Bán hàng nông sản chưa qua sơ chế thì lập hóa đơn với thuế suất thuế GTGT bao nhiêu?

Bán hàng nông sản chưa qua sơ chế thì lập hóa đơn với thuế suất thuế GTGT bao nhiêu?
5 giờ trướcBài gốc
Hỏi: Công ty bán hàng nông sản (thịt heo, bò) chưa qua sơ chế cho Doanh nghiệp mà không xác định được họ là mua về sử dụng hay bán lại thì công ty lập hóa đơn với thuế suất thuế GTGT bao nhiêu?
Trả lời:
- Theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đối tượng không chịu thuế GTGT):
1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.
- Theo Khoản 5 Điều 5 TT 219/2013/TT-BTC (các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT):
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
- Theo Khoản 7 Điều 10 TT 219/2013/TT-BTC (thuế suất 5%):
7. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
Thực phẩm tươi sống gồm các loại thực phẩm chưa được làm chín hoặc chế biến thành sản phẩm khác, chỉ sơ chế dưới dạng làm sạch, bóc vỏ, cắt, đông lạnh, phơi khô mà qua sơ chế vẫn còn là thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá và các sản phẩm thủy sản, hải sản khác. Trường hợp thực phẩm đã qua tẩm ướp gia vị thì áp dụng thuế suất 10%.
Theo các quy định nêu trên, trả lời cho câu hỏi sẽ có các tình huống như sau:
Thứ nhất: hóa đơn ghi hàng không chịu thuế GTGT. Theo khoản 1 Điều 4 TT 219 đã nêu, trường hợp Công ty bán sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Thứ hai: Công ty là Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo Khoản 5 Điều 5 nêu trên. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Thứ ba: Cty là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi (không phải tự sản xuất ra) cho các đối tượng tiêu dùng như hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, thì trên hóa đơn phải tính thuế GTGT với thuế suất 5%.
Thứ tư: trường hợp Công ty là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi (không phải tự sản xuất ra) cho các đối tượng tiêu dùng như hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, thì trên hóa đơn phải tính thuế GTGT với thuế suất 1% trên doanh thu.
Như vậy, để xác định đúng tình huống áp thuế GTGT với Công ty thì điều đầu tiên cần xác định tình trạng của Công ty là gì: là nơi trực tiếp sản xuất, nuôi trong ra sản phẩm bán ra, hay chỉ là thu mua về rối sơ chế để bán ra; là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp. Điều thứ hai là xác định đối tượng mua hàng là ai, từ đó xác định tình huống về thuế GTGT phù hợp. Trường hợp khi bán hàng mà không xác định được hoặc bên mua không cung cấp thông tin xác định họ là bên kinh doanh thương mại hay là người tiêu dùng thì, tính thuế GTGT 5% (hoặc 1%) luôn là lựa chọn hợp lý, tránh rủi ro.
PV
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ban-hang-nong-san-chua-qua-so-che-thi-lap-hoa-don-voi-thue-suat-thue-gtgt-bao-nhieu-d55120.html