Điểm trường Kạch Lớn 2, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Đăk Sao (Tu Mơ Rông, Kon Tum) không còn sử dụng. Ảnh: Trúc Hân
Quá trình sắp xếp mạng lưới trường lớp đã mang lại hiệu quả bước đầu về chất lượng giáo dục, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần tháo gỡ.
Nhiều điểm trường lẻ không sử dụng
Tỉnh Kon Tum có 342 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, gồm: 134 trường mầm non, 76 trường tiểu học, 64 trường tiểu học - THCS, 44 trường THCS và 24 trường THPT.
Tính đến năm học 2024 - 2025, tổng số điểm trường lẻ trên toàn tỉnh là 937 điểm (so với năm học 2020 - 2021 tăng 19 điểm). Số điểm trường lẻ đang sử dụng trên toàn tỉnh là 710, còn lại 227 điểm không sử dụng (trong đó 143 điểm trường lẻ đã bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng).
Việc sắp xếp lại các điểm trường lẻ dựa trên nhiều yếu tố: Số học sinh giảm, không đủ điều kiện mở lớp; giao thông đi lại thuận lợi, điều kiện học tập tại điểm trường chính cơ bản đảm bảo và có sự đồng thuận của phụ huynh...
Nhờ sắp xếp hợp lý, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp trên địa bàn tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ học 2 buổi/ngày tăng từ 61,3% lên 100% với cấp tiểu học; học ngoại ngữ từ lớp 3 trở lên tăng từ 86,8% lên 100%; học Tin học từ lớp 3 trở lên tăng từ 37,1% lên 100%. Cuối năm 2024, toàn tỉnh Kon Tum có 194/342 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó 169 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 25 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
“Các điểm trường lẻ được sắp xếp trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Bên cạnh đó, phát huy các chính sách hỗ trợ như bán trú, ăn trưa…; sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum thông tin.
Một số điểm trường hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Dung Nguyễn
Khắc phục hạn chế
Dù đạt kết quả tích cực, việc sắp xếp mạng lưới trường lớp tại Kon Tum còn không ít thách thức. Trong số 227 điểm trường lẻ không sử dụng, 143 điểm đã bàn giao cho địa phương quản lý, song nhiều nơi chưa có phương án tái sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, phần lớn các điểm trường được đầu tư xây dựng trước đây nhưng hiện xuống cấp, nhiều hạng mục hết niên hạn sử dụng.
Cụ thể, có 759 điểm lẻ hết khấu hao chiếm 80,9%, còn 178 điểm lẻ chưa hết khấu hao chiếm 19,1%. Bên cạnh đó, một số điểm lẻ đang sử dụng chưa được kiên cố, thiếu sân chơi, thiết bị, công trình vệ sinh, nước sạch, tường rào.
Nhiều điểm trường lẻ có khoảng cách quá xa trường chính khiến học sinh ít có cơ hội học tập trong môi trường toàn diện. Còn một số điểm lẻ bậc mầm non có lớp ghép vượt quy định do số trẻ cùng độ tuổi không đủ để bố trí lớp. Vì vậy, chất lượng dạy học hạn chế, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khó khăn.
Một số điểm trường lẻ có khoảng cách gần điểm trường chính, thuận lợi cho việc sắp xếp tinh gọn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại trường chính chưa đảm bảo.
Ông Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Sa Bình (Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, trường có 614 học sinh, học tại 21 lớp. Trước đây, điểm trường làng Khúc Na được duy trì với hai lớp học do địa bàn có khe suối lớn, tiềm ẩn nguy hiểm cho học sinh khi phải di chuyển về điểm chính, nhất là vào mùa mưa.
Tuy nhiên, sau khi được đầu tư nâng cấp, việc đi lại thuận tiện hơn nên toàn bộ học sinh chuyển về học tại điểm trường chính, cách điểm lẻ khoảng 1km. Nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất tại điểm Khúc Na, Trường Mầm non Sa Bình mượn phục vụ công tác dạy học.
“Cơ sở vật chất tại điểm trường chính được các cấp quan tâm đầu tư, như: Nhà ở giáo viên, nhà vệ sinh cho học sinh… Tuy nhiên, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn. Nhà trường mong muốn sớm được cấp bổ sung để đảm bảo chất lượng dạy và học”, ông Sơn chia sẻ.
Cùng với những bất cập, thiếu thốn về trang thiết bị, thực tế cũng ghi nhận một số điểm trường nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, thực hiện di dời các hộ dân về điểm tái định cư mới, khoảng cách học sinh đi học quá xa. Có điểm trường đầu tư đã lâu nên xuống cấp, hư hỏng nhiều...
“Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương rà soát, kiện toàn công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, cơ sở vật chất phù hợp với tình hình phát triển và yêu cầu huy động tối đa học sinh ra lớp”, bà Trung cho biết.
Theo đó, Sở GD&ĐT Kon Tum đã kiến nghị UBND các huyện, thành phố có phương án sử dụng, xử lý cơ sở vật chất từng điểm lẻ. Đối với điểm lẻ đã quá niên hạn, xuống cấp cần thanh lý tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn và ưu tiên bổ sung quỹ đất công của khu dân cư.
Đối với điểm trường còn niên hạn, an toàn, có phương án sử dụng hiệu quả: Bố trí làm nơi sinh hoạt tổ dân phố, thôn làng, điểm sinh hoạt văn hóa, thư viện cộng đồng, nơi làm việc của hợp tác xã, sinh hoạt của chi bộ, đoàn thanh niên... để phát huy tối đa, hiệu quả cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư hoặc tài trợ...
Sở GD&ĐT Kon Tum đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với phòng GD&ĐT tiếp nhận, quản lý và sử dụng các điểm trường lẻ dôi dư sau khi sắp xếp cho phù hợp, tránh lãng phí. Đồng thời, xem xét bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bổ sung cơ sở vật chất đối với các điểm trường lẻ đang sử dụng. Đặc biệt là phòng học kiên cố, công trình vệ sinh, sân chơi, tường rào, thiết bị…
Dung Nguyễn