Trong suy nghĩ của nhiều người lớn, trẻ con thì không biết gì. Thế nhưng, đây lại là một suy nghĩ rất sai lầm. Thậm chí, trẻ con bắt chước và ghi nhớ rất nhanh những lời nói và hành động của người lớn. Chính vì vậy, cử chỉ và lời nói của những người thân cận sẽ ảnh hưởng đến tính cách và sự phát triển của con trẻ rất nhiều.
Không ít ông bố, bà mẹ từng bị con cái ở độ tuổi tiểu học "bóc phốt" qua các bài văn ngắn. Chỉ đến khi đọc được những dòng suy nghĩ mà con viết ra, bố mẹ mới vỡ lẽ rằng, cách cư xử chưa đẹp trong gia đình bấy lâu của mình đã ăn sâu vào tiềm thức của con.
Một bài văn tiểu học mới đây đang được chia sẻ trên một diễn đàn mạng xã với đông đảo thành viên là một minh chứng cho điều vừa nói ở trên.
Theo đó, giáo viên ra đề bài như sau: "Kể về một việc tốt mà em đã làm giúp bố mẹ".
Bên dưới phần bài làm, em học sinh này thật thà kể lại trong bài văn như sau: "Hôm qua bố mẹ đánh nhau, bố túm tóc mẹ và gọi em lấy kéo để bố cắt tóc mẹ. Em nghe lời chạy sang nhà hàng xóm mượn về đưa bố. Mẹ em đang khóc nhưng vẫn khen em: A, mày giỏi lắm".
Bài văn kể về chuyện tốt của em học sinh gây chú ý trên mạng xã hội
Qua vài dòng ngắn ngủi trong bài văn nhưng có thể thấy, em học sinh nhỏ tuổi đang sống trong một gia đình không mấy lành mạnh khi bố mẹ to tiếng cãi vã, thậm chí là bạo lực. Bản thân em học sinh cũng không nhận thức được việc phải bảo vệ mẹ, ngăn cản bố bạo lực. Chính vì vậy, em mới thật thà chạy đi mượn kéo khi bố đề nghị.
Không những vậy, em học sinh còn nhận thức sai về việc khen, chê. Cụ thể, dù bị mẹ mắng "mày giỏi lắm" nhưng em vẫn nghĩ rằng mẹ đang khen mình.
Cũng bởi vì sự non nớt và ngây thơ trong độ tuổi, em học sinh đã hồn nhiên viết những chuyện không hay của gia đình vào bài văn của mình, vô tình "bóc phốt" chuyện xấu của bố mẹ.
Hình ảnh về bài văn sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cư dân mạng được phen "cười ra nước mắt" trước sự thật thà của em học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bố mẹ của em nhỏ sẽ phải thay đổi cách ứng xử với nhau trong đời sống hằng ngày để em được phát triển toàn diện và lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, bài văn này có thể là sản phẩm câu view, câu like...Qua đó, vừa tạo tiếng cười trên không gian mạng; vừa là lời nhắc nhở đến các bậc phụ huynh: "Nếu không muốn bị con "bóc phốt" công khai qua các bài văn thì hãy chú ý cách cư xử, nói năng với nhau trong cuộc sống".
Phương Linh