Làng Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An) là một trong những nơi hiếm hoi trên địa bàn tỉnh còn duy trì nghề làm thúng chai. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thúng composite, thúng chai ngày càng trở nên ít phổ biến, đầu ra khó khăn hơn. Người dân vùng này trụ lại với nghề bằng du lịch trải nghiệm.
Làng Phú Mỹ lúc cao điểm có khoảng 50 hộ với hàng trăm lao động làm nghề thúng chai nhưng giờ chỉ còn vài gia đình còn bám trụ, trong đó có hộ anh Trương Văn Trung và chị Trương Thị Bích Kiều
Để làm ra chiếc thúng chai, một người thợ phải đi qua nhiều công đoạn gồm: chẻ tre, vót tre, đan mên, lận và trét dầu; tất cả đều làm thủ công
Trung bình thời gian làm một chiếc thúng mất từ 7-10 ngày tùy theo kích cỡ; giá bán từ 1,8-3 triệu đồng/chiếc
“Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh khiến nhiều người không mặn mà với nghề”, anh Trung tâm sự
Hiện nay, cơ sở của anh Trung và chị Kiều là địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan
Anh Sidney Pool (khách du lịch Hà Lan) chia sẻ: “Trước đó tôi đã được trải nghiệm hoạt động lắc thúng tại Hội An. Tôi cảm thấy rất thú vị khi được tận mắt xem các nghệ nhân tạo ra thúng như thế này”
Nhiều nhiếp ảnh gia đã đến đây để tìm cảm hứng sáng tác. Đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm độc đáo của làng nghề
Với sự phát triển của thúng composite (thúng nhựa), thúng chai dần không còn được ưa chuộng. Giờ đây, chúng chỉ được sử dụng phục vụ du khách tại các điểm du lịch trải nghiệm
THẢO QUYÊN (thực hiện)