Bạn bè quốc tế cùng TP.HCM bàn cách chuyển đổi công nghiệp

Bạn bè quốc tế cùng TP.HCM bàn cách chuyển đổi công nghiệp
3 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với các đại biểu quốc tế tại hội nghị Đối thoại Hữu nghị lần 2 năm 2024 diễn ra ngày 24-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhiều lần khẳng định quyết tâm của TP trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi công nghiệp.
Ông Mãi cho hay hiện tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của TP.HCM. Trong khi đó, mục tiêu của TP là đến năm 2030 nâng tỉ trọng này lên 40%. Qua đó duy trì sự đóng góp của TP.HCM vào nền kinh tế quốc gia và củng cố vị thế dẫn đầu của TP trong cả nước và khu vực.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gặp gỡ các đại biểu quốc tế bàn về chuyển đổi công nghiệp tại Đối thoại Hữu nghị năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chính vì vậy, ông Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Giúp TP.HCM chuyển đổi xanh
Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Keum Byounguk, Phó Trưởng ban Dự án xanh toàn cầu, Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho rằng TP.HCM có thể thực hiện các dự án công nghiệp xanh đa dạng tương tự thông qua hợp tác với chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc.
Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM tại Hội nghị Thị trưởng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo ông, TP.HCM hiện là một đô thị trung tâm toàn cầu, là nơi tiên phong trước các quốc gia và các chính quyền địa phương khác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Ngoài ra, TP.HCM cũng dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh bền vững, vừa bảo vệ môi trường và vừa phát triển kinh tế.
“Vì thế, Bộ Môi trường Hàn Quốc đang quan tâm và mong muốn triển khai nhiều hoạt động hợp tác cùng TP.HCM, gồm giao lưu chính sách và giao lưu nhân lực” - ông Keum Byounguk nói.
Ông thông tin hiện TP Seoul đang hợp tác cùng các quốc gia để thúc đẩy các dự án công nghiệp xanh đa dạng, từ cơ sở hạ tầng cấp thoát nước tới năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh. Do đó, đây là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác.
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông Mark Chandler, Giám đốc phụ trách về ngoại thương, Văn phòng thị trưởng San Francisco, Mỹ, thông tin địa phương này được xem là TP xanh nhất nước Mỹ. Từ năm 1990, San Francisco đã giảm 60% lượng khí thải tại so với năm 1919, song GDP lại tăng gấp đôi trong cùng khoảng thời gian đó.
Dịp này, ông Mark Chandler cũng chia sẻ các giải pháp giúp San Francisco thực hiện tốt phát triển bền vững và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
“San Francisco thực hiện chính sách điện khí hóa và đang sử dụng năng lượng tái tạo trong mọi lĩnh vực. Điều này biến San Francisco trở thành một thành phố rất bền vững và xanh, đồng thời là TP số hóa tiên tiến nhất thế giới” - ông Mark Chandler nói.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lào muốn cùng TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm
Ông Khamlay Sipaseuth, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước, cho biết Lào đã xác định bốn nhiệm vụ chủ chốt để chuyển đổi công nghiệp. Đầu tiên, đẩy nhanh các việc giải quyết thách thức dai dẳng, chẳng hạn như sự phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, có các hình thức và phương pháp mới để huy động người dân cùng tham gia chuyển đổi công nghiệp. Đơn cử, Lào đã khuyến khích người dân thực hiện các nghĩa vụ của mình hay nộp thuế...
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng đối tác quốc tế chia sẻ kinh nghiệm để TP hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi công nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thứ ba, nâng cao vai trò của các ủy viên, ban cố vấn và đối tác của Mặt trận Lào. Cuối cùng, tăng cường đoàn kết quốc tế và mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân.
Còn ông Nisith Keopanya, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào, mong muốn hai địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp và Lào mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam, trong đó có TP.HCM.
Qua nhiều lần ghé thăm TP.HCM, ông Nisith Keopanya nhìn thấy được tiềm năng của TP khi địa phương phát triển và áp dụng sâu rộng công nghệ cao trong nông nghiệp. Chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái phun phân bón ở các khu vực xa xôi, nơi người dân khó tiếp cận.
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với ông Kim Young-hwan, Tỉnh trưởng Tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
“Cạnh đó, TP.HCM có hơn 10 triệu người, trong khi cả nước Lào chỉ có 7,6 triệu, nghĩa là dân số một TP của Việt Nam đã lớn hơn toàn bộ đất nước Lào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hợp tác. Hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển, khoa học và công nghệ, cũng như biện pháp thúc đẩy công nghiệp hóa” - ông Nisith Keopanya nói.
Song song đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào cho biết Lào sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong năng lượng sạch hay ngành công nghiệp năng lượng hydro, vốn là các ngành đang xuất hiện và phát triển tại Việt Nam.
Năm 2023, kinh tế TP.HCM đóng góp hơn 20% GDP và 25% ngân sách cả nước, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 40% doanh nghiệp cả nước, đồng thời là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký đạt 6,6 tỉ USD.
TP.HCM đang triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Thông qua Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024, lãnh đạo TP.HCM mong muốn tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về hiện trạng, xu hướng chuyển đổi công nghiệp hướng đến phát triển bền vững trên thế giới.
BẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/ban-be-quoc-te-cung-tphcm-ban-cach-chuyen-doi-cong-nghiep-post811707.html