Bán hàng qua môi trường số: Hướng đi mới cho nông sản Thái Nguyên

Bán hàng qua môi trường số: Hướng đi mới cho nông sản Thái Nguyên
một ngày trướcBài gốc
Hình thức bán hàng trên nền tảng số ngày càng được nhiều nhà sản xuất và kinh doanh áp dụng, mở ra hướng đi bền vững trong tiêu thụ hàng hóa. Cách làm này không chỉ giúp nông dân chủ động sản xuất mà còn định hướng đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo lợi ích lâu dài.
Nâng tầm sản phẩm HTX
Hiện cả nước có hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp với 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó nhiều sản phẩm đã khẳng định chất lượng và được cấp nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, hơn 13.000 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, với gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao, và 42 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và mẫu mã, tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng để tăng hiệu quả tiêu thụ trên môi trường số, cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, mỗi địa phương cần xây dựng "chợ số" riêng để quảng bá và đưa sản phẩm của các HTX đến gần hơn với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh phát biểu tại "Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm kết nối tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số cho khu vực KTTT, HTX các tỉnh thành phố năm 2024"
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: “Cần tập trung hơn nữa vào công tác vận động nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực, để tối ưu hiệu quả tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng. Đồng thời, cần đề xuất chính sách phù hợp nhằm đảm nhận vai trò đầu mối triển khai một số dịch vụ công liên quan đến kinh tế tập thể và chuyển đổi số. Việc kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia, và nhà quản lý, kết hợp phát huy giá trị văn hóa, lịch sử sẽ tạo nên sức mạnh mềm, gia tăng giá trị thương hiệu cho từng sản phẩm.”
Để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản, các cấp, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX và các chủ thể khác gia tăng đáng kể doanh số bán hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho biết thời gian gần đây, hình thức bán hàng qua môi trường số đã được nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh tại tỉnh áp dụng. Điều này mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, giúp nông dân tự chủ hơn trong sản xuất và định hướng đầu ra cho sản phẩm.
Để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh đã tận dụng các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… cùng các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo để quảng bá, tìm kiếm thị trường. Qua đó, sản phẩm nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Tại “Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm kết nối tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số cho khu vực KTTT, HTX các tỉnh thành phố năm 2024” tổ chức ngày 21/11/2024 tại Thái Nguyên, các doanh nghiệp, HTX và lãnh đạo Liên minh HTX từ một số tỉnh thành đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, họ cũng trao đổi về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và phát triển các sản phẩm OCOP trong khu vực KTTT, HTX.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất định hướng và giải pháp cho các hoạt động chung giữa Liên minh HTX các tỉnh thành trong việc thúc đẩy kết nối cung - cầu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể. Các đề xuất này nhằm mục tiêu phát triển hoạt động kết nối và tiêu thụ sản phẩm trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đại biểu tham dự diễn đàn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm của HTX trên môi trường số
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, đặc biệt là thông qua các nền tảng trực tuyến trong thời đại công nghệ số. Điều này sẽ giúp các sản phẩm của HTX tiếp cận được nhiều thị trường hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong việc tổ chức, tham quan, và học hỏi các mô hình HTX mới. Các HTX cũng cần được hỗ trợ trong việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực hoạt động và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, đã chia sẻ quan điểm này.
Bứt phá trên không gian số
Thời gian qua, HTX Tâm Trà Thái đã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến như Zalo, TikTok, Facebook và website. Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX, chia sẻ: "Sau một thời gian tiếp cận với hình thức bán hàng này, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để đưa sản phẩm của HTX và các hộ thành viên đến với nhiều khách hàng trên khắp cả nước. Thị trường đã được mở rộng, sản xuất và kinh doanh nông sản đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, khoảng 40% sản lượng của HTX đã được tiêu thụ qua nền tảng số."
Ngoài ra, nhiều người dân địa phương cũng chủ động lập các kênh fanpage và TikTok để bán hàng trực tuyến. Mỗi ngày, họ thực hiện livestream, mang lại hàng trăm đơn hàng và doanh thu lên tới hàng chục triệu đồng.
Việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như tích hợp bán hàng đa kênh, sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm, phần mềm kế toán MISA, và phần mềm bán hàng Sapo, đã giúp HTX chè La Bằng đạt nhiều thuận lợi trong việc sản xuất và bán hàng. HTX đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp, đối tác trên toàn quốc, đóng góp trực tiếp hơn 20% vào tổng doanh thu.
Giám đốc HTX Chè La Bằng cho biết thêm: "HTX thường xuyên cử cán bộ và thành viên tham quan, học hỏi các mô hình phát triển trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp đào tạo và tập huấn để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, từ đó kịp thời thích ứng với xu thế của thời đại."
Chuyển đổi số đang là hướng đi bền vững trong tiêu thụ sản phẩm, giúp khu vực KTTT, HTX tự chủ trong sản xuất và định hướng đầu ra cho sản phẩm của mình
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn nội tại cần được tháo gỡ trong việc thúc đẩy đưa các sản phẩm khu vực KTTT, HTX lên môi trường số. Phần lớn các HTX hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, liên kết theo chuỗi giá trị nhưng chỉ dừng lại ở một số khâu, chưa có tính đồng bộ. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ thông tin của các tổ chức KTTT, HTX vẫn còn nhiều hạn chế.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử tại các địa phương, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục áp dụng chuyển đổi số trong quá trình vận hành HTX. Điều này bao gồm việc minh bạch hóa sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhằm tạo niềm tin và uy tín cho HTX. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người dân và doanh nghiệp để họ có thể tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử. Đồng thời, cần chú trọng đến việc phát triển các tiện ích thông minh trên các nền tảng di động. Những nỗ lực này sẽ tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả cho khu vực kinh tế tập thể, HTX và người dân.
Phạm Hòa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/ban-hang-qua-moi-truong-so-huong-di-moi-cho-nong-san-thai-nguyen-1103760.html