Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát từ đầu năm, Bán đảo Triều Tiên năm 2024 không ngừng tăng nhiệt khiến giới quan sát nhận định, đây là năm “nóng” nhất đối với quan hệ liên Triều trong 70 năm qua. Nhìn lại các động thái trên Bán đảo Triều Tiên trong 1 năm qua, có thể nói, có nhiều yếu tố đầy nguy cơ và rủi ro đã đang và sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Một vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên. Ảnh: Jiji Press
Tác nhân gây căng thẳng
Điều gây quan ngại nhất là vấn đề hạt nhân – tên lửa của cả hai miền Triều Tiên. Ngay từ đầu tháng 1 năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi thị sát các nhà máy sản xuất vũ khí lớn, đã tuyên bố “Hàn Quốc là kẻ thù chính của Triều Tiên”. Chỉ vài tháng sau đó, phát ngôn này đã được luật hóa thông qua việc Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp, trong đó xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Những ngôn từ này đã định vị hai miền Triều Tiên là 2 “quốc gia khác biệt”.
Ông Kim nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta không có ý định tránh chiến tranh”, đồng thời nêu cao quan điểm “tăng cường năng lực quân sự để tự vệ và khả năng răn đe hạt nhân là ưu tiên hàng đầu".
Phía Triều Tiên không dừng ở lời nói theo kiểu đe dọa mà có những hành động thực tế khiến cả thế giới lo ngại.
Về phát triển hạt nhân, vào hôm 6/11 vừa qua, Triều Tiên khẳng định: “Với sức mạnh công nghiệp cách mạng của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, lực lượng hạt nhân của đất nước đã tăng mạnh và đạt trình độ mạnh nhất thế giới một cách vững chắc”.
Về tên lửa, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ phóng thử rầm rộ, không chỉ tên lửa đạn đạo mà cả tên lửa liên lục địa. Triều Tiên cũng đã quyết định chọn ngày 18/11 hàng năm là “Ngày công nghiệp tên lửa”.
Hàn Quốc cũng không hề có thái độ hiền hòa với những động thái này, mà trả đũa bằng nhiều hành động và ngôn từ cứng rắn. Hôm 14/10, quân đội Hàn Quốc tuyên bố “hoàn toàn sẵn sàng đáp trả” sau khi Triều Tiên ra lệnh cho lực lượng ở biên giới chuẩn bị khai hỏa. Bên cạnh đó là hàng loạt cuộc huấn luyện bắn đạn thật và các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, cùng lực lượng phòng vệ Nhật Bản với nhiều kịch bản giả định bị Triều Tiên tấn công cả bằng tên lửa và tấn công trên bộ.
Tổng thống Hàn Quốc còn cho biết liên minh hạt nhân giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ ngay lập tức tấn công Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng cố gắng phát động một cuộc tập kích bằng vũ khí nguyên tử vào Hàn Quốc. Đồng thời, Seoul còn áp đặt cấm vận nhiều mặt với Triều Tiên.
Những đe dọa qua lại, cùng những động thái mang tính quân sự, kinh tế này làm cho Bán đảo Triều Tiên trở thành một “thùng thuốc súng”, chỉ cần một “mồi lửa” là có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bên cạnh quan hệ “thù địch” của hai miền Triều Tiên, cuộc khủng hoảng chính trị với tên gọi “thiết quân luật”, bắt đầu từ hôm 3/12 vừa qua và vẫn đang kéo dài tại Hàn Quốc, giống như một đám mây đen làm âm u thêm bầu trời vốn đang ảm đạm hiện nay của Bán đảo Triều Tiên.
Hệ lụy cho quan hệ song phương và an ninh khu vực
Sự căng thẳng này mang lại nhiều thiệt hại cho cả hai bên. Đầu tiên là vấn đề nhân đạo, khi các gia đình ly tán do chiến tranh cả ở Hàn Quốc lẫn Triều Tiên không thể đoàn tụ được. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết có gần 134.000 người đã nộp đơn để đăng ký tham gia các đợt đoàn tụ, nhưng đã có tới gần 3.000 người đã chết do cao tuổi, không đợi được đến khi gặp lại người thân sau mấy chục năm chia cắt.
Thứ hai, đó là sự căng thẳng của người dân đang sống trong tình trạng chiến tranh. Chiến tranh Triều Tiên bùng phát từ năm 1950 kết thúc vào năm 1953, nhưng từ đó cho đến nay, mặc dù đã qua hơn 71 năm, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Chiến tranh là điều thảm khốc, nhưng sống, chờ đợi trong nỗi lo nơm nớp còn đáng sợ hơn. Tại Hàn Quốc, tất cả những đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 28 có đủ sức khỏe, đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự để bảo vệ đất nước, không có ngoại lệ.
Những hệ lụy này đang mang lại những thiệt hại rất cụ thể cho cả hai bên, đặc biệt là kinh tế. Vì phía Triều Tiên rất khép kín, nên chưa có đủ thông tin về năng lực kinh tế, mức sống của người dân..., nhưng chỉ nhìn từ góc độ nước này đẩy mạnh các dự án nghiên cứu – phát triển hạt nhân – tên lửa, có thể nhận định không hề chủ quan rằng đây là những khoản đầu tư rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như kinh tế đất nước. Theo các nguồn tin tình báo, quân đội Triều Tiên hiện có khoảng 1.200.000 binh sỹ. Để duy trì một đội quân như vậy, cần một khoản chi phí khổng lồ, đó là còn chưa kể tới vũ khí, khí tài, quân trang...
Hàn Quốc cũng không kém với 21 sư đoàn quân chủ lực 460.000 binh sỹ, 240 tàu chiến các loại, 620 máy bay chiến đấu luôn trong tình trạng trực chiến. Chỉ một phép tính nhẩm đơn đơn giản là có thể hình dung ra những chi phí kinh tế của hai bên lớn như thế nào để có thể “răn đe” lẫn nhau. Động thái của 2 bên còn đang gây những ảnh hưởng rất xấu tới tình hình an ninh của toàn bộ khu vực, kéo nhiều nước vào vùng ảnh hưởng, đặc biệt là Nhật Bản. Nước này nhận định là đang phải đối mặt với môi trường an ninh khắc nghiệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, do những phát triển nguy hiểm của tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Yếu tố chi phối
Bán đảo Triều Tiên đã thành một “thùng thuốc súng”, chỉ cần một “mồi lửa” là có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, qua các phát ngôn và động thái của lãnh đạo hai miền, có thể thấy các bên vẫn đang dừng ở mức độ “sẵn sàng đáp trả”, “không né tránh chiến tranh”, hoặc “chuẩn bị đối phó”... để kiềm chế, răn đe lẫn nhau, chứ chưa hề thấy thái độ hoặc phát ngôn nào cho biết sẽ phát động tấn công trực diện, do đó, “mồi lửa” vẫn chưa xuất hiện.
Thêm nữa, theo xu thế chung hiện nay, các bên đều cố gắng tránh gây xung đột vũ trang, nếu không cần thiết hoặc không đem lại lợi ích gì về chính trị, kinh tế... Đồng thời, các bên liên quan đều ý thức rõ, nếu có biến với chiến sự xảy ra, sẽ không còn là vấn đề riêng của hai miền mà sẽ thành nguy cơ an ninh cho cả khu vực.
Nhìn từ góc độ này, sẽ thấy có 2 yếu tố chính tác động trực tiếp đến tình hình Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. Thứ nhất là thái độ của Hàn Quốc và Triều Tiên, thứ hai là động thái của các nước lớn và nước láng giềng.
Về yếu tố thứ nhất, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao đã có thời gian quan hệ hai miền hòa dịu mà nay lại trở nên nguy hiểm khó lường. Giới quan sát cho rằng, chung quy chỉ là vì cách hành xử của hai bên. Trong khi Hàn Quốc cho rằng tập trận chung với Mỹ hoặc Nhật Bản... chỉ là hoạt động bình thường của một quốc gia có chủ quyền nhằm năng cao khả năng tự vệ, thì phía Triều Tiên cho rằng đây là hành động “khiêu khích” và “đe dọa”.
Ngược lại, khi Triều Tiên phóng thử tên lửa với tuyên bố là để phục vụ việc nghiên cứu nâng cao năng lực quốc phòng, thì Hàn Quốc, thậm chí cả Nhật Bản và Mỹ cùng nhiều nước khác đều cho rằng điều này đe dọa an ninh của khu vực. Chừng nào còn những thái độ cứng rắn của hai bên và các bên không chịu nhượng bộ theo kiểu “cơm sôi bớt lửa”, tình hình sẽ không được cải thiện.
Về yếu tố thứ 2, có thể nói, với vị trí địa chính trị, địa kinh tế mang tầm chiến lược, từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ ra khỏi “tầm ngắm” của các nước lớn.
Trong thời “Chiến tranh lạnh” là sự không nhượng bộ nhằm tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô, với một bên là Mỹ và Hàn Quốc, bên kia là Liên Xô và Triều Tiên. Còn hiện nay, cùng với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, “bàn cờ” có sự khác về hình thức và “người chơi cờ” nhưng bản chất và cục diện không hề thay đổi. Cụ thể, khi một bên là Nga và Triều Tiên ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, hay còn gọi là “Hiệp ước phòng thủ chung”, có hiệu lực từ hôm 4/12 vừa qua, cam kết bảo vệ lẫn nhau, thì bên kia, Hàn Quốc cùng Mỹ và Nhật Bản khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự để nâng cao khả năng răn đe và năng lực ứng phó với mọi tình huống chiến sự có thể xảy ra. Trong đó, việc Mỹ thành lập một lực lượng tác chiến rất mới và tinh nhuệ là “lực lượng không gian” tại Hàn Quốc vào tháng 12/2022, và tại Nhật Bản vào ngày 4/12 vừa qua là minh chứng rõ ràng.
Diễn biến của hai yếu tố này sẽ quyết định môi trường an ninh tên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại là, đến tận thời điểm này, không những chưa nhìn thấy “ánh sáng le lói cuối đường hầm”, mà còn xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ ngày càng phức tạp. Do đó, giới quan sát nhận định, năm 2025 sẽ là năm chứng kiến nhiều biến động hơn nữa trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuấn Nhật/VOV-Tokyo