Học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt - Lâm Đồng) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tích cực chuẩn bị từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những Kỳ thi trước.
Để có hành lang pháp lý cho tổ chức Kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá việc dạy và học diện rộng trong cả nước và phục vụ mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và chính thức ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Quy chế vừa ban hành, bên cạnh việc kế thừa nội dung của các Quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua nhất là năm 2023 và 2024, có những điểm mới đáng chú ý về tổ chức Kỳ thi; xét công nhận tốt nghiệp; sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để quy đổi/miễn thi trong xét tốt nghiệp THPT; cộng điểm khuyến khích...
Như vậy, đến nay, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vị rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của Kỳ thi, ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Theo Điều 3 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT thì tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Đề thi và yêu cầu bảo mật, giải mật của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Đề thi và yêu cầu bảo mật, giải mật của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Điều 5 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT như sau:
Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị. Đề thi phải bảo đảm các yêu cầu dưới đây: Nội dung đề thi đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT; Bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng; Bám sát yêu cầu cần đạt trong Chương trình GDPT; bảo đảm phân loại được thí sinh; Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của các môn thi được tính theo thang điểm 10 (mười); Mỗi đề thi có đáp án kèm theo, riêng đề thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi; Đề thi phải ghi rõ có mấy trang (đối với đề thi có từ 2 trang trở lên); ghi rõ chữ "HẾT" tại điểm kết thúc đề thi.
Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” của đề thi: Đối với đề thi tự luận chỉ kết thúc khi hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài; đối với đề thi trắc nghiệm chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của buổi thi; Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật ngay khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.
LAM ANH