Sắp xếp lại đồ rèn dạo bán khắp nơi
Sản phẩm chất lượng
Nắng trưa chiếu xuống vùng nông thôn oi ả, tiếng rao bán đồ rèn ngày càng lạc giọng. Nghề này đi bôn ba khắp xứ, nhiều khi thấm mệt, họ dừng lại đâu đó bên bóng cây ven đường nghỉ mát. Một ngày cuối tuần, tôi gặp họ túm tụm bóng cây, huyên thuyên chuyện nghề rôm rả. Thuở xưa, sản phẩm nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ Cửu Long. Thợ rèn nơi đây cần cù, khéo léo, tạo ra sản phẩm chất lượng, đem bán dạo khắp nơi. Ngày nay, với xu thế phát triển tất yếu, đồ rèn truyền thống Phú Mỹ vấp phải cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp, ít nhiều bị ảnh hưởng. Để tiệm cận với thị hiếu, nhu cầu thị trường, bà con làng nghề mạnh dạn thay đổi mẫu mã đẹp, chất lượng cao.
Mỗi khi nhắc đến sản phẩm rèn Phú Mỹ, người dân thôn quê đều ưu tiên lựa chọn. Từ đó, nghề rèn vẫn rực lửa cho tới bây giờ. Ngồi bên vệ đường hóng mát, chú Nguyễn Hoàng Sơn (54 tuổi) vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Chú rất tự hào về nghề đi bán đồ rèn Phú Mỹ do ông cha truyền lại. Ngày nay, sản phẩm được rèn từ những mảnh thép rất cứng cáp, chất lượng vượt trội. Đến nay, chú là đời thứ 3 còn giữ lửa với nghề. Sản phẩm được nông dân mua làm nông cụ rất nhiều.
Hàng ngày, trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ, chú Hoàng Sơn chạy rề rà rao bán dao, kéo, cưa, phảng, leng, cuốc, mác, búa, rựa, cù quéo, lồng hái trái cây… treo lỉnh kỉnh trên xe. Nông dân Nguyễn Văn Chất đang lom khom đánh rãnh bờ mương nước tại ruộng lúa. Khi thấy chú Hoàng Sơn đậu chiếc xe nghỉ xả hơi bên lề đường, ông Chất đến mua ngay chiếc leng, giá 120.000 đồng. Ông Chất nói rằng, nông dân thường dùng loại leng này, do thợ rèn Phú Mỹ làm quá chất lượng.
Thông thường, những người đi bán đồ rèn canh theo mùa vụ của nông dân. Leng, cuốc, phảng được bán chạy nhất. Ngày trước, mỗi khi tới mùa lúa chín, lưỡi hái xứ lò rèn Phú Mỹ được nông dân mua mạnh. Đến mùa thu hoạch lúa, gia đình nào có đất sản xuất nông nghiệp mua vài chục cây lưỡi hái. Gia đình nào đi cắt lúa thuê cũng trang bị cho mỗi thành viên. “Hồi đó, tôi chất hàng trăm lưỡi hái dạo bán khắp vùng nông thôn. Chỉ cần đậu xe lại, bà con tranh mua, không đủ hàng để bán. Những thợ rèn ở Phú Mỹ thổi lửa suốt mới đáp ứng nhu cầu thị trường” - chú Hoàng Sơn nhớ lại.
Tiếp tục duy trì nghề cha ông
Có thâm niên trong nghề bán đồ rèn, chú Phạm Ngọc Sơn (57 tuổi) kể, xứ lò rèn Phú Mỹ mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, như: Mô tơ, đá mài, máy cắt, máy dập thép… Từ đó, sản phẩm làm ra chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Sắp xếp lại món đồ trên xe để tiếp tục hành trình mưu sinh, chú Ngọc Sơn cho hay, đối với sản phẩm rèn công nghiệp hiện đại, người dân sử dụng một thời gian ngắn dễ bị cong hư. Nguyên nhân là do thép bị “non”, đốt lửa rèn chưa đạt kỹ thuật cao. Hiện nay, đồ rèn Phú Mỹ sử dụng rất bền, đáp ứng nhu cầu ở thôn quê.
Muốn làm được sản phẩm rèn sắc sảo, đòi hỏi người thợ phải lắm công phu. Thép được chọn từ các loại nhíp xe hơi, cho vào lò nung đỏ, rồi dùng máy dập mỏng. Công đoạn cuối cùng là đưa sản phẩm vào đá mài gọt giũa sản phẩm thật bén. “Nghề này rất cơ cực, phải làm quần quật dưới độ nóng cao. Do đó, ai muốn vào nghề phải ngồi quan sát thật kỹ, không thể nào cầm tay chỉ việc được. Có người học khoảng 1 ngày thì biết làm ngay. Nhiều người học hoài mà chưa thành công” - chú Sơn cười tươi.
Mỗi khi ngày mùa đến, trên chiếc xe gắn máy, chú Ngọc Sơn mang sản phẩm “ngao du” khắp vùng nông thôn trong và ngoài tỉnh. Khi lúa chín vàng đồng, chú chạy qua Giang Thành, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) bán leng, cuốc cho nông dân chuẩn bị làm đồng sạ lúa vụ sau. Xong mùa gặt thì chú chạy về Đồng Tháp, rồi xuống Vĩnh Long bán kéo cắt tỉa cành cho nhà vườn. Ngày tháng trôi nhanh, thấm thoát 30 năm chú bám nghề rèn truyền thống này. Nhờ vậy, gia đình có “đồng ra, đồng vô”, thu nhập ổn định, nuôi con khôn lớn. Ngày nào người dân còn sử dụng đồ rèn Phú Mỹ, thì chú còn dạo bán khắp nơi.
Tâm sự với chúng tôi vừa xong, chú lên xe tiếp tục hành trình rong ruổi khắp mọi nẻo đường quê. Nghề bán đồ rèn là vậy, tuy cực nhưng họ rất mừng khi sản phẩm chính tay mình làm ra được bà con nông dân tranh mua sử dụng.
Làng rèn Phú Mỹ còn khoảng 30 hộ duy trì ổn định. Sản phẩm rèn cung cấp khắp nơi, bà con thu nhập khá ổn định. Một lò rèn có 4 người làm. Mỗi ngày sản xuất ra khoảng 50 sản phẩm bán khắp các tỉnh ĐBSCL và miền Trung.
LƯU MỸ