Đêm 26.7, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” với chủ đề “ Đất nước lời ru” kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2025) do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức đã diễn ra tại Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (phường Quảng Phú, thành phố Đà Nẵng).
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính và các đại biểu tham dự chương trình
Tham dự chương trình có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện Mẹ VNAH, Anh hùng LLVT, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân các gia đình có công với Cách mạng và đông đảo người dân trong và ngoài thành phố Đà Nẵng.
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" với chủ đề "Đất nước lời ru" do Bộ VHTTDL chủ trì, tổ chức tại Khu tượng đài Mẹ VNAH, thành phố Đà Nẵng tối ngày 26.7
Sự kiện là lời tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Những người lính ấy đã viết nên bản hùng ca còn vang mãi đến hôm nay và tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, thay mặt ngành VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Anh hùng liệt sĩ, các gia đình người có công với cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng - những biểu tượng vĩ đại nhất của lòng yêu nước, đức hy sinh và tinh thần bất khuất Việt Nam.
“Thông qua các tiết mục được dàn dựng công phu, giàu cảm xúc, chương trình chính là hành trình nghệ thuật bằng âm nhạc, hình ảnh và cảm xúc, tái hiện khí phách hào hùng của các thế hệ đi trước, đồng thời gửi gắm thông điệp: tri ân là mạch nguồn tiếp nối, là sức mạnh để dựng xây tương lai và hơn hết, thông điệp của chương trình nghệ thuật là lời nhắn gửi bằng trái tim: “Chúng tôi không quên! Nhân dân không quên!”
Ngành VHTTDL sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc khơi dậy khát vọng cống hiến, giữ gìn bản sắc, bồi đắp nền tảng tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là trách nhiệm, mà còn là vinh dự - là cách chúng ta cùng nhau gìn giữ ký ức dân tộc bằng ánh sáng của văn hóa và nghệ thuật”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Các đại biểu cùng thắp lên những ngọn nến tri ân tưởng niệm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ toàn quốc
“Bản hùng ca bất diệt” được chia thành 3 chương, liên kết chặt chẽ về mạch cảm xúc. Xuyên suốt là hình tượng "lời ru" - lời ru của mẹ, của vợ, của những người phụ nữ Việt Nam đã tiễn chồng, tiễn con ra chiến trường bằng tất cả tình yêu và lòng tin son sắt.
Chương 1 “Lời ru trong bão lửa” khắc họa tinh thần chiến đấu kiên cường của cả một thế hệ qua hình ảnh người mẹ và người vợ nơi hậu phương.
Với những hoạt cảnh: Lời ru bên nôi; Thư người lính gửi vợ; Đất quê ta mênh mông,… cùng những bài ca: Quê hương anh bộ đội; Bài ca hy vọng; Tình em; Đường cày đảm đang, Đất quê ta mênh mông,…tái hiện câu chuyện người lính lên đường đánh giặc, ở hậu phương, những người mẹ, người vợ lao động sản xuất.
Là hình ảnh người mẹ nuôi con lớn lên giữa những ngày bom rơi đạn xé và tiễn con lên đường ra trận, giữa tiếng vọng chiến tranh đào hầm, đánh giặc, mẹ “hóa thân thành hầm bí mật, thành bóng cây ngụy trang giữa lòng làng nhỏ” để chở che những người lính từ các vùng miền khác nhau, những người lính không mang họ mẹ…“Mỗi việc mẹ làm – đều là một lời thề không tiếng: Giữ đất. Giữ làng. Giữ từng nhịp thở yên bình cho quê hương”.
Hình ảnh người cựu chiến binh xúc động trong giây phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Chương II “ Lời ru buồn- Nỗi đau của mẹ” lặng lẽ tái hiện những mất mát không thể đo đếm với những với những bài hát, trích phim Mùi cỏ cháy; Vành hoa lửa và Người mẹ Quảng Nam; Đất nước; Một đời người một đời cây;…
Một điểm nhấn xúc động là phóng sự về Mẹ VNAH Ngô Thị Lạng, người mẹ có chồng và con trai đều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Đến tận hôm nay, mẹ vẫn không biết chính xác con mình nằm ở nơi nào giữa nghĩa trang rộng lớn, nỗi đau ấy, không gì bù đắp nổi.
Khán giả lặng người, có cả những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi những lời của mẹ cất lên: “Nó trốn tôi đi tòng quân. Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, tôi cũng sợ mất con lắm, nhưng giữ con lại thì mất nước, nên tôi không ngăn cản.." - "chỉ biết nằm ở nghĩa trang này nhưng không biết nằm ở mô" ... "trốn mẹ, tìm không ra..."
Trên đất nước này còn bao người mẹ như thế nữa, còn bao nhiêu liệt sỹ chưa được trở về với mẹ với quê hương như con của mẹ Lạng, như chính những câu thơ kết phóng sự: “Miền Trung ấy, có Mẹ Bầm Mẹ Suốt/Thạch Hãn ơi! Máu nhuộm đỏ loang chiều/Có Mẹ Thứ, chín mươi triệu tin yêu/Tiễn chồng con, năm lần bảy lượt/Mỗi đứa con, Mẹ héo từng đoạn ruột/Nước mắt lăn tròn, đẫm ướt gối đêm”.
Một tiết mục hoạt cảnh trong chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt"
Chương III “Lời ru hòa bình- Viết tiếp những ước mơ” với những tiết mục như: Về bên mẹ, Cho con là người Việt Nam,…mở ra niềm tin về một tương lai nơi những lời ru sẽ chỉ còn vang lên trong những ngày yên bình.
Nhưng ở đó, vẫn còn câu chuyện hy sinh trong thời bình, nước mắt mẹ lại rơi, là câu chuyện trong phóng sự về một Bà mẹ VNAH thời bình - Mẹ Trần Thị Chinh (Ninh Bình) có con trai là cảnh sát PCCC và CHCN tỉnh Gia Lai hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Những lời ru ấy từng vang lên giữa khói lửa chiến tranh, từng thổn thức trong nỗi nhớ và niềm mong ngóng, để rồi trở thành biểu tượng thiêng liêng cho lòng hy sinh thầm lặng mà vĩ đại. Những lời ru đã nâng bước những người lính ra trận, trở thành bản nhạc nền cho khát vọng độc lập, thống nhất và hòa bình.
Các bạn học sinh cùng tham gia chương trình
Chương trình do Nhà hát lớn Hà Nội thực hiện, với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Tấn Minh, NSUT Lan Anh, NSUT Phạm Thu Hà, Nghệ sĩ Violin Trần Quang Duy, Ca sĩ Đăng Dương, Viết Danh, Khánh Chi, Thanh Tài, Thu Hằng, Nhóm MTV, Dàn nhạc dân tộc Thanh Âm Xanh,…
Những ca khúc cách mạng bất hủ vang lên giữa không gian thiêng liêng của Khu Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH đưa người xem trở về với những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc
“Bản hùng ca bất diệt” đặc biệt ấn tượng hơn khi được diễn ra tại không gian tượng đài Mẹ VNAH bằng đá hoa cương. Bức phù điêu với chân dung bán thân mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) - người mẹ có 9 người con trai, 2 người cháu ngoại và một người con rể hi sinh vì đất nước. Phía trước gắn kết với một hồ nước lớn hình bán nguyệt.
Với sự kết hợp các công nghệ mới, sân khấu chương trình tại không gian Tượng đài Mẹ VNAH thêm ấn tượng, hào hùng
Trong không gian ấy, với sự kết hợp sử dụng công nghệ 3D Mapping, đồ họa màn hình cùng với các công nghệ mới về âm thanh, ánh sáng tạo điểm nhấn ấn tượng cho chương trình nghệ thuật.
KHÁNH CHI