Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 30/11/2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (tính chung cả vốn cấp phát của trung ương và vốn địa phương vay lại) đạt 30,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (24,89%). Mặc dù kế hoạch vốn được giao thấp hơn, chỉ bằng 70% năm 2023, nhưng các địa phương vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án.
Nguyên nhân chủ yếu là do dự án không còn nhu cầu giải ngân hoặc dự án chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh nên chưa có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn. Về tình hình giải ngân, chỉ 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 60% (Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận); 5 địa phương chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.
Đối với Phú Yên, hiện tỉnh có 1 dự án đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục ký kết hiệp định vay là Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - Dự án thành phần tỉnh Phú Yên, vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Ngày 17/7/2023, Chủ tịch nước đã có quyết định cho phép đàm phán với ADB về các hiệp định cho dự án.
Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương và ADB đã tổ chức các phiên đàm phán chính thức. Hiện nay, hiệp định vay chưa được ký kết, do vậy dự án chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn nước ngoài và kế hoạch vốn vay lại năm 2024 theo quy định.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã thảo luận, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm giải ngân và đề xuất các giải pháp phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài ở mức cao nhất trong năm 2024.
LÊ HẢO