Mỗi lần những hình ảnh về các bài văn tiểu học xuất hiện trên mạng xã hội là một lần nhận được sự quan tâm và bàn luận của cư dân mạng.
Ở những bài văn ấy, lời lẽ tuy ngây ngô và hồn nhiên nhưng lại rất chân thực. Đọc nội dung, ai nấy đều cảm nhận được cảm xúc thật của các cô cậu học trò nhỏ tuổi.
Trước đó, cư dân mạng cũng từng được phen cười ngất trước bài văn "tả bố của em" của một học sinh lớp 5.
Nguyên văn bài văn này như sau: “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đào Sơn Tùng Hằng. Hàng ngày, bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc.
Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tý. Lúc ăn cơm xong, cả nhà dọn, bố chả dọn lại lấy điện thoại ra chơi Thiên Hạ Vô Song. Em bé thế còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm osin nữa! Em rất yêu bố, vừa vừa chứ không yêu lắm!".
Bài văn tả về bố khiến dân mạng cười ngất
Từng câu từng chữ tả về bố của em học sinh quả thực khiến ai đọc lên cũng phải cười nghiêng ngả. Hình ảnh ông bố trụ cột của gia đình, hằng ngày chăm chỉ đi kiếm tiền nhưng cũng không ít tật xấu khi không làm việc nhà, ăn cơm phải đợi gọi mấy lần, ăn xong lại chỉ chơi game, không những vậy còn để con trai lớp 5 đút xoài cho ăn.
Chính vì bố có nhiều thói quen chưa tốt nên cậu bé chỉ "yêu bố vừa vừa" mà thôi.
Bài văn này cũng thể hiện rõ phong cách làm văn của học sinh tiểu học: Nghĩ gì viết nấy, thấy gì viết đó. Điều này khiến cư dân mạng vừa thấy thú vị vừa thấy hài hước. Chính vì thế khi thấy cô giáo chấm 3 điểm cho bài văn này, nhiều cư dân mạng đã cho rằng, giáo viên chấm bài như vậy là quá khắt khe. Ở độ tuổi tiểu học, giáo viên nên khuyến khích các em được thỏa sức sáng tạo trong các bài văn thay vì áp dụng cứng nhắc theo văn mẫu. Hơn nữa, việc chấm điểm thấp vô tình khiến các em nhỏ tự ti và dễ sinh ra cảm giác chán nản với môn tập làm văn.
Ngoài ra, không ít cư dân mạng cũng thắc mắc rằng, ông bố sau khi đọc được bài văn này của con trai, liệu ông sẽ có cảm xúc thế nào đây? Bên cạnh đó, ông có rút ra bài học nào cho chính bản thân mình không?
Trên thực tế, trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi cách cư xử và lời nói của bố mẹ, ông bà. Chính vì thế, nếu muốn con trẻ noi gương những điều hay lẽ phải, chính bố mẹ và ông bà phải luôn làm gương từ những việc nhỏ nhất. Quay trở lại với ông bố trong bài văn này, những màn "bóc phốt" bố nói trên chứng tỏ cậu bé đã quan sát và ghi nhớ được. Hình ảnh của ông bố quả thực có nhiều điểm chưa đẹp trong mắt con trai. Do đó, để không gây ấn tượng xấu với con trai, ông bố có lẽ sẽ phải thay đổi nhiều trong thời gian tới.
Yến Nguyễn