Sao lại thu thuế tiền để dành?
Những ngày qua, dư luận nóng lên với chuyện đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi tiết kiệm.
Cụ thể, tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tờ trình dẫn thu nhập một số nước đang áp dụng tính thuế, trong đó có lãi tiền gửi ngân hàng.
Đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm nhận được nhiều ý kiến trái chiều (ảnh minh họa).
Xung quanh đề xuất này, có nhiều ý kiến trái chiều. UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị nên miễn thuế cho lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.
Còn UBND TP Cần Thơ lại cho rằng, lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn đối với quy mô tiết kiệm nhỏ.
Đón nhận thông tin về đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, anh Nguyễn Bình (Mỹ Đình, Hà Nội), một người làm công ăn lương băn khoăn: "Tiền tiết kiệm là phần còn lại sau tiền lương, đã bị thu thuế thu nhập cá nhân, tại sao lại tính thêm thuế?".
Tương tự, ông Nguyễn Bá Hiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, tiền tiết kiệm là khoản tiền cuối cùng sau khi đã trừ rất nhiều khoản thuế và đây cũng là khoản tiền nhỏ mà những người về hưu như ông dành dụm tuổi già.
"Không đầu cơ được mới nhờ ngân hàng cất tiền để hưởng chút lãi. Khoản tiền này không đáng gì so với những hình thức đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…", ông Hiến nói.
Cần xem xét, cân nhắc kỹ
Thực tế, tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dẫn chứng về việc thu loại thuế này ở một số nước.
Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế, dự kiến năm nay phấn đấu tăng trưởng tối thiểu 8%; hướng tới giai đoạn tiếp theo tăng trưởng 2 con số… vì thế sẽ cần nhu cầu vốn rất lớn.
Khoảng 90% doanh nghiệp hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Nếu đánh thuế lãi tiết kiệm, người dân sẽ giảm gửi tiền vào ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Khi nào thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD/năm mới nên tính tới chuyện đánh thuế lãi tiết kiệm.
TS Nguyễn Ngọc Tú
Cụ thể, thu nhập chịu thuế tại Thái Lan được chia thành 8 loại, trong đó có thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan, thu nhập từ đầu tư vốn.
Còn ở Trung Quốc quy định 9 loại thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, trong đó cũng có thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận.
Tương tự, ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế ngoài tiền công, tiền lương lao động; thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ cổ tức… cũng có thu nhập từ tiền lãi.
TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế cho rằng, dẫn chứng trên chưa tương đồng với Việt Nam.
Bởi lẽ, Trung Quốc hiện thu nhập bình quân đầu người khoảng 13.000 USD/năm, trong khi Việt Nam chưa tới 5.000 USD/năm; Hàn Quốc cũng là nước có thu nhập bình quân đầu người xếp vào hàng cao trên thế giới…
Theo ông Tú, thu nhập của người dân những nước trên thường đủ để nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí dư dật.
Ngoài ra, an sinh xã hội tại các quốc gia này cũng khá cao. Trẻ em đi học được miễn học phí, người già đi viện được miễn viện phí.
Người dân mua nhà được hỗ trợ vay với lãi suất thấp, khoản tiền lãi vay mua nhà trả góp hàng tháng cũng được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân…
"Về lý thuyết, gửi tiết kiệm cũng là một kênh đầu tư như đất đai, chứng khoán, vàng… nên việc đưa lãi tiết kiệm vào đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân cũng khá bình thường. Song để áp dụng với Việt Nam thì cần xem xét, tham khảo, cân nhắc kỹ", ông Tú góp ý.
Lo dòng tiền sẽ rút ra khỏi ngân hàng
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, không nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm trong thời điểm này.
Lý do là tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi hiện rất thấp, cao nhất khoảng 6%/năm.
Số lãi không đáng với hàng loạt các thủ tục khi áp dụng. Chưa kể, nếu tính yếu tố lạm phát thì người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
"Việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay?
Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không "bõ" và cũng không đáng", ông Thịnh nói và nhận định, nếu áp dụng đề xuất, chắc chắn dòng tiền sẽ rút khỏi ngân hàng.
Tương tự, theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, lãi tiền gửi tiết kiệm nếu bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín bày tỏ, đa phần doanh nghiệp sử dụng vốn để kinh doanh thay vì gửi ngân hàng, trong khi cá nhân gửi tiền chủ yếu để hưởng lãi suất.
Việc đánh thuế có thể làm mất cân bằng dòng tiền, thúc đẩy xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực ít tạo ra giá trị thực.
"Vì thế, trước khi đưa ra quyết định có nên đánh thuế hay không, cần thực hiện đánh giá tổng thể về quy mô thị trường tiền gửi, tỷ lệ tiền gửi từ cá nhân và tổ chức.
Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện thị trường đầu tư lành mạnh, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính quốc gia", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Hồng Hạnh