Bám dân mà sống, bám bản mà đi lên

Bám dân mà sống, bám bản mà đi lên
6 giờ trướcBài gốc
Những người lính không chỉ biết cầm súng
Buổi sáng một ngày đầu tuần tháng 7, xã Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh hiện lên rực rỡ trong nắng sớm, làn sương mỏng vươn trên rừng hồi, rừng quế thơm ngát cả một vùng biên cương yên bình. Trên con đường vừa được bê tông hóa dài hơn 3km sạch sẽ dẫn từ trung tâm xã vào khu dân cư mới, Trung tá Đặng Xuân Định, cán bộ Đội Trình Tường, Lâm trường 156, Đoàn KT-QP 327 vẫn lặng lẽ cầm thước đo, ghi chép từng chi tiết để hoàn thiện công trình. Anh Định chia sẻ: “Xây dựng các công trình ở vùng cao không như dưới xuôi, mỗi mét đường nhuốm bao mồ hôi, công sức của bộ đội. Có đoạn phải bạt núi, có đoạn phải chở đá, gùi vật liệu cả ngày. Nhưng thấy bà con đi lại đỡ vất vả là chúng tôi vui rồi”.
Không chỉ là những cán bộ huấn luyện trên thao trường, bộ đội Đoàn KT-QP 327 còn là thầy giáo, bác sĩ, người thân trong mỗi gia đình người Dao, người Sán Chỉ, người Tày nơi biên cương Tổ quốc. Trung tá Nguyễn Tùng Sơn, cán bộ phụ trách công tác dân vận kể lại câu chuyện xúc động: “Ngày mới di dân lên thôn Pạc Này, xã Quảng Đức, tỉnh Quảng Ninh, một số hộ chưa quen địa hình, canh tác khó khăn, lương thực thiếu hụt. Anh em đơn vị nhường cả khẩu phần ăn của mình, giúp bà con từng hạt giống, từng luống rau. Đến giờ, người dân vẫn nhớ ơn bộ đội, quý bộ đội như người trong nhà”.
Lâm trường 155, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 hỗ trợ nhân dân xã Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ANH DŨNG
Thắp sáng vùng biên từ những công trình “3 trong 1”
Với phương châm “ở đâu có dân, ở đó có quốc phòng; ở đâu có bộ đội, ở đó có đổi thay”, những năm qua, Đoàn KT-QP 327 đã tổ chức xây dựng gần 60 công trình hạ tầng thiết yếu như doanh trại, trạm xá, đường giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng vùng biên. Chúng tôi ghé thăm công trình hồ thủy lợi Phình Hồ tại xã Hải Sơn-công trình không chỉ bảo đảm nước tưới cho hơn 200ha lúa, hoa màu của địa phương mà còn giúp kiểm soát lũ lụt mùa mưa. Ông Choỏng Sao Chắn, người dân địa phương, xúc động bày tỏ: “Trước kia ruộng nương khô cháy, nay có hồ nước, dân trồng được hai vụ, chăn nuôi cũng thuận. Có được điều đó đều do bộ đội 327 cả đấy!”.
Không chỉ xây dựng hạ tầng, các cán bộ kỹ thuật, TTTTN của Đoàn còn hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả ôn đới... được triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Chúng tôi coi mỗi gia đình vùng biên cương Đông Bắc là một “cột mốc sống”, phát triển kinh tế là xây dựng "thế trận lòng dân", nền tảng vững chắc bảo vệ biên cương”, Đại tá Hoàng Hải Đăng, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 327 khẳng định.
Cán bộ Lâm trường 155, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam.
Trao đổi với Đại tá Phạm Khắc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 327, chúng tôi được biết, giai đoạn 2015-2024, đơn vị đã thực hiện di, giãn dân cho hơn 1.200 hộ/5.000 nhân khẩu; hình thành 17 thôn, bản mới trên toàn tuyến biên giới, từng bước xóa tình trạng “bản trắng” (là những vùng đất không có cư dân sinh sống, dễ bị xâm nhập, lấn chiếm).
Về thôn Phạt Chỉ, xã Hoành Mô, nơi được coi là “hình mẫu” của chương trình di dân KT-QP, ông Dường Cắm Hỷ, Trưởng thôn, bộc bạch: “Trước đây, khu vực này chỉ là rừng rậm hoang vu, giờ thành bản làng khang trang, có điện, có đường, có trường học, trạm xá, con cháu được học hành, bà con yên tâm trồng lúa, nuôi trâu, cuộc sống đổi thay rõ rệt”.
Điều đáng quý là mô hình di dân không chỉ mang tính cư trú mà hướng đến ổn định lâu dài, bền vững. Kỹ sư công nghệ Bùi Thượng Kiên, chuyên viên trẻ Bùi Thượng Phúc là đội viên TTTTN đã gắn bó nhiều năm với bà con, cho biết: “Chúng tôi không chỉ là người hướng dẫn mà còn là bạn, là con em của đồng bào. Thành công của họ là động lực để chúng tôi ở lại và tiếp tục cống hiến”, kỹ sư Kiên chia sẻ.
Nòng cốt giữ yên biên giới
Nhiều năm qua, Đoàn KT-QP 327 không đơn thuần là đơn vị xây dựng kinh tế mà còn là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Với phương châm “ba bám, bốn cùng”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an, LLVT địa phương trong nhiệm vụ giữ vững an ninh khu vực.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị luôn quán triệt quan điểm “đi dân nhớ, ở dân thương, nói dân hiểu, làm dân tin”. Mọi việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn đều hướng đến lợi ích thiết thực cho nhân dân. Những kết quả đạt được hôm nay là minh chứng cho hiệu quả của chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh tại vùng biên giới chiến lược.
Những kết quả mà Đoàn KT-QP 327 đạt được không chỉ là con số công trình, số hộ dân di cư, hay số héc-ta rừng được phủ xanh... mà lớn hơn, đó là sự đổi thay căn cơ của vùng biên Đông Bắc, là niềm tin vững chắc của đồng bào với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327 trên địa bàn không chỉ giúp địa phương thay đổi về diện mạo kinh tế-xã hội mà còn tạo niềm tin, sự yên tâm trong lòng nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn đi đầu trong các phong trào giúp dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ chủ quyền biên giới, lực lượng nòng cốt trong kết nối chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần dựng xây cuộc sống mới, đưa vùng đất gian khó từng bước phát triển toàn diện, bền vững.
NGUYỄN HỒNG SÁNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/bam-dan-ma-song-bam-ban-ma-di-len-835417