Bài văn tả công việc lao động trí óc của bố, câu kết khiến bố ngậm ngùi mãi không thôi

Bài văn tả công việc lao động trí óc của bố, câu kết khiến bố ngậm ngùi mãi không thôi
một ngày trướcBài gốc
Học sinh tiểu học vốn ngây thơ và thật thà. Các em không giấu được những cảm xúc, suy nghĩ tự nhiên và mang trọn tính cách ấy vào từng trang viết.
Cũng chính vì vậy, không ít bài văn của các em đã khiến cộng đồng mạng được phen “cười ngất” bởi những chi tiết quá đỗi chân thật và hồn nhiên. Bài văn dưới đây là một ví dụ điển hình.
Học trò tiểu học luôn khiến người lớn phải bất ngờ về những bài văn vừa ngây ngô vừa chân thật. Ảnh minh họa
Theo đó, giáo viên ra đề như sau: "Tả về một người lao động trí óc mà em biết".
Bên dưới phần bài làm, em học sinh chọn bố làm nhân vật chính. Trong đó, nghề nghiệp mà bố đang làm là nghề kiến trúc sư.
Nguyên văn bài văn này như sau:
"Người lao động trí óc mà em biết là bố em. Bố em làm nghề kiến trúc sư, bố em năm nay 39 tuổi. Hằng ngày bố em thiết kế các nhà cực đẹp, có người còn bảo là nhà đẹp.
Với cũng có người bảo không đẹp nhưng bố em cũng kệ, không sao cũng có người mua thôi. Bố em làm việc vẫn ổn, và cũng có lúc thứ bảy, chủ nhật bố em cũng chỉ chơi với em hai ngày thôi rồi đến thứ hai là bố em đi làm tiếp.
Em thấy công việc cũng vui nhưng lớn lên em làm việc khác".
Bài văn tả công việc của bố khiến dân mạng bàn tán rôm rả.
Chỉ vài dòng ngắn ngủi, bài văn đã khiến người lớn phải bật cười vì cách quan sát rất thật, rất "đời thường" của một đứa trẻ. Không hề có những mỹ từ hoa mỹ hay sáo rỗng, em học sinh chỉ đơn giản viết ra những gì mình thấy, mình nghĩ.
Câu “cũng có người bảo không đẹp nhưng bố em cũng kệ” khiến nhiều người vừa buồn cười vừa thấy thương bố em – một người kiến trúc sư có tâm lý “không sao cũng có người mua thôi” thật quá sức bình thản!
Dòng kết “em thấy công việc cũng vui nhưng lớn lên em làm việc khác” càng khiến bài văn trở thành “cực phẩm” vì sự vô tư đến mức… chân thật. Đúng là chỉ có trẻ con mới viết ra được những lời vừa hài hước, vừa trong trẻo như thế. Bố đọc xong câu kết có lẽ sẽ ngậm ngùi vô cùng. Cứ tưởng con sẽ nối nghiệp mình, nào ngờ con tuyên bố lớn lên lại làm công việc khác.
Ông bố có lẽ sẽ có chút ngậm ngùi sau khi đọc câu kết trong bài văn của con. Ảnh minh họa
Cư dân mạng đã để lại những bình luận hài hước bên dưới phần bài làm này như sau:
"Thích nhất là câu: ‘Em thấy công việc cũng vui nhưng lớn lên em làm việc khác’. Thật thà đến mức tội nghiệp luôn!”
"Cháu nói đúng lắm! Đâu phải cứ thấy vui là phải làm theo đâu!”
“Một bài văn ngắn gọn, súc tích, đủ nội dung và khiến phụ huynh ‘toát mồ hôi hột’.”
“Sự nghiệp của bố bị con phán một câu là muốn nghỉ việc liền!”
“Đề nghị Bộ Giáo dục thêm môn 'Hài hước chân thật học đường'. Giáo trình chính là mấy bài văn như thế này!”
“Trẻ con bây giờ quan sát sắc sảo và phản biện nghề nghiệp của phụ huynh ghê thật!”.
Môn Tập làm văn ở bậc tiểu học không chỉ là rèn luyện kỹ năng viết, mà còn là cách giúp trẻ học cách quan sát, cảm nhận và bày tỏ suy nghĩ một cách chân thành.
Ở lứa tuổi còn non nớt, trẻ thường viết ra những điều rất thật – đôi khi ngây ngô, vụng về, nhưng đó chính là những bước đầu quan trọng để hình thành tư duy và khả năng ngôn ngữ.
Thay vì ép trẻ viết “cho hay”, người lớn nên khuyến khích trẻ viết “cho đúng” – đúng với trải nghiệm, với cảm xúc và với góc nhìn của chính các em.
Hãy để mỗi bài văn là một mảnh ghép trong thế giới trẻ thơ, nơi các em được nói lên tiếng nói của mình một cách tự nhiên và tự tin.
Yến Nguyễn
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/bai-van-ta-cong-viec-lao-dong-tri-oc-cua-bo-cau-ket-gay-chu-y-202505072341205428.html