú ý tại hội nghị với mô hình AI hiệu suất mạnh mẽ được xây dựng với chi phí thấp hơn nhiều so với các đối thủ từ Mỹ. Thành công của DeepSeek đã mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp AI nhỏ hơn ở châu Âu và nhiều nơi khác, chứng minh rằng việc bắt kịp các công nghệ AI tiên tiến chỉ cần vài chục triệu thay vì hàng trăm tỷ USD.
"DeepSeek đã chứng minh rằng tất cả các quốc gia đều có thể tham gia vào AI, điều trước đó chưa hề rõ ràng", Clément Delangue, giám đốc điều hành công ty phát triển AI Hugging Face của Pháp, chia sẻ với báo New York Times. “Giờ đây, toàn thế giới đang phải nỗ lực để bắt kịp nó."
Toàn cảnh không gian tại Hội nghị thượng đỉnh AI Paris. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, một điểm đáng lo ngại là khoảng cách giữa tốc độ phát triển của AI và khả năng điều chỉnh chính sách của con người đối với công nghệ này. Lãnh đạo các “ông lớn” về AI như Demis Hassabis dự đoán AI tổng quát (AGI) có thể xuất hiện trong vòng 5 năm, thậm chí một số người cho rằng còn sớm hơn. Dù vậy, các cuộc thảo luận chính sách vẫn thiếu tính cấp bách tương xứng với tốc độ phát triển này.
Điều đó tạo ra một tình huống khó xử: trong khi công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, các quy định đang được xây dựng có thể đã lỗi thời ngay ở thời điểm ban hành. Như báo New York Times nhận xét, tình huống này giống như "các nhà hoạch định chính sách cưỡi ngựa cố gắng lắp dây an toàn cho một chiếc Lamborghini đang lăn bánh".
Hội nghị thượng đỉnh AI Paris 2025 phản ánh rõ nét những thách thức trong việc cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới và đảm bảo an toàn trong lĩnh vực AI, đồng thời cho thấy sự cần thiết của một khuôn khổ quản lý linh hoạt và hiệu quả hơn để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ này.
Một điều quan trọng không kém, theo Giám đốc Demis Hassabis của Google DeepMinds, là các quy định phải mang tính quốc tế. Do AI sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, sự hợp tác mang tính quốc tế xung quanh vấn đề này là một nhu cầu cấp bách.
“Đó là lý do tại sao những sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh AI Paris 2025 đóng vai trò rất quan trọng”, ông Hassabis nhấn mạnh.
Việt Anh