Bài văn tả mẹ 'không xinh lắm' nhưng đọc xong ai cũng rưng rưng nước mắt

Bài văn tả mẹ 'không xinh lắm' nhưng đọc xong ai cũng rưng rưng nước mắt
5 giờ trướcBài gốc
Môn Tập làm văn luôn mang đến nhiều điều thú vị, khi không ít bài viết của học sinh đã gây bất ngờ bởi sự hồn nhiên, sáng tạo và chân thật đến đáng yêu. Nhiều bài văn còn trở thành đề tài “gây sốt” trên mạng xã hội, được cộng đồng mạng chia sẻ rôm rả.
Môn Văn là môn học thú vị đối với nhiều học sinh. Ảnh minh họa
Trước đó, từng có bài văn tả mẹ với giọng điệu vừa hài hước, vừa chan chứa yêu thương, khiến người đọc không khỏi bật cười rồi lại lặng đi vì xúc động. Bài văn ấy từng được cư dân mạng chuyền tay nhau suốt một thời gian dài.
Nguyên văn bài văn tả mẹ như sau:
"Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn.
Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc.
Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt. Tóm lại mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em.
Mẹ rất khéo tay. Luống rau mẹ cuốc chẳng cần gieo hạt gì sau dăm hôm đã mọc đầy những ngọn rau giền cơm. Rau giền cơm mẹ nấu có kèm vài ngọn rau sam ngon lắm! Ngoài canh rau, mẹ còn biết luộc trứng, luộc cả thịt. Món luộc của mẹ chẳng bao giờ bị mặn cả. Ngon lắm!
Mẹ chẳng bao giờ giúp chúng em học bài. Mẹ bảo: "Dạy học là việc của bố mày!". Nhưng bố hôm nào cũng "sáng đi tối mịt mới về, nhiều hôm say lả miệng thì kêu la". Những lần như vậy, mẹ không xem "Tấm lòng cha mẹ" nữa. Bất đắc dĩ mẹ phải dạy các con ôn bài. Chữ mẹ ngửa trái như lúa non gặp bão. Môn toán mẹ dạy là tìm nửa chu vi tuổi mẹ, tìm nửa chu vi vận tốc. Tóm lại dạng toán gì cũng nửa chu vi. Mẹ tuyệt thật nhưng cô giáo không cho là đúng.
Mẹ là người rất tiết kiệm. Mẹ nhặt lại các túi bóng kể cả túi bóng đựng thuốc trừ cỏ giặt sạch đi để đựng đậu bán cho các bác trong xóm. Ai cũng khen đậu của mẹ ngon. Chắc người ta chưa thấy mẹ ngâm đậu trong cái thùng ngâm cám lợn. Nếu biết thì....
Những ngón tay mẹ xù xì dấu ấn của những năm tháng vật lộn kiếm ăn. Mẹ đưa tay lên lên bới mái đầu đã bạc lốm đốm. Mẹ than thở với các dì: "Tại ông ngoại không cho tao đi học. Nếu cho đi học chắc giờ thì tao đâu khổ thế này! Mẹ khóc".
Qua bài văn trên, hình ảnh người mẹ tảo tần, hết mực yêu thương gia đình hiện lên rõ nét. Ảnh minh họa
Sau khi đọc xong bài văn này, cư dân mạng đã không giấu nổi sự xúc động xen lẫn bật cười thích thú. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách quan sát tinh tế và lối diễn đạt chân thật, sinh động của tác giả nhỏ tuổi. Có người nói, bài văn không chỉ là một bài tập làm văn đơn thuần mà còn là một “bức chân dung sống” về người mẹ tảo tần, hiện lên vừa vất vả, vừa đáng yêu, vừa gần gũi như bất kỳ người mẹ nào trong đời thường.
Cũng có nhiều bình luận hài hước cho rằng nếu có giải thưởng "văn học hiện thực hài hước", chắc chắn bài văn này sẽ xứng đáng được đề cử. Nhờ sự mộc mạc, chân phương mà sâu sắc, bài văn đã chạm đến trái tim người đọc và tiếp tục lan tỏa như một minh chứng sinh động cho sức mạnh của ngôn từ khi xuất phát từ tình cảm thật thà, trong trẻo của trẻ thơ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng xuất hiện không ít ý kiến nghi ngờ về tính xác thực của bài văn. Một số người cho rằng đây có thể là sản phẩm được người lớn biên soạn với mục đích tạo nội dung lan truyền, thu hút tương tác trên mạng xã hội.
Dù chưa thể kiểm chứng nguồn gốc chính xác, bài viết vẫn cho thấy sức hút đặc biệt của những câu chuyện gia đình được kể bằng giọng điệu dí dỏm, gần gũi, chạm tới cảm xúc của đông đảo người đọc.
Yến Nguyễn
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/bai-van-ta-me-khong-xinh-lam-nhung-doc-xong-ai-cung-rung-rung-nuoc-mat-202505142229349071.html