Không có 2 điện thoại pin giống hệt nhau. Sản xuất pin lithium-ion là một quá trình phức tạp. Do đó, dù các công ty hướng đến sự nhất quán trong từng dòng sản phẩm, không thể tránh khỏi những sai lệch nhỏ trong quá trình sản xuất. Điều đó có nghĩa là pin bên trong iPhone 16 của người này không hoàn toàn giống hệt với pin bên trong iPhone 16 của người kia. Vì không thể công bố dung lượng chính xác cho từng máy riêng lẻ, nhà sản xuất sử dụng thuật ngữ dung lượng điển hình (typical capacity) hoặc dung lượng định mức (rated capacity) khi đề cập đến thông số này. Ảnh: Android Authority.
Tình trạng pin không hoàn toàn đúng. Thông tin về tình trạng pin trên iPhone (sắp có trên máy chạy Android 16) không chính xác hoàn toàn. Để tính đến sai lệch, các công ty đặt mức pin 100% thấp hơn khá nhiều so với con số trung bình. Giả sử pin có dung lượng tối đa là 5.000 mAh khi mới mua, nhưng mức cơ sở chỉ là 4.900 mAh. Khi pin xuống cấp quá mức đó (dưới 4.900 mAh) thì người dùng mới thấy tỷ lệ phần trăm sức khỏe của pin giảm xuống, mặc dù về mặt kỹ thuật, pin bắt đầu xuống cấp sớm hơn nhiều. Ước tính tình trạng pin cũng là một việc khó khăn. Các phép đo dựa trên số lần sạc, điện áp và độ hao mòn – tất cả đều không cố định. Giống như cố gắng giải một bài toán liên tục thay đổi rất nhỏ trong khi giải, không bao giờ có thể đạt được câu trả lời đúng, chỉ có một phép tính gần đúng đủ tốt. Ảnh: Shutterstock.
Độ sáng tối đa không giống công bố. Một trong những thông số kỹ thuật bị hiểu lầm nhiều nhất của smartphone là độ sáng tối đa. Điện thoại có 3 loại độ sáng: độ sáng thông thường (từ thấp đến cao nhất trong thanh trượt cài đặt độ sáng điện thoại), độ sáng cao (HBM) chỉ kích hoạt nếu người dùng bật Độ sáng tự động (hay Độ sáng thích ứng) trong môi trường ánh sáng bên ngoài yếu và độ sáng đỉnh - được đo khi một phần nhỏ của màn hình, thậm chí là một điểm ảnh, thể hiện những đợt sáng mạnh rất ngắn khi xem nội dung HDR. Về mặt kỹ thuật, các công ty không nói dối khi đưa ra thông số này, nhưng độ sáng tối đa không bao giờ đạt được khi sử dụng thực tế và người dùng thường liên tưởng nó với độ sáng tối đa khả dụng. Ảnh: Howtogeek.
Sạc nhanh không hoạt động liên tục. Các nhà sản xuất điện thoại thích phô trương tốc độ sạc cực nhanh, nhưng tốc độ này không kéo dài. Quá trình sạc diễn ra theo từng giai đoạn và chỉ nhanh trong giai đoạn đầu tiên, thường là từ 0-60%. Sau đó, tốc độ sạc được cố tình làm chậm lại để quản lý nhiệt và bảo vệ sức khỏe của pin. Điều này không chỉ xảy ra ở một số điện thoại mà còn phổ biến trên tất cả tiêu chuẩn sạc nhanh hiện đại như USB Power Delivery, Qualcomm Quick Charge, SuperVOOC... Ngay cả khi điện thoại hỗ trợ 100 W, tốc độ sạc vẫn chậm đi đáng kể và chỉ sạc nhỏ giọt khi pin điện thoại tăng từ 80-100%. Ảnh: Howtogeek.
Kính trên các mẫu cao cấp không tốt hơn nhiều. Một chiếc điện thoại cao cấp có thể bị trầy xước và nứt dễ dàng như máy tầm trung. Khả năng chống trầy và chống nứt bắt nguồn từ 2 đặc tính đối lập của kính: độ cứng và độ dẻo. Một tấm kính cường lực không thể cải thiện liên tục cả 2. Hiện nay chúng ta gần như đạt đến giới hạn với vật liệu này. Ví dụ, nếu so sánh Gorilla Glass Victus 2 (thường có trên smartphone cao cấp) và Gorilla Glass 7i (dành cho dòng điện thoại tầm trung), có thể thấy sự khác biệt của chúng là không đáng kể. Cả 2 đều có đặc tính và độ bền hóa học rất giống nhau, ngưỡng trầy xước giống hệt nhau. Ảnh: Phone Arena.
Hai điện thoại cùng chip có thể khác hiệu năng. Dù bộ xử lý được xem là nền tảng sức mạnh, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hiệu năng, khiến cho những dòng smartphone dùng chung chipset có hiệu năng khác biệt. Từ yếu tố phần cứng như hệ thống tản nhiệt, tốc độ đọc, ghi của bộ nhớ trong, loại RAM đến việc tối ưu phần mềm, tính năng… đều góp phần tạo ra sự khác biệt lớn trong trải nghiệm của người dùng khi thao tác với máy. Phần mềm cồng kềnh hoặc được mã hóa kém có thể gây ra độ trễ, hao pin nhanh và khiến giao diện có cảm giác chậm chạp, ngay cả với phần cứng cao cấp. Ảnh: Qualcomm.
Tính năng điện thoại thay đổi theo từng khu vực. Tương tự pin, 2 điện thoại giống hệt nhau có thể có các tính năng khác nhau tùy thuộc vào thị trường. Chẳng hạn, iPhone được bán ở Mỹ hiện chỉ có eSIM, nhưng ở các quốc gia khác, máy vẫn có khay thẻ SIM vật lý cùng với hỗ trợ eSIM. Thuật toán hình ảnh cũng có thể khác nhau tùy theo khu vực. Ở phương Tây, mọi người thích giữ nguyên các chi tiết tự nhiên và thiên về màu sắc thực tế hơn, trong khi ở phương Đông, họ có xu hướng thích chỉnh sửa hình ảnh để trông hoàn hảo. Ảnh: Gizmodo.
Nguyễn Hiếu
Theo Howtogeek