Bài toán về cải tạo khu tập thể cũ ở Hà Nội

Bài toán về cải tạo khu tập thể cũ ở Hà Nội
21 giờ trướcBài gốc
Thực trạng xuống cấp đáng bao động tại các khu tập thể ở Hà Nội đang là vấn đề nhức nhối. Tuổi đời các khu tập thể nói trên dao động từ 50 đến 66 năm. Kết cấu nhà yếu, xây dựng theo công nghệ cũ; hệ thống điện nước cũ kỹ, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Đó có lẽ là lý do giá cả các căn hộ tại đây vẫn tương đối dễ chịu, dù ở vị trí khá trung tâm. Tuy nhiên, với những hộ dân sống ở đây, họ đang phải chịu cảnh “một tiền gà ba tiền thóc”.
Cải tạo các khu tập thể cũ là chủ trương mà thành phố Hà Nội quan tâm từ lâu. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản phê duyệt quy hoạch cải tạo các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự và Khương Thượng. Theo các văn bản này, tổng diện tích các khu tập thể được quy hoạch cải tạo là hơn 54 héc-ta.
Cải tạo giúp cuộc sống người dân an toàn hơn, tiện nghi hơn và bộ mặt đô thị đẹp đẽ hơn, đàng hoàng hơn. Tuy nhiên, cái khó khiến những dự định tốt đẹp này bị trì hoãn suốt nhiều năm là sự đồng thuận của người dân, nguồn tài chính để đảm bảo việc cải tạo, bên cạnh đó là những vấn đề pháp lý. Nếu đưa cho các công ty bất động sản những mảnh đất trống tương tự, chỉ trong thời gian ngắn, họ sẽ tạo nên một khu chung cư hoành tráng, tiện nghi. Nhưng đây là những khu tập thể gắn liền với đời sống của hàng ngìn, hàng chục nghìn cư dân.
Những khu tập thể cũ thường đã xuống cấp về kết cấu, chứ không chỉ nhếch nhác về mỹ quan đô thị. Để cải tạo, rất có thể phải “đập đi xây lại”. Vấn đề phát sinh từ đây. Trong thời gian xây dựng, người dân sẽ ở đâu? Tiền thuê nhà ở tạm trong thời gian đó ai trả? Sau thời gian cải tạo, họ có được nhận về căn nhà khang trang với diện tích tương đương nữa hay không? Và nếu có, thì phải bổ sung thêm tiền như thế nào?
Tất cả những vấn đề nói trên khiến cải tạo khu chung cư, tập thể cũ vẫn luôn khó khăn và nảy sinh nhiều xung đột.
Trung Quốc là một điển hình tương đối thành công với các dự án cải tạo chung cư và khu tập thể cũ. Họ ưu tiên sự đồng thuận tuyệt đối của người dân. Tức là, người dân được tham gia vào quá trình lên kế hoạch cho đến triển khai xây dựng.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là chi phí. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, họ đồng thời kêu gọi đóng góp từ các nguồn tài trợ khác để đổi lấy quyền lợi tương ứng. Nó như cách mà các dự án PPP - là dự án hợp tác công tư Việt Nam đang tiến hành. Thực tế cho thấy, các dự án PPP của nước ta từ trước đến nay vẫn đang được triển khai khá hiệu quả, góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng của cả nước. Dù vẫn còn nhiều tiêu cực, thất thoát, thành công tương đối của các dự án PPP cho thấy chúng ta có một nguồn lực xã hội rất to lớn, các doanh nghiệp với tiềm lực tài chính tốt, đứng sau là các ngân hàng sẵn sàng rót vốn.
Chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn trên lộ trình cải tạo các khu tập thể cũ, nhưng đó là việc không thể không làm. Chỉ cần một dự án thành công sẽ nhanh chóng trở thành hình mẫu để nhân rộng ra khắp thành phố, và khắp cả nước.
Minh Thư
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/bai-toan-ve-cai-tao-khu-tap-the-cu-o-ha-noi-304446.htm