Rối loạn ám ảnh cưỡng chế - Obsessive compulsive disorder
Ngày nay, người ta thường nói “Tôi hơi bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế về chuyện đó”. Điều này cũng giống việc nói “Tôi hơi ám ảnh sợ hãi” và cả hai cách nói đều gây khó chịu và xem nhẹ tình trạng tinh thần cũng như sự chịu đựng của những người được chẩn đoán là thực sự mắc những chứng bệnh này.
Đồng ý là nếu chứng ám ảnh sợ hãi có các mức độ nặng nhẹ khác nhau, thì chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có các phiên bản từ nhẹ tới nặng. Nhưng điều quan trọng là phải nhận ra sự khác biệt giữa người hay nói mình “hơi bị OCD” và một người thực sự mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (hoặc ám ảnh sợ hãi) phải đối diện với những thách thức thật sự lớn trong mỗi ngày của họ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Accelerated Resolution Therapy.
Một hình thức rối loạn ám ảnh cưỡng chế được biết đến nhiều nhất liên quan đến nỗi ám ảnh với việc rửa tay và tránh né vi trùng. Tuy nhiên nhiều người sẽ có những trải nghiệm hội chứng OCD khác nhau mà không nhất thiết phải liên quan đến sự sạch sẽ. Họ có thể có những suy nghĩ ám ảnh và cố gắng thực hiện các hành vi theo thói quen để “bảo vệ” bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Những người như vậy mắc một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế theo cách khá ẩn và bạn sẽ không thể biết được nếu họ không kể cho bạn nghe về nó.
Điều duy nhất giống nhau ở tất cả những người mắc hội chứng OCD là họ bị ám ảnh buộc phải cư xử theo một số cách nhất định, ngay cả khi những cách cư xử đó dường như không hợp lý, kỳ quặc, hoặc không cần thiết với người khác. Thường thì những người này tự biết rằng hành động của họ không hợp lý nhưng họ vẫn bị ám ảnh buộc phải thực hiện chúng - họ bị trói buộc bởi tâm trí của chính mình.
Cho ví dụ về việc họ có thể bị ám ảnh bởi những con số chẵn hoặc số lẻ và không thể rời khỏi phòng nếu như không gạt nút từng cái công tắc trong phòng theo một số lần chẵn hoặc lẻ, “để đề phòng trường hợp có chuyện xấu xảy ra". Hoặc họ có thể xoa tay đúng 33 lần khi rửa tay, hoặc nín thở cho đến khi có người trả lời điện thoại của họ, hoặc nháy mắt sáu lần để làm cho một suy nghĩ tiêu cực không thể trở thành hiện thực.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, nếu phải đi vệ sinh vào ban đêm, tôi sẽ tự nhủ với bản thân là mình sẽ quay lại giường trước khi tiếng xả nước của bồn cầu ngưng lại; nó giống như một thử thách nhỏ cho bản thân. Một người mắc chứng OCD có thể có những thách thức tâm trí tương tự nhưng họ sẽ trở nên cực kỳ lo lắng nếu họ không thể thực hiện xong việc đó, trong khi đối với tôi nếu không làm được thì tôi sẽ chỉ nghĩ “Thôi vậy, cũng chẳng sao”.
Nhiều người mặc dù không mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng lại là những người bị ám ảnh bởi việc kiểm tra. Tôi sẽ kiểm tra nhiều lần để chắc rằng mình đã khóa cửa cẩn thận hoặc chắc rằng tôi vẫn giữ điện thoại mình bên người; khi tôi rời khỏi nhà, dù biết rằng mình đã kiểm tra mọi thứ nhưng tôi vẫn kiểm tra thêm mấy lần nữa, liên tục vặn tay nắm cửa để xem tôi có để ý khóa chặt nó hay chưa.
Tôi không mắc OCD - mặc dù tôi nghĩ rằng mình thường kiểm tra quá nhiều lần và đó là hành vi nằm ở ranh giới giữa bình thường và sự ám ảnh. Đặc điểm làm cho hành vi của tôi không phải rối loạn ám ảnh cưỡng chế đó là tôi không có cảm giác bị bắt buộc phải thực hiện một số hành động cụ thể.
Tuy nhiên có một điều tôi đã nhận thấy: khi tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn, việc kiểm tra của tôi cũng trở nên liên tục hơn hẳn lúc bình thường. Ngược lại khi tôi đang trong trạng thái thư giãn, tôi không kiểm tra mọi thứ nhiều hơn một lần. Vậy thì, cũng như bạn đã đọc về chuỗi lo lắng và vòng xoáy lo âu ở trang 56, khi bạn cảm thấy lo lắng, mọi thứ khác trong tâm trí đều có thể bị bao phủ bởi cảm giác lo âu.
Nếu bạn cảm thấy rằng mình đang kiểm tra mọi thứ quá nhiều lần đến mức bất thường, trước tiên hãy xem xét liệu bạn có thể tự mình kiểm soát việc này bằng cách suy nghĩ từ tốn hơn, tự nhủ với bản thân rằng mọi thứ vẫn ổn và bạn đã kiểm tra đủ mọi thứ. Nếu cách làm này không hiệu quả và bạn lo lắng rằng mình có thể mắc OCD, hãy nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy, người có thể hướng dẫn bạn để tìm được sự trợ giúp đúng đắn.
Nicola Morgan/NXB Trẻ