Bàn giải pháp tháo gỡ các 'điểm nghẽn' để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ

Bàn giải pháp tháo gỡ các 'điểm nghẽn' để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ
3 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham dự buổi họp.
Nội dung làm việc về kết quả thực hiện kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh quý III/2024, các kiến nghị cần tháo gỡ liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, các sở, ngành của địa phương và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương…
Quốc hội trên tinh thần hỗ trợ tối đa
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đã là Nghị quyết đặc thù, đặc biệt thì Quốc hội phải trên tinh thần hỗ trợ tối đa để thành phố chủ động thực hiện theo thẩm quyền.
Phát biểu gợi mở cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về: Kết quả triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Các thành viên Đoàn công tác sẽ nghe báo cáo về các nội dung Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký để Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2024; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật; Từ đó, kịp thời kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm hơn 27%.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đảng, Nhà nước luôn dành cho Thành phố Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sáng 5/10.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đã là Nghị quyết đặc thù, đặc biệt thì Quốc hội phải trên tinh thần hỗ trợ tối đa để thành phố chủ động thực hiện theo thẩm quyền. Mà đã giao sự chủ động thì tinh thần là giảm “xin-cho”, giảm hội họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua cuộc làm việc sáng nay, các thành viên Đoàn công tác, lãnh đạo thành phố, một số bộ, ngành sẽ đánh giá việc triển khai Nghị quyết 98 đã mang lại kết quả tích cực bước đầu, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Theo đó, các đại biểu nhìn lại sau một năm thực hiện, những việc đã làm, đang làm và chưa làm có những khó khăn gì, đề xuất các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thành phố chủ động triển khai, thực hiện, với tinh thần sáng tạo, tự chủ để nghiên cứu thực hiện đạt kết quả theo quy định của pháp luật.
Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Kết quả kinh tế-xã hội quý 3/2024 tiếp tục đà tăng trưởng của quý 2, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá.
Nỗ lực khơi thông nguồn lực
Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu (trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt, 3 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động).
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, Nghị quyết 98 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho thành phố Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn mãi phát biểu tại Hội nghị.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng báo cáo tại cuộc họp kết quả thực hiện Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, đối với Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131, từ đó, ban hành nghị quyết mới toàn diện hơn, phù hợp hơn; đồng thời đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Phan Văn Mãi: Cơ sở thực tiễn để thành phố thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vì Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, có điều kiện rất thuận lợi để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại đây. Thông qua việc thu hút và là điểm đến của các tổ chức tài chính toàn cầu để hỗ trợ các hoạt động thương mại trong khu vực cũng như là trung tâm tài trợ cho tăng trưởng công nghiệp và thương mại quốc tế; đồng thời là điểm đến của Fintech trong khu vực với chi phí cạnh tranh.
Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố còn được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị của thành phố, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm.
Đề án này cũng nhận được sự đồng tình cao của các bộ, ngành Trung ương, vì Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí và nguồn nhân lực xứng tầm, là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại đây.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung. Trong đó, đối với việc thực hiện Nghị quyết 98: Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Đối với dự án Vành đai 3: Kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn-Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào khai thác năm 2026.
VĂN NGHIỆP CHÚC
QUÝ HIỀN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ban-giai-phap-thao-go-cac-diem-nghen-de-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-manh-me-post834958.html