Chính sách chuyển đổi xanh mạnh mẽ
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm.
Theo đó, thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Các loại xe xăng truyền thống đang đứng trước bài toán buộc phải chuyển đổi.
Ngay sau Hà Nội, TP.HCM cũng công bố kế hoạch chuyển đổi xanh từ xe xăng sang xe điện, bắt đầu với xe buýt và shipper, tài xế công nghệ.
Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM đã đề xuất lộ trình chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 và chia thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn 1, từ năm 2026 đến 2027, dự kiến khoảng 80% số tài xế - tương đương 320.000 xe sẽ hoàn tất chuyển đổi sang xe điện. Giai đoạn tiếp theo, trong năm 2028 tiếp tục chuyển đổi nốt 20% xe còn lại. Tới năm 2029, TPHCM sẽ cấm hoàn toàn xe máy xăng hai bánh tham gia vận tải công nghệ trên địa bàn.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại Glasgow, Anh, tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.
Từ sau COP26 và COP27, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động và sáng kiến cụ thể với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã triển khai thực hiện cam kết.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động: Chiến lược phát triển giao thông xanh hướng tới tăng trưởng xanh của nước ta đã được Chính phủ định hướng tại các Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 44/CT-TTg năm 2024 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050…
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Trước những chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh mạnh mẽ, sắp có hiệu lực, thị trường xe xăng Việt Nam đang đứng trước một thử thách rất lớn.
Tác động sâu rộng
VinFast hiện là đầu tàu xe điện tại thị trường Việt.
Hiện tại thị trường Việt, phần lớn doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu các loại phương tiện vẫn chủ yếu là xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong những năm gần đây, doanh số thị trường đã bước đầu có những thay đổi ở cả thị trường xe máy và ô tô khi VinFast nổi lên là đầu tàu với những chiến lược thúc đẩy thị trường mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhập khẩu từ một số quốc gia khác cũng đưa vào thị trường Việt những sản phẩm xe điện khá đa dạng ở nhiều phân khúc, nhưng thực tế xe sử dụng năng lượng hóa thạch vẫn chiếm ưu thế.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong năm 2024, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt 340.142 xe, tăng 12,6% so với năm 2023.
Nếu tính tổng doanh số công bố riêng của TC Motor và VinFast, thị trường ô tô Việt Nam đã tiêu thụ 494.310 chiếc trong năm. Trong đó, đáng chú ý là VinFast lập kỷ lục doanh số đạt hơn 87.000 xe điện trong năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 tổng doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc VAMA đạt 163.021 xe, tăng 28.137 xe tương đương 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Với doanh số công bố riêng, VinFast đã bán ra xe ô tô điện trong nước từ đầu năm 2025 lên 67.569 xe. Trong khi đó, nhiều hãng xe nhập khẩu khác có các sản phẩm xe điện không công bố doanh số.
Ở mảng xe máy, báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) năm 2023 chỉ ra nhu cầu xe máy xăng suy giảm mạnh. 5 thành viên VAMM là Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM chỉ đạt tổng doanh số bán 2.561.212 xe trong năm 2023. Bước sang năm 2024, doanh số xe máy của VAAM là 2,65 triệu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (trước đây), tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 75 triệu xe máy lưu hành, trong đó có gần 73 triệu xe máy xăng và hơn 2 triệu xe máy điện.
Từ các số liệu thống kê gần nhất có thể thấy, sản lượng xe xăng (cả xe máy và ô tô) vẫn đang tăng trưởng đều đặn những năm qua, trong khi các loại xe điện cũng đã có tăng trưởng rõ rệt trong khoảng từ 2023 – 2024 nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ khá nhỏ.
Tuy nhiên, với các chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh các phương tiện, các loại xe điện sẽ bật tăng thời gian tới. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp xe xăng sẽ buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để thích nghi hoặc mất thị phần và rút khỏi thị trường.
Ở thị trường xe máy truyền thống sử dụng năng lượng hóa thạch, các hãng xe như Honda, Yamaha, Suzuki… sẽ buộc phải chuyển dịch chiến lược sản phẩm sang xe điện. Các hãng này thực tế có tung ra thị trường một vài sản phẩm xe điện nhưng không đáng kể. Việc chuyển đổi là không hề dễ dàng vì thị trường đang chuyển dịch rất nhanh và trong thời gian ngắn các chính sách mới sẽ có hiệu lực. Trong khi đó, các hãng xe máy truyền thống dường như đang “chậm chân” trước những đối thủ đã đầu tư sớm vào xe điện như VinFast, Dat Bike, Yadea, Selex Motors…
Thị trường ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch cũng đối mặt với việc phải chuyển đổi thời gian tới trong xu thế xanh hóa tại Việt Nam đang được cụ thể hóa bằng các chính sách thắt chặt.
Ở thị trường ô tô, những loại xe sử dụng năng lượng hóa thạch cũng sẽ buộc phải tìm ra con đường chuyển đổi theo những chính sách mới. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan thị trường ô tô Việt có thể nhận thấy ngoài VinFast với 100% các sản phẩm là điện khí hóa, các hãng ô tô khác hiện có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam vẫn chưa cho thấy một chiến lược cụ thể vào các loại xe điện và chủ yếu vẫn ưu tiên xe xăng/dầu.
Với các chính sách mới được chính phủ Việt Nam ban hành liên tục, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá nếu các doanh nghiệp sản xuất các loại xe xăng truyền thống nếu chậm chuyển đổi sẽ mất dần thị phần là điều khó tránh khỏi.
Không chỉ các nhà sản xuất xe xăng, ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ liên quan cũng sẽ có sự “thay máu” rất lớn thời gian tới.
Với thị trường cung cấp nhân lực cho ngành ô tô cũng sẽ có sự thay đổi để phù hợp với dây chuyền sản xuất từ động cơ đốt trong sang xe điện.
Khi xe xăng dần bị loại bỏ, các doanh nghiệp cung ứng phụ tùng bước đầu có thể sẽ phải thu hẹp quy mô, sau đó buộc phải chuyển đổi để thích nghi hoặc sẽ biến mất.
Khi thị trường tràn ngập xe điện, các xưởng bảo dưỡng, gara buộc phải chuyển đổi mô hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các dịch vụ cung cấp xăng dầu cho các loại xe xăng cũng dần sẽ bị thu hẹp phạm vi hoạt động. Trong khi đó, thị trường sẽ chứng kiến sự nở rộ của các loại hình trạm sạc.
Doanh số của các hãng sản xuất, kinh doanh xe xăng cũng giảm xuống mức đáng kể ở mọi phân khúc dẫn đến doanh số của các hãng kinh doanh xe xăng sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhu cầu sụt giảm của người tiêu dùng.
Khi xe mới chững lại, thị trường xe đã qua sử dụng cũng sẽ bị kéo theo, bị mất giá nhanh do không thể sử dụng lâu dài hoặc dễ bị hạn chế khu vực có thể sử dụng. Tâm lý người dân muốn thanh lý sớm sẽ diễn ra, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM các chính sách mới sắp có hiệu lực.
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường xe xăng Việt Nam sắp trải qua một sự biến động rất lớn từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến xu hướng tiêu dùng. “Thay đổi nhanh để tồn tại” là những gì các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe xăng sẽ phải đặt lên bàn cân trong những tháng sắp tới. Thị trường sẽ có sự phân hóa rõ rệt khi các hãng đầu tư mạnh vào xe điện sẽ lên ngôi, trong khi các hãng chỉ tập trung vào xe xăng sẽ đứng trước áp lực thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển đổi dây chuyền sản xuất.
Nam Nguyễn