Bám sát kịch bản, phản ứng kịp thời trước những vấn đề phức tạp

Bám sát kịch bản, phản ứng kịp thời trước những vấn đề phức tạp
một ngày trướcBài gốc
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban để đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 3 và quý I, kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 4 và quý II/2025.
Dự kiến tổng mức hỗ trợ thuế, phí năm 2025 khoảng 204.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, rất đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực, đồng hành của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực.
Nổi bật, Bộ Tài chính và Bộ trưởng đã tập trung chỉ đạo, phân công công việc cụ thể, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền để triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội ngay khi được ban hành. Đồng thời, theo dõi sát, nắm tình hình sẵn sàng nhiều phương án kịch bản, phản ứng kịp thời trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, khó dự báo trên thế giới và khu vực.
Triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 193, 190 của Quốc hội; Nghị quyết số 01, số 25/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ Tài chính để triển khai thực hiện. Đây là những kế hoạch, chương trình hành động tổng thể, toàn diện với mục tiêu rõ ràng bao gồm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn để chỉ đạo trong toàn Ngành thực hiện.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiều nhóm hàng (16 nhóm mặt hàng) trước khi Mỹ công bố chính sách thuế mới; thúc đẩy ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Trong quý I/2025, trước bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí ngay tư đầu năm.
Cập nhật số liệu thu trên hệ thống TABMIS, thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 15/4/2025, đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,77% dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 407,2 nghìn tỷ đồng, đạt 39,9% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 394,7 nghìn tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán.
Cụ thể đã thực hiện giảm 2% thuế GTGT cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất 10% trong 6 tháng đầu năm (giảm khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng); tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (giảm khoảng 44 nghìn tỷ đồng); điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu và kéo dài ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ ô tô đến hết năm 2027.
Ngoài ra, duy trì giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% cho dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2025 và ban hành ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin (hỗ trợ 2,4 nghìn tỷ đồng). Đối với các giải pháp đã và đang triển khai, dự kiến tổng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân năm 2025 sẽ đạt khoảng 204 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức hỗ trợ năm 2024, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Trình Quốc hội nhiều dự án Luật quan trọng
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được các kết quả nổi bật.
Theo đó, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đơn vị khẩn trương hoàn thiện 3 dự án Luật (Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)) để trình Quốc hội vào tháng 5/2025.
Quang cảnh cuộc họp.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) và dự án Luật Tiết kiệm chống lãng phí để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Đồng thời, Bộ đã gửi Bộ Tư pháp để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình và soạn thảo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đối với 8 Đề án. Cụ thể gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; (2) Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (5) Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; (6) Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; (7) Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; (8) Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Bộ cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 nghị định, 2 quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 18 thông tư trong lĩnh vực tài chính. Đến nay lũy kế còn 22 nghị định và 1 quyết định đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét ban hành.
Điều hành phiên thảo luận và gợi ý những nội dung phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong tháng 3 và trong quý I/2025, toàn ngành Tài chính tập trung ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực, không quản ngày đêm để triển khai thực hiện ngay, hiệu quả nhiều nhiệm vụ theo hoạt động của bộ máy mới sau khi sắp xếp. Đặc biệt, dự báo thực hiện nhiệm vụ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị bám sát tình hình, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành Tài chính là hết sức nặng nề đòi hỏi các đơn vị trong Bộ phải quyết liệt hơn nữa, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm đáp ứng được yêu cầu đặt ra, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị, các đơn vị chuyên môn đã thảo luận về những kết quả đạt được cũng như phương hướng, giải pháp cụ thể sẽ triển khai trong thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.
Trong từng mảng công việc cụ thể, các Thứ trưởng Bộ Tài chính: Lê Tấn Cận, Cao Anh Tuấn, Hồ Sỹ Hùng cũng đã đánh giá, đồng thời đưa ra yêu cầu giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó, thích ứng, giữ vững ổn định vĩ mô, tăng cường năng lực nội tại, sức cạnh tranh của nền kinh tế, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên.
Bích Thủy
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/bam-sat-kich-ban-phan-ung-kip-thoi-truoc-nhung-van-de-phuc-tap.html?source=cat-178