Sản xuất tại Intel Việt Nam. Ảnh: Intel
Hành trình của Việt Nam
Hành trình của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp bán dẫn bắt đầu từ năm 1979 với việc thành lập nhà máy bán dẫn đầu tiên - Z181. Nhà máy tập trung sản xuất và xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang các nước thuộc khối Đông Âu. Tuy nhiên, nỗ lực này bị gián đoạn sau sự sụp đổ của Liên Xô và lệnh cấm vận thương mại, làm gián đoạn sự phát triển của ngành.
Từ những năm 2000, ngành này đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ cho các ngành công nghệ cao và các sáng kiến nâng cao kỹ năng về công nghệ cho lực lượng lao động. Sự phát triển của Khu công nghệ cao TP.HCM và Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã thu hút các tên tuổi lớn, như Intel và Samsung, đặt nền tảng cho ngành phát triển mạnh mẽ hơn.
Tính đến tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút 174 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD. Điều này phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ và công nghiệp bán dẫn toàn cầu vào tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành một nhân tố chủ chốt trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Ngành bán dẫn Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều công ty đóng góp vào lĩnh vực thiết kế như Renesas, Qorvo, Marvell, Ampere và Synopsys. Các công ty này, dù tập trung vào thiết kế độc quyền hay các dự án thuê ngoài, đều tạo ra doanh thu đáng kể, thể hiện năng lực của Việt Nam trong thị trường thiết kế chip toàn cầu.
Về sản xuất, đóng gói và thử nghiệm, các tên tuổi lớn như Intel và Amkor đã hiện diện tại Việt Nam, nhiều công ty khác dự kiến tham gia thị trường trong thời gian sắp tới. Một cột mốc đáng chú ý là vào năm 2022, FPT Semiconductor phát triển chip tích hợp (IC) đầu tiên của Việt Nam. Dựa trên thành công này, tháng 4/2024, FPT công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo, tận dụng chip đồ họa và phần mềm tiên tiến của NVIDIA. Những sự kiện này nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành một đối thủ cạnh tranh ở nhiều giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị bán dẫn.
Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn nhờ nền tảng sản xuất hiện có, hệ sinh thái ngày càng phát triển và hạ tầng ngày càng được cải thiện. Khi Mỹ áp đặt các hạn chế đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc, Việt Nam trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các công ty toàn cầu muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng có lợi thế về nhân khẩu học, với lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao, nổi bật so với dân số già và tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Sự hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy thêm đà phát triển này, khi Việt Nam định hướng rõ ràng cho ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đạt được những cột mốc quan trọng vào năm 2030. Một trong những sáng kiến của Chính phủ là phân bổ 1,06 tỷ USD để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, tăng đáng kể so với con số 5.000 kỹ sư hiện có tính đến năm 2024.
Vị trí địa lý chiến lược gần các trung tâm bán dẫn lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chi phí sản xuất hợp lý và các hiệp định thương mại như ASEAN, CPTPP và EVFTA càng làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lực lượng lao động có tay nghề ngày càng mở rộng, bao gồm hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip, cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tham gia thị trường lao động toàn cầu và giải quyết tình trạng thiếu nhân tài trong ngành.
Ngoài ra, trữ lượng đất hiếm khổng lồ của Việt Nam - lớn thứ hai thế giới - mang lại cơ hội độc đáo cho Việt Nam để xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn tích hợp hoàn chỉnh. Chính phủ đang đặt mục tiêu biến khu vực quanh sân bay mới tại quận 9, TP.HCM trở thành một “Thung lũng Silicon” mới, có tiềm năng sánh ngang với Công viên Khoa học Tân Trúc của Đài Loan, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn toàn cầu như TSMC và UMC.
Vai trò của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu bán dẫn (SEMI), thị trường bán dẫn Việt Nam đạt 18,23 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đầy ấn tượng 11,48%.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu các sản phẩm công nghệ cao sẽ chiếm 45% giá trị sản xuất và chế biến, thể hiện cam kết trong việc trở thành một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.
Giai đoạn I (2024 - 2030), Việt Nam tận dụng lợi thế địa chính trị và lực lượng lao động bán dẫn có tay nghề để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Mục tiêu là phát triển thành một trong những trung tâm nguồn nhân lực bán dẫn toàn cầu, thiết lập năng lực nền tảng trong tất cả các giai đoạn của ngành, bao gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm.
Giai đoạn II (2030 - 2040), mục tiêu là trở thành một trong những trung tâm toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử. Giai đoạn này nhấn mạnh vào sự phát triển của các ngành công nghiệp này bằng cách kết hợp tự lực với đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn III (2040 - 2050), Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử, làm chủ nghiên cứu và phát triển, khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu đang ngày càng lớn mạnh, khi nước ta định vị là trung tâm thiết kế chip, thử nghiệm, đóng gói và sản xuất vật liệu. Mặc dù chưa có cơ sở sản xuất chip nội địa, lực lượng lao động có tay nghề, lợi thế chi phí và các quan hệ đối tác chiến lược với các nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu đã giúp Việt Nam tạo được chỗ đứng trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế muốn khai thác thị trường bán dẫn của Việt Nam, việc hiểu rõ các quy định của Việt Nam và tận dụng các ưu đãi của Chính phủ có thể tạo nền tảng vững chắc để thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này.
Nhìn về tương lai, Việt Nam có đầy đủ các lợi thế cạnh tranh để trở thành một đối thủ trên thị trường bán dẫn toàn cầu. Với các khoản đầu tư chiến lược vào hạ tầng, giáo dục và các ưu đãi về chính sách, kết hợp với khả năng thu hút các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam đang sẵn sàng leo lên nấc thang cao hơn nữa trong chuỗi giá trị. Bằng cách thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể đóng vai trò chuyển đổi trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn.
Vlad Savin (Giám đốc Acclime Vietnam)