Bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại

Bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 1/8 tới đây, Liên minh châu Âu (EU) và một loạt các quốc gia sẽ chính thức đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao do Mỹ áp đặt. Quyết định được Tổng thống Donald Trump công bố không chỉ khiến những nỗ lực đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa các nước và Washington sụp đổ, mà còn làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ.
EU, Canada, Mexico, Brazil, cùng hàng chục nền kinh tế khác, từ châu Mỹ Latin tới châu Á, đang tìm cách ứng phó trước một thực tế mới: trật tự thương mại toàn cầu mà họ từng gắn bó đang bị đảo lộn.
Thuế quan của Mỹ đã đưa Anh và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau hơn về thương mại Trong ảnh: người mua sắm tại London, tháng 4/2025. Nguồn: New York Times
Từ đây, một bức tranh đang dần thành hình: một bên là Mỹ - phá vỡ các cuộc đàm phán và liên tục đe dọa tăng thuế, một bên là EU với 27 quốc gia thành viên cùng các đối tác thương mại khác của Mỹ - đang xích lại gần nhau hơn, đặt nền móng cho một hệ thống thương mại toàn cầu dần tách khỏi một nước Mỹ ngày càng khó đoán.
Sự phân hóa trong trật tự thương mại
Thực tế những năm gần đây cho thấy, chính sách thương mại của Mỹ ngày càng khó đoán định, đặc biệt trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các biện pháp tăng thuế với hầu hết các đối tác lớn. Điều này khiến không chỉ EU mà nhiều nền kinh tế khác buộc phải tìm cách thích nghi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng, EU sẽ tiếp tục đàm phán lại mức thuế quan 30% Mỹ áp đặt, nhưng cũng đồng thời chuẩn bị các biện pháp đáp trả tương xứng trị giá gần 25 tỷ USD.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump không chỉ tác động đến EU. Canada, Mexico, Thái Lan, Bangladesh, Brazil cùng nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với mức thuế từ 30 - 50%. Với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ, đây không chỉ là cú sốc kinh tế mà còn là lời cảnh tỉnh về mức độ rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác.
Mặc dù trước đây Tổng thống Donald Trump từng rút lại một số đe dọa về thuế và lần này ông cũng để ngỏ khả năng đàm phán trước ngày 1/8, song bầu không khí hiện tại đã trở nên căng thẳng rõ rệt.
Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tập đoàn tư vấn Eurasia Group nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang “lợi dụng sự bất định như một công cụ mặc cả” để buộc các đối tác nhượng bộ, đồng thời cho rằng đây là hành động thay đổi luật chơi một cách toàn diện. Trong khi đó, nhiều ý kiến trong Nghị viện châu Âu cho rằng đây là nỗ lực nhằm chia rẽ và làm suy yếu sự đoàn kết của EU.
Sự thay đổi chiến lược hành động
Tuy nhiên, thay vì chia rẽ, động thái từ phía Mỹ và Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một hiệu ứng ngược: thúc đẩy các nước xích lại gần nhau hơn; kể từ khi ông Donald Trump khởi động chiến dịch tái cấu trúc hệ thống thương mại hồi tháng 2, EU đã gấp rút ký kết các thỏa thuận mới và củng cố các hiệp định hiện có.
Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Khi bất ổn kinh tế kết hợp với biến động địa chính trị, những đối tác như chúng ta cần xích lại gần nhau hơn”. Thông điệp này được đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại Brussels - một minh chứng cho xu hướng mở rộng liên kết của EU vượt ra ngoài phạm vi truyền thống.
Trong khi Mỹ tăng thuế, EU lại chủ động thúc đẩy việc gỡ bỏ rào cản thương mại, ký kết và củng cố hàng loạt hiệp định với các nền kinh tế như Canada, Nhật Bản, Việt Nam, Nam Phi hay Brazil. Những nỗ lực này cho thấy chiến lược mới của châu Âu: giảm phụ thuộc vào Mỹ và từng bước trở thành đầu mối liên kết thương mại toàn cầu.
Bà Ursula von der Leyen gửi thông điệp tới các lãnh đạo thế giới đang sốc trước chính sách thuế của ông Trump: “Các bạn luôn được chào đón ở đây, và có thể tin tưởng vào châu Âu”.
Ở khắp nơi, việc liên kết, mở rộng hợp tác kinh tế cũng đồng loạt diễn ra; sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit, Anh và EU đang có dấu hiệu hòa dịu và hợp tác trở lại. Canada cũng tăng cường hiện diện tại khu vực Đông Nam Á. Brazil và Mexico mở rộng quan hệ với cả EU và các quốc gia châu Á.
Thậm chí, một số nhà hoạch định chính sách đã đặt vấn đề: liệu có thể hình thành một cấu trúc thương mại mới hoàn toàn - không có sự tham gia của Mỹ hoặc Trung Quốc hay không. Đây là ý tưởng từng được bà Ursula von der Leyen đề cập, với mong muốn tạo ra một mạng lưới đối tác giữa EU và nhóm 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Việt Nam, Australia, những nước không trực tiếp bị chi phối bởi hai cường quốc lớn.
Một trật tự mới định hình?
Câu hỏi được đặt ra là liệu các đồng minh của Mỹ có sẵn sàng đi xa hơn, không chỉ hợp tác để “né tránh” Mỹ mà còn liên kết để đối trọng với chính sách của Mỹ hay không? Theo ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, các nền kinh tế lớn hoàn toàn có thể cân nhắc phối hợp các biện pháp trả đũa một cách đồng bộ để tạo sức ép lớn hơn. “Tôi sẽ bắt đầu theo dõi dấu hiệu của sự phối hợp giữa các quốc gia”, ông nói. “Đó là bước đi hợp lý trong tình thế hiện nay”.
Dù vậy, không ai phủ nhận vai trò của Mỹ trong hệ thống thương mại toàn cầu. Với quy mô kinh tế số một thế giới, sức mua mạnh, năng lực công nghệ vượt trội và ảnh hưởng địa chính trị lớn, Mỹ vẫn là đối tác không thể thay thế trong nhiều lĩnh vực; mới nhất, Tổng thống Indonesia Prabowo thừa nhận: “Chúng tôi tin rằng Mỹ sẽ luôn là một cường quốc hàng đầu”.
Chính vì vậy, các nỗ lực tái định hình mạng lưới thương mại toàn cầu không mang tính đối đầu mà thiên về chiến lược “đa trụ cột” - tránh phụ thuộc vào một trung tâm quyền lực duy nhất. Cấu trúc thương mại tương lai có thể sẽ phân tán hơn, linh hoạt hơn và ít chịu ảnh hưởng từ các quyết định đơn phương.
Căng thẳng thương mại hiện nay không chỉ là vấn đề thuế quan, mà phản ánh sâu sắc sự chuyển dịch quyền lực trong trật tự toàn cầu. Việc Mỹ áp đặt thuế lên hàng loạt đối tác không chỉ khiến hệ thống cũ lung lay mà còn tạo điều kiện cho các trung tâm quyền lực mới định hình lại luật chơi.
EU, cùng nhiều nền kinh tế khác, đang nỗ lực kiến tạo một mạng lưới thương mại ít phụ thuộc hơn, có tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao hơn. Trong quá trình đó, dù Mỹ có tiếp tục hành động như thế nào, thì một điều rõ ràng là: các quốc gia đang không đứng yên; họ đang vẽ lại bản đồ thương mại thế giới; lần này, có thể không có Mỹ ở trung tâm.
Hồng Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ban-do-thuong-mai-toan-cau-dang-duoc-ve-lai-10380040.html