Khoảng 2 tháng trước, người thân thấy bà B. da bà vàng sậm nên khuyên đi khám. Ảnh: Thanh Đặng.
Điểm chung của cả hai trường hợp này là đều không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, vì tin rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường.
Đến khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện rõ rệt, họ mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng điều trị bằng thuốc gần như không còn hiệu quả, buộc phải can thiệp ngoại khoa.
Trường hợp đầu tiên là bà Đ.T.B. (61 tuổi, trú tại Bắc Ninh). Khoảng 2 tháng trước, người thân thấy bà B. da bà vàng sậm nên khuyên đi khám. Kết quả cho thấy bà mắc viêm gan B thể nặng. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường suốt 8 năm, đang điều trị bằng insulin 3 năm gần đây.
Dù được bác sĩ kê phác đồ điều trị, bà không tuân thủ mà nghe theo lời người quen dùng thuốc nam từ lá cây an xoa. Thế nhưng, bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nặng. Ba ngày gần đây, bà thường xuyên mệt mỏi, bụng trướng căng, da và mắt vàng đậm nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh đã tiến triển sang giai đoạn xơ gan mất bù, viêm gan B mạn tính kèm cổ chướng căng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Viêm gan, cho biết bệnh nhân suy gan rất nặng và có nguy cơ không qua khỏi cao nếu không được ghép gan kịp thời.
Trường hợp thứ hai là anh N.H.D. (44 tuổi, trú tại Hải Phòng). Khoảng một tháng trước, anh đi khám do đau chân và nhân tiện kiểm tra sức khỏe tổng quát. Kết quả phát hiện anh mắc viêm gan B, men gan và tải lượng virus cao gấp 5 lần bình thường, kèm dấu hiệu ứ mật.
Hình ảnh khối u gan. Ảnh: BVCC.
Kết quả chụp cộng hưởng từ còn phát hiện một khối u gan kích thước 30 x 26 mm. May mắn, khối u mới xuất hiện ở giai đoạn sớm và nằm tại vị trí thuận lợi, các bác sĩ có thể phẫu thuật được với tiên lượng điều trị khả quan.
Viêm gan B thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo viêm gan B hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Người dân nên chủ động tầm soát viêm gan B ít nhất một lần mỗi năm, đặc biệt nếu gia đình có người từng mắc viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Ngay cả khi không có biểu hiện bất thường, bạn cũng không nên chủ quan vì bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu.
Những người đã tiêm vaccine phòng viêm gan B cần kiểm tra chỉ số kháng thể (anti-HBsAg) để đảm bảo cơ thể có đủ khả năng miễn dịch. Còn với người đã mắc viêm gan B mạn tính, việc khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa biến chứng.
Phương Anh